Điều tra ông Trump: Cấp dưới thừa nhận bất ngờ về Ukraine

Đại sứ Mỹ tại Liên minh châu Âu (EU) thừa nhận gây áp lực với Ukraine về cuộc điều tra Joe Biden nếu muốn tiếp tục viện trợ quân sự.

Đại sứ Mỹ tại Liên minh châu Âu (EU) Gordon Sondland ngày 5/11 thừa nhận với một quan chức Ukraine rằng, gói viện trợ quân sự của Washington cho Kiev phụ thuộc vào việc nước này có điều tra ứng cử viên Tổng thống Joe Biden của đảng Dân chủ hay không.

Đại sứ Mỹ tại Liên minh châu Âu Gordon Sondland.

Đại sứ Mỹ tại Liên minh châu Âu Gordon Sondland.

Theo đó, ông Sondland nhận là đã nói với Andriy Yermak, một cố vấn cấp cao của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky rằng gói viện trợ quân sự sẽ không được giải ngân cho đến khi nào Kiev tiến hành điều tra về mối quan hệ giữa ông Biden và con trai với công ty năng lượng Burisma của Ukraine.

Việc "gây áp lực" này diễn ra hôm 1/9, là kết quả của nhiều tháng gây sức ép với Kiev từ Luật sư riêng của Tổng thống Trump là ông Rudy Giuliani.

Phía ông Trump yêu cầu Ukraine mở các cuộc điều tra "chống tham nhũng" với thành viên nhà Biden và niềm tin của ông Trump rằng Ukraine đã hỗ trợ đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử năm 2016.

Ông Sondland thừa nhận với các nhà điều tra Hạ viện rằng ông hiểu việc gắn kết giữa gói viện trợ quân sự 391 triệu USD của Mỹ và việc Ukraine tiến hành điều tra chống tham nhũng như vậy là "không phù hợp".

"Tôi không phải là luật sư nhưng tôi cho là như vậy" - ông Biden nói.

Hôm 5/11, các nhà điều tra luận tội của Hạ viện Mỹ đã triệu tập quyền Chánh văn phòng Nhà Trắng Mick Mulvaney có mặt tại một phiên điều trần vào ngày 8/11 tới, cho rằng ông này "có hiểu biết thực chất" về nỗ lực gây áp lực với Ukraine của Tổng thống Trump.

Ông Mulvaney là quan chức chính quyền Mỹ mới nhất cũng như là quan chức Nhà Trắng cấp cao nhất được yêu cầu ra làm chứng trong cuộc điều tra luận tội Tổng thống Trump.

Theo tờ Washington Post, khả năng cao ông này sẽ tiếp tục phớt lờ yêu cầu xuất hiện tại phiên điều trần tới.

Trước khi Đại sứ Mỹ tại châu Âu thừa nhận việc gây sức ép từ chính quyền Trump, cựu Đại sứ Mỹ tại Ukraine Marie Yovanovitch cũng đã đưa ra các bằng chứng bất lợi cho ông Trump.

Bà từng giữ chức vụ Đại sứ Mỹ tại Kiev kể từ tháng 8/2016 cho đến khi đột ngột bị triệu tập về nước hồi tháng 5, với lý do được cho là không hợp tác với luật sư riêng của ông Trump, Rudy Giuliani, và các cộng sự trong nỗ lực điều tra ông Joe Biden – một trong những ứng cử viên hàng đầu đại diện cho đảng Dân chủ ra tranh cử Tổng thống vào năm tới.

Ông Trump có đề cập đến bà Yovanovitch trong cuộc điện đàm ngày 25/7 với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky.

Cựu Đại sứ Mỹ tại Ukraine Marie Yovanovitch

Tổng thống Mỹ Donald Trump trước đó cho biết, ông ngăn chặn viện trợ cho chính quyền Kiev không phải nhằm gây sức ép để điều tra Biden, mà do Ukraine tham nhũng nhất thế giới. Ngoài ra, ông Trump giải thích ông hoãn viện trợ vì muốn các nước châu Âu khác cũng phải hỗ trợ Kiev.

Các Ủy ban Hạ viện Mỹ mở cuộc điều tra luận tội Trump từ tháng 9 sau khi một người tố giác giấu tên cáo buộc Tổng thống Mỹ hối thúc người đồng cấp Ukraine điều tra cha con ông Joe Biden trong cuộc điện đàm hôm 25/7.

Khoảng một tuần trước cuộc điện đàm, Trump đã hoãn khoản viện trợ quân sự trị giá gần 400 triệu USD cho Ukraine, làm dấy lên đồn đoán về động cơ của ông chủ Nhà Trắng. Tuy nhiên, Trump giải thích ông hoãn viện trợ vì muốn các nước châu Âu khác cũng phải hỗ trợ Kiev.

Hạ viện Mỹ hôm 31/10 thông qua nghị quyết điều tra luận tội Trump, mở ra giai đoạn mới trong cuộc điều tra với các phiên điều trần công khai.

Tuy nhiên, Nhà Trắng vẫn cáo buộc quá trình này là "bất hợp pháp" và các lời khai không đưa ra bằng chứng mới nào.

Hải Lâm

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/dieu-tra-ong-trump-cap-duoi-thua-nhan-bat-ngo-ve-ukraine-3390884/