Điều tiết hợp lý nguồn nước, chủ động ứng phó với khô hạn

Tại Ninh Thuận, lượng nước của các hồ chứa trên địa bàn hiện đảm bảo cấp đủ nước tưới phục vụ sản xuất, sinh hoạt. Tuy nhiên, do khí hậu đặc thù của vùng đất thường xảy ra khô hạn, nguy cơ thiếu nước tưới vào cuối vụ có thể xảy ra.

Do đó, địa phương đang tập trung triển khai nhiều phương án để bảo vệ sản xuất và điều tiết tối ưu nguồn nước để sử dụng trong cao điểm mùa khô năm 2024.

Tỉnh Ninh Thuận chủ động tích trữ, điều tiết nguồn nước từ hồ Thành Sơn (xã Xuân Hải, huyện Ninh Hải) phục vụ cho sản xuất vụ Đông Xuân 2023 – 2024 và vụ Hè Thu sắp tới.

Theo ngành nông nghiệp tỉnh Ninh Thuận, vụ Đông Xuân năm 2023-2024 tổng diện tích gieo trồng trên 31.394 ha cây hàng năm; trong đó, trên 17.321 ha lúa, hơn 13.974 ha cây màu và khoảng 12.700 ha cây lâu năm. Đến nay, các địa phương đã thu hoạch đạt 40% diện tích gieo trồng trong vụ và dự kiến kết thúc vụ Đông Xuân vào ngày 30/4. Nhìn chung, lượng nước của các hồ chứa đều đảm bảo cấp đủ nước tưới phục vụ sản xuất trồng trọt, chăn nuôi để vụ Đông Xuân năm 2023-2024 đảm bảo thắng lợi.

Về nguồn nước, tính đến ngày 21/3 lượng nước tích tại 23 hồ chứa trên địa bàn tỉnh còn 216,38 triệu m3 (đạt 51,8% dung tích thiết kế), thấp hơn lượng nước cùng kỳ năm 2023 là 95,64 triệu m3. Lượng nước hồ Đơn Dương (Lâm Đồng) phát điện qua Nhà máy thủy điện Đa Nhim và cung cấp nước cho tỉnh Ninh Thuận lượng nước còn 125,28/165 triệu m3, đạt 75,92% so dung tích thiết kế.

Tỉnh Ninh Thuận chủ động tích trữ, điều tiết nguồn nước từ hồ Thành Sơn (xã Xuân Hải, huyện Ninh Hải) phục vụ cho sản xuất vụ Đông Xuân 2023 – 2024 và vụ Hè Thu sắp tới.

Mặc dù, lượng nước của các hồ chứa đều đảm bảo cấp đủ nước tưới cho diện tích đã xuống giống vụ Đông Xuân, tuy nhiên một số hồ chứa mực nước đã hạ thấp đến mực nước chết gồm: CK7, Bầu Ngứ, Ông Kinh phải khai thác lượng nước dưới dung tích chết mới đảm bảo cấp đủ nước tưới cho cây trồng. Ngoài ra, một số hồ chứa gồm: Phước Nhơn, Tân Giang, Suối Lớn, Sông Biêu, Lanh Ra, Bầu Zôn dung tích có khả năng hạ thấp đến dung tích chết sau khi kết thúc vụ Đông Xuân năm 2023-2024.

Ông Trương Khắc Trí, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận thông tin, để chủ động ứng phó với tình hình thiếu nước, hạn hán năm 2024 theo Công điện số 04/CĐ-TTg ngày 15/01/2024 của Thủ tướng Chính phủ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có kế hoạch điều tiết nước ngay từ đầu năm 2024, xây dựng kế hoạch cụ thể ứng phó với hạn hán để chủ động, không bị bất ngờ và có giải pháp tối ưu nhất đặc biệt là vẫn bảo đảm tăng trưởng của ngành đạt trên 4,3%.

Trước dự báo tác động của hạn hán, thiếu nước đến sản xuất tại các địa phương, trong vụ Hè Thu năm 2024 kế hoạch cấp nước của tỉnh sẽ ưu tiên lượng nước tại các hồ chứa để cấp cho sinh hoạt của người dân, nước uống cho gia súc và nước cấp cho nông nghiệp. Trong nông nghiệp ưu tiên nước cấp cho cây lâu năm, cây hàng năm sau đó mới đến cây lúa và các lĩnh vực thiết yếu khác.

Nhờ hệ thống nước tưới từ các công trình thủy lợi điều tiết về giúp cánh đồng lúa ở huyện Ninh Hải, Ninh Thuận phát triển tươi tốt.

Nếu xuất hiện tình hình nắng nóng kéo dài, vụ Hè Thu năm 2024 sẽ triển khai theo phương án 1 tổ chức sản xuất với diện tích trên 24.102 ha; trong đó, cây lúa trên 13.064 ha; cây màu trên 7.988 ha; cây lâu năm trên 2.622 ha; thủy sản trên 425 ha. Đối với một số khu vực không đảm bảo nguồn nước tưới như khu tưới hồ Lanh Ra, Phước Trung, Phước Nhơn, Ông Kinh, CK7, Bầu Ngứ, Suối Lớn... sẽ không sản xuất, chỉ ưu tiên lượng nước cấp cho sinh hoạt, chăn nuôi, cây lâu năm, cây màu và các ngành kinh tế trọng điểm của tỉnh.

Để đảm bảo đủ nguồn nước sử dụng, ngành nông nghiệp tiếp tục phối hợp Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Khai thác công trình thủy lợi, các huyện, thành phố tổ chức điều tiết nước và phân bổ nguồn nước từ các hệ thống công trình thủy lợi đảm bảo tiết kiệm phục vụ cho sản xuất và sinh hoạt. Các địa phương tập trung hướng dẫn người dân gieo trồng đúng khung lịch thời vụ, cơ cấu giống và diện tích gieo trồng theo kế hoạch; đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nhân rộng các mô hình chuyển đổi cây trồng hiệu quả; áp dụng công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm trong sản xuất; không xuống giống ở những khu vực không chủ động nước tưới.

Mô hình ao tích trữ nước phục vụ sản xuất trong mùa khô năm 2024 của người dân xã An Hải (huyện Ninh Phước).

Bên cạnh đó, các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền tới người dân, đơn vị sử dụng nước tiết kiệm, triệt để nguồn nước thô hiện có để cung cấp cho hệ thống cấp nước sinh hoạt; tổ chức nạo vét, sửa chữa các giếng cũ và đào, khoan giếng mới kết hợp kiểm tra, xử lý nguồn nước đảm bảo tiêu chuẩn, chất lượng để phục vụ sinh hoạt. Đồng thời, chủ động phương án chở nước sinh hoạt phục vụ nhân dân đảm bảo kịp thời, hiệu quả khi nguồn nước từ hệ thống cấp nước và nước giếng khi không đủ.

Để chăm sóc, bảo vệ vật nuôi, ngành nông nghiệp khuyến cáo người dân nạo vét, đào mới ao chứa nước, trồng cỏ, tận dụng phụ phẩm nông nghiệp và đặc biệt không đốt rơm rạ, nhất là trong thời gian thu hoạch vụ lúa Đông Xuân 2023-2024 để giải quyết thức ăn cho đàn gia súc. Người dân có kế hoạch di chuyển đàn gia súc đến các khu vực chăn thả thuận lợi về thức ăn, nước uống để ứng phó khi hán hán xảy ra.

Người dân di chuyển đàn cừu đến khu vực hồ Phước Nhơn (xã Phước Trung, huyện Bác Ái) để chăn thả.

Theo dự báo của các Trung tâm Khí tượng thủy văn quốc gia, Đài Khí tượng thủy văn Nam Trung bộ, từ ngày 16/3 đến tháng 5/2024 khu vực Trung Bộ và Tây Nguyên tổng lượng mưa thấp hơn trung bình nhiều năm cùng kỳ từ 15 - 30%. Trong thời kỳ từ tháng 4-5/2024, khả năng xảy ra khô hạn cục bộ tại các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận và khu vực Tây Nguyên, đặc biệt tại những nơi ngoài vùng cấp nước của công trình thủy lợi. Cảnh báo nguy cơ xảy ra hạn hán thiếu nước tại các huyện Ninh Sơn, Bác Ái, Ninh Hải, Thuận Bắc, Thuận Nam thuộc tỉnh Ninh Thuận.

Bài và ảnh: Nguyễn Thành (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/kinh-te/dieu-tiet-hop-ly-nguon-nuoc-chu-dong-ung-pho-voi-kho-han-20240329082935104.htm