Điều trị ARV sớm, người nhiễm HIV sống khỏe mạnh

Việc điều trị ARV sớm, tuân thủ tốt, không chỉ giúp người nhiễm HIV cải thiện sức khỏe, tuổi thọ mà còn giúp giảm lây truyền HIV cho người khác.

Nhiều lợi ích

Người dân cần chủ động xét nghiệm HIV và điều trị nếu không may bị nhiễm HIV.

Anh B., đang cai nghiện ma túy ở Cơ sở Cai nghiện ma túy TP Cần Thơ, cho biết: “Tôi mới điều trị ARV được mấy tháng. Uống ARV thấy khỏe trong người, không mệt như lời đồn của mấy bạn “chơi heroin” cùng. Vợ tôi cũng điều trị ARV mấy năm nay, nên không bị bệnh lặt vặt, có sức khỏe để chăm mẹ ruột và con nhỏ”.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), người nhiễm HIV điều trị ARV sớm và tuân thủ tốt sẽ có tuổi thọ không thua kém người bình thường. Điều trị ARV kịp thời sẽ giảm nguy cơ tiến triển AIDS, giảm mắc các nhiễm trùng cơ hội và tử vong ở người nhiễm HIV, đặc biệt là giảm nguy cơ bệnh lao. Vì thế, ARV cứu sống người nhiễm HIV, giúp họ sống lâu hơn và khỏe hơn, giảm chi phí điều trị. Bằng chứng là chị A., hiện ở TP Hồ Chí Minh, là người đầu tiên tại Việt Nam xác định bị nhiễm HIV (cuối năm 1990). Đến năm 1997, chị bắt đầu uống thuốc ARV và duy trì cho đến nay. Sau hơn 29 năm, sức khỏe của chị vẫn ổn định do chị dùng thuốc ARV đều đặn, tinh thần lạc quan.

Bên cạnh đó, điều trị bằng thuốc ARV kịp thời còn giúp kiềm hãm lượng HIV trong máu ở mức thấp hơn ngưỡng 200 bản sao/ml máu (ngưỡng không phát hiện được vi-rút HIV). Từ đó, không có nguy cơ lây truyền HIV qua đường tình dục cho bạn tình (HIV âm tính). Năm 2018 và 2019, tại TP Cần Thơ, các nhóm tự lực đã tổ chức sự kiện truyền thông để truyền đi thông điệp K=K, tức là Không phát hiện = Không lây truyền.

Trong những năm qua, nhằm tăng cường hiệu quả của chương trình điều trị HIV/AIDS, cùng với cả nước, TP Cần Thơ đã hoàn thiện công tác kiện toàn cơ sở điều trị, cải thiện chất lượng điều trị HIV/AIDS tại các phòng khám, đảm bảo thuận tiện cho người nhiễm HIV trên địa bàn thành phố được tiếp cận với dịch vụ điều trị ARV sớm, dễ dàng.

Phát hiện sớm - điều trị ngay

PGS.TS. Phan Thị Thu Hương, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS, nói: “Mỗi cá nhân hãy chủ động và tự làm bác sĩ của chính mình. Chủ động dự phòng trước phơi nhiễm (sử dụng thuốc PrEP), chủ động dự phòng sau phơi nhiễm (sử dụng thuốc PEP), chủ động đi xét nghiệm HIV và chủ động đi điều trị nếu không may bị nhiễm HIV để bảo vệ chính mình cũng như bạn tình của mình”.

TP Cần Thơ bắt đầu triển khai điều trị thuốc ARV từ tháng 1-2006 và liên tục cho đến nay. Thời gian đầu triển khai ở một vài quận, huyện rồi mở rộng ra nhiều quận, huyện khác. Hiện tại, thành phố có 7 phòng khám ngoại trú (PKNT) điều trị ARV, trong đó có 3 phòng khám tuyến thành phố đặt tại: Bệnh viện Đa khoa thành phố, Bệnh viện Nhi đồng và Bệnh viện Quân Y 121; và 4 phòng khám tuyến quận: Bệnh viện Đa khoa quận Ô Môn, Bệnh viện Đa khoa quận Thốt Nốt, Trung tâm Y tế quận Bình Thủy và Trung tâm Y tế quận Cái Răng.

Nhằm mở rộng chương trình điều trị ARV và giúp người nhiễm HIV tiếp cận với thuốc ARV sớm, ngày 1-12-2017, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 5418/QĐ-BYT về việc hướng dẫn điều trị và chăm sóc HIV/AIDS. Theo Quyết định này, việc điều trị ARV sẽ được chỉ định khi bệnh nhân đã được khẳng định tình trạng nhiễm HIV, không cần phụ thuộc vào kết quả xét nghiệm CD4 hoặc giai đoạn lâm sàng như trước đây. Tại TP Cần Thơ, sau khi áp dụng hướng dẫn điều trị mới, số trường hợp bệnh nhân mới đưa vào điều trị ARV tăng cao. Trong 10 tháng đầu năm 2019, có 435 bệnh nhân mới điều trị ARV và duy trì điều trị cho 3.196 bệnh nhân, đạt 174% chỉ tiêu năm 2019.

Từ năm 2016, Bộ Y tế đã xác định công tác điều trị HIV/AIDS sẽ chuyển dần từ chương trình dự án (với sự hỗ trợ của các dự án quốc tế) sang nguồn từ bảo hiểm y tế (BHYT). Để đảm bảo việc duy trì điều trị của bệnh nhân và triển khai hiệu quả chương trình điều trị HIV/AIDS trong bối cảnh chuyển giao, việc đảm bảo người nhiễm HIV có thẻ BHYT là vấn đề quan trọng. Ngày 9-12-2016, HĐND TP Cần Thơ đã ban hành Nghị quyết số 13/2016/NQ-HĐND về việc quy định hỗ trợ mức đóng BHYT cho người nhiễm HIV/AIDS và phụ nữ mại dâm hoàn lương, theo đó, người nhiễm HIV có hộ khẩu tại TP Cần Thơ được hỗ trợ 100% mức đóng BHYT từ ngân sách thành phố. Tính đến ngày 30-10-2019, tỷ lệ người nhiễm HIV/AIDS đang điều trị ARV (bao gồm cả trong và ngoài thành phố) có thẻ BHYT đạt 96,6% (3.087/3.196), trong đó số trường hợp bệnh nhân được cấp thẻ BHYT theo Nghị quyết 13 là 1.664 người.

Đặc biệt, để tạo điều kiện cho bệnh nhân điều trị liên tục, không bị gián đoạn, Sở Y tế TP Cần Thơ cũng đã chủ động tham mưu kế hoạch kinh phí và đề xuất trình UBND thành phố phê duyệt, bố trí ngân sách đồng chi trả thuốc ARV cho bệnh nhân theo Quyết định số 2188/QĐ-TTg ngày 15-11-2016 của Thủ tướng Chính phủ quy định về thanh toán thuốc kháng HIV được mua sắm tập trung cấp quốc gia sử dụng nguồn quỹ khám chữa bệnh BHYT và hỗ trợ người sử dụng thuốc kháng HIV. Tính đến ngày 31-10-2019, cấp thuốc ARV tối đa 90 ngày cho 250 bệnh nhân theo quy định của Bộ Y tế và tiếp tục rà soát cấp thuốc ARV dự kiến đến cuối năm 2019 là 350 bệnh nhân.

Theo Ths Đoàn Thị Kim Phượng, Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS TP Cần Thơ, tới đây, trung tâm sẽ tiếp tục tăng cường công tác tư vấn, hỗ trợ tuân thủ điều trị, tư vấn về lợi ích của việc tham gia BHYT, đặc biệt với các trường hợp bệnh nhân không có hộ khẩu tại TP Cần Thơ và chưa có thẻ BHYT; tiếp tục hoàn thiện các thủ tục để tiến tới việc thanh toán các chi phí xét nghiệm tải lượng vi-rút HIV qua BHYT.

Bài, ảnh: H.HOA

Nguồn Cần Thơ: https://baocantho.com.vn/dieu-tri-arv-som-nguoi-nhiem-hiv-song-khoe-manh-a116010.html