Điều tra nguyên nhân cá chết hàng loạt trên sông Mã

Các cơ quan chức năng của tỉnh Thanh Hóa đang khẩn trương làm rõ nguyên nhân gây ra việc cá chết hàng loạt trên sống Mã thời gian qua.

Tính từ ngày 15/3 đến nay, trên địa bàn huyện miền núi Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa có hơn 15 tấn cá nuôi lồng và gần 400 kg thủy sản trên sông Mã bị chết chưa rõ nguyên nhân; trong đó cao điểm nhất vào ngày 8/4, lượng cá chết trong ngày lên tới gần 1 tấn.

Sau khi sự việc xảy ra. Đoàn công tác của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa đã xuống địa bàn lấy mẫu nước, xác cá gửi Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản I phân tích, xét nghiệm để xác định nguyên nhân gây cá chết.

Bước đầu kiểm tra lâm sàng, mổ khám cá nuôi tại khu vực phố 1 thị trấn Cành Nàng và xã Lâm Xa cho thấy cá không bị xuất huyết bên ngoài, mang và các cơ quan nội tạng bên trong bình thường, không có hiện tượng xuất huyết, tụ huyết bất thường, không ghi nhận dấu hiệu của bệnh nào. Còn mẫu nước có màu đen, không có tảo, thủy sản tự nhiên như cá leo, tôm, cua… cũng lác đác bị chết.

Người dân huyện Bá Thước hoang mang trước việc cá chết bất thường.

Người dân huyện Bá Thước hoang mang trước việc cá chết bất thường.

Các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương đang tiếp tục kiểm tra, rà soát các hộ nuôi cá lồng trên địa bàn; hướng dẫn người nuôi theo dõi và chăm sóc cá nuôi hàng ngày, vệ sinh lồng để lưu thông dòng chảy, dùng máy sục khí, máy bơm nước để tăng hàm lượng oxy hòa tan.

Ông Võ Minh Khoa, Chủ tịch UBND huyện Bá Thước cho biết, đến thời điểm này, huyện đã xác định được 3 doanh nghiệp chế biến lâm sản xả nước thải xuống sông Mã, có dấu hiệu gây ra cá chết hàng loạt trên sông Mã những ngày qua.

Trong ngày 12 và 13/4, đoàn công tác liên ngành của UBND huyện Bá Thước gồm Phòng Tài nguyên và Môi trường, Công an huyện, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chính quyền địa phương đã kiểm tra toàn bộ các doanh nghiệp chế biến lâm sản nằm dọc sông Mã trên địa bàn huyện.

Ông Lê Đức Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết: Ngoài thực hiện công tác kiểm tra, thống kê, hỗ trợ người dân, UBND tỉnh cũng đã yêu cầu các đơn vị chức năng nhanh chóng tìm ra nguyên nhân thủy sản chết và nếu phát hiện có đơn vị nào gây ô nhiễm nước sông Mã, sẽ xem xét để khởi tố hình sự.

Theo thống kê tổng số lượng cá trắm cỏ nuôi lồng đã chết là 6.737 con, với tổng khối lượng hơn 12,9 tấn. Số cá lồng chết là của 68 hộ dân ở các thôn Bèo Bọt, Phâng Khánh, Nâm Trẹn và Thành Long của xã Cẩm Thành.

Trong đó, tập trung nhiều nhất ở thôn Bèo Bọt và Phân Khánh. Ngoài số lượng cá đã chết, theo UBND xã Cẩm Thành, hiện còn 15 lồng cá của 5 hộ dân với số lượng khoảng 3 tấn cá đang có nguy cơ chết.

UBND tỉnh Thanh Hóa cũng yêu cầu UBND huyện Bá Thước, tổ chức lực lượng kiểm tra hệ thống đường ống xả thải của 5 cơ sở sản xuất, chế biến nông - lâm sản nằm ven sông Mã (gồm 1 nhà máy chế biến tinh bột sắn và 4 cơ sở chế biến luồng) trên địa bàn.

Đồng thời trước mắt yêu cầu các cơ sở sản xuất, chế biến lâm sản dọc hai bên bờ sông Mã trên toàn tuyến phải lắp đặt camera theo dõi việc xử lý nước thải, chất thải và hoạt động thải nước ra sông Mã.

Trong khi các cơ quan chức năng đang rốt ráo vào cuộc, tại huyện Cẩm Thủy nằm ở phía hạ nguồn sông Mã, giáp ranh với huyện Bá Thước, chỉ trong ngày 14/4, gần 13 tấn cá trắm cỏ nuôi lồng của người dân xã Cẩm Thành, huyện Cẩm Thủy chết trắng. Nước sông Mã đoạn qua xã Cẩm Thành đổi màu đen bất thường, bốc mùi hôi tanh.

Ngay sau khi xuất hiện hiện tượng cá chết, đoàn kiểm tra gồm Sở NN&PTNT, UBND huyện Cẩm Thủy và UBND xã Cẩm Thành kiểm tra lâm sàng, bước đầu xác định cá không có biểu hiện xuất huyết bên ngoài, hậu môn bình thường, mang cá bình thường, mắt cá và các cơ quan nội tạng bên trong cơ thể cũng bình thường.

Trước thực trạng trên, để chủ động ứng phó và hạn chế thấp nhất thiệt hại xảy ra, Sở NN&PTNT đề nghị UBND các huyện UBND các huyện Quan Hóa, Cẩm Thủy, Vĩnh Lộc, Thọ Xuân, Thạch Thành khẩn trương giám sát chặt chẽ khu vực nuôi cá lồng của các hộ dân.

Hướng dẫn người nuôi theo dõi và chăm sóc cá nuôi hàng ngày và vệ sinh lồng để lưu thông dòng chảy; dùng máy sục khí, máy bơm nước để tăng hàm lượng oxy hòa tan; khi môi trường nước có biến động ảnh hưởng xấu đến sức khỏe cá nuôi, cần di chuyển lồng nuôi đến khu vực môi trường nước tốt hơn…

Đức Thọ

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/moi-truong/dieu-tra-nguyen-nhan-ca-chet-hang-loat-tren-song-ma-584205.html