Điều tra kỹ nguồn lây, quyết liệt truy vết hết F0, F1, F2

Điều tra kỹ nguồn lây của ca bệnh ở Hà Nam (BN 2.899); quyết liệt truy vết hết F0, F1, F2 và người dân cần nâng cao hơn nữa ý thức phòng chống dịch COVID-19… là một số khuyến cáo của PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Cố vấn Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam.

Chốt kiểm dịch tại thôn Thọ Lão (xã Đạo Lý, huyện Lý Nhân, Hà Nam). Ảnh: Báo Hà Nam

Phải điều tra thật kỹ nguồn lây ca chỉ điểm ở Hà Nam

PGS. TS. Trần Đắc Phu cho hay đối với ca bệnh chỉ điểm ở Hà Nam (BN 2899, công bố chiều 29/4), mặc dù tỉnh Hà Nam và những địa phương liên quan đã nhanh chóng triển khai các giải pháp phòng chống dịch, đã thần tốc truy vết, tuy nhiên do hiện chưa xác định được nguồn lây của ca bệnh chỉ điểm mà có một số giả thiết về nguồn lây của ca bệnh này.

Cụ thể, bệnh nhân (BN 2899) lây nhiễm trong khu cách ly, sau đó về nhà mới phát bệnh (Việt Nam cũng đã ghi nhận một số trường hợp lây nhiễm trong khu cách ly như tại Yên Bái).

Bệnh nhân có thể nhiễm bệnh từ nước ngoài nhưng thời gian ủ bệnh có thể 14 ngày hoặc dài hơn nên thời điểm lấy mẫu xét nghiệm lần 3 nếu vào ngày thứ 12-13 không phát hiện dương tính.

Dù trên thực tế vẫn có những ca bệnh COVID-19 ủ bệnh trên 14 ngày nhưng rất ít nên quy định cách ly tập trung đủ 14 ngày với xét nghiệm 3 lần âm tính, sau đó tiếp tục về nhà giám sát, hạn chế tiếp xúc thêm 14 ngày như Bộ Y tế quy định hiện là chặt chẽ.

Trong quá trình di chuyển trên các phương tiện hoặc gặp gỡ người khác nên lây nhiễm từ cộng đồng nhưng chưa xác định được.

Vì vậy, chúng ta phải phân tích, điều tra thật kĩ để xác định nguyên nhân nhiễm bệnh của ca bệnh 2899 (dương tính sau khi hết thời hạn cách ly 14 và đã qua 3 lần xét nghiệm đều âm tính).

Ông Trần Đắc Phu nhấn mạnh phải điều tra kỹ nếu nguyên nhân mang mầm bệnh, nếu từ khi trong khu cách ly thì sẽ kiểm soát được nhanh vì đã kiểm soát được trường hợp F1, quản lý được F2; nếu lây ở cộng đồng thì phức tạp hơn (vì chưa rõ nguồn lây) nên sẽ khó truy vết được hết các trường hợp F1 và F2.

Quyết liệt nhanh chóng hơn nữa truy vết hết các F0, F1, F2

Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, phải thống nhất một quan điểm trong phòng, chống dịch là không có đợt dịch nào giống nhau, đặc biệt, đợt dịch này vào đúng thời điểm nghỉ lễ, trong khi từ ca F0 chỉ điểm ở Hà Nam có tốc độ lây lan nhanh trong thời gian rất ngắn, hiện lây ra thêm một số địa phương khác qua đường tiếp xúc, F1 thành F0, F2 thành F0…

Nước ta hiện đã ghi nhận chủng virus lây lan nhanh là chủng ở Anh, chủng ở Nam Phi, chủng Ấn Độ. Do đó, không loại trừ ổ dịch xuất hiện tại nước ta lần này liên quan đến chủng lây lan nhanh. Trong đó, ca mắc ở Hà Nam cũng có thể liên quan đến chủng này.

Do đó, các địa phương phải quyết liệt, nhanh chóng hơn nữa để truy vết hết các F0, F1, F2. Khó mấy cũng phải làm, việc này rất quan trọng vì ta phải chạy đua với dịch. Nếu không thì từ 1 ca rất có thể có nhiều ca mắc.

PGS.TS Trần Đắc Phu lưu ý việc xét nghiệm diện rộng thực hiện có chỉ định trên toàn địa bàn thôn, xã, nơi ở, nơi qua lại của ca F0.

Cùng với đó, các địa phương phải rà soát lại các khu cách ly. Bài học lây nhiễm trong khu cách ly của Yên Bái gần đây nhất chính là bài học của các địa phương khác trong vấn đề cách ly. Nếu lơ là, không tuân thủ mọi quy trình đã hướng dẫn thì có thể dịch bệnh sẽ lây lan ngay trong chính khu cách ly.

Trong dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 này, dù Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo yêu cầu tuân thủ phòng chống dịch, thực hiện nghiêm 5K. Tuy nhiên tại một số địa phương, trong ngày 30/4 đã có hàng chục nghìn người vui chơi, tắm biển chen chúc…

Theo chuyên gia Trần Đắc Phu, điều này vô cùng nguy hiểm vì nếu trong đám đông đó có người nhiễm sẽ dẫn đến lây nhiễm với số ca trong cộng đồng rất cao, rất khó cho việc truy vết và gây khó khăn cho công tác phòng chống dịch bệnh.

Do đó, trong tình hình dịch bênh như hiện nay, người dân cần nâng cao hơn nữa ý thức phòng chống dịch, càng ở chỗ đông người càng cần phải tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch, đặc biệt là tuân thủ 5K…

Về phía chính quyền, cần thường suyên nhắc nhở để người dân tuân thủ quy định về phòng chống dịch; xử phạt nghiêm những người vi phạm.

“Bài học lễ hội sông Hằng của Ấn Độ khiến dịch bệnh bùng phát và lây lan nhanh chóng vẫn còn nguyên giá trị. Do đó, trong tình hình hiện nay cả người dân và chính quyền địa phương càng cần phải nâng cao ý thức phòng chống dịch”, chuyên gia Trần Đắc Phu nhấn mạnh.

(theo Sức khỏe và Đời sống)

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/suc-khoe/dieu-tra-ky-nguon-lay-quyet-liet-truy-vet-het-f0-f1-f2/429843.vgp