Điều trị bệnh tuyến giáp đối với phụ nữ có thai

Hiện nay có đến 50% người mắc bệnh tuyến giáp không được chẩn đoán do triệu chứng bệnh không đặc trưng, dễ nhầm lẫn với các bệnh lý khác cũng như nhầm lẫn với những biểu hiện thường ngày.

Vừa qua, Khoa Nội tiết – Đái tháo đường, Bệnh viện Bạch Mai vừa tiếp nhận một trường hợp bệnh nhân bị cường tuyến giáp khi đang mang thai.

Đối với trường hợp này các bác sĩ cho biết, bệnh nhân nhập viện trong trạng thái khó thở, trong quá trình mang thai lại không đi khám định kì. Trước đó, bệnh nhân thấy mệt mỏi, hay vã mồ hôi, hồi hộp đánh trống ngực. Hai tuần trước, xuất hiện mệt, khó thở tăng dần kèm phù hai chi dưới, họ khạc đờm đục, không rõ sốt.

Bác sĩ chấn đoán bệnh nhân bị Basedow, suy tim, tiền giản giật, thai 30 tuần. Thêm vào đó có tăng huyết áp khó khống chế phải dùng hai loại thuốc huyết áp, có viêm phổi, tràn dịch màng phổi cả hai bên.

Qua quá trình xét nghiệm, siêu âm tim thấy thành thất dày, buồng thất trái giãn (Dd: 55mm), EF = 50%). Thất phải giãn (30mm), tăng áp lực ĐMP vừa (56 mmHg); hở hai lá vừa, hở ba lá vừa – nhiều. Siêu âm thai: có một thai trong buồn tử cung, ngôi chưa cố định, nặng 1293 gram. Chỉ số ối ít, rau bám đáy mặt sau. Siêu âm màng phổi, xuất hiện tràn dịch màng phổi 2 bên (3,31 và 4,72 cm).

Tình trạng sau sinh, người mẹ đã tỉnh, tình trạng cường giáp ổn định, không sốt, không khó thở, phổi không rale và chân không bị phù. Tình trạng trẻ sơ sinh, nằm lồng ấp trong 6 ngày, nằm phòng thường, thở oxy khí trời, tăng 100 g.

Trường hợp bệnh nhi có mẹ bị cường tuyến giáp đang được điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: Tuyết Nga

BS Đỗ Tuấn Anh (Bác sĩ điều trị, Khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai) trực tiếp điều trị cho bệnh nhi cho biết: Lúc đó bệnh nhi có chỉ số apgar chỉ 4 điểm, ở mức trung bình nặng. Sau khi được điều trị và chăm sóc bởi các bác sĩ khoa nhi, bệnh nhi được hồi sức tại phòng mổ đã hồi phục khá tốt, đã có thể thở bằng máy mức độ nhẹ, chỉ số hô hấp đạt mức 7 điểm. Hiện tại, sức khỏe bệnh nhi đã ổn định, ra được với mẹ, sữa tiêu một bữa khoảng từ 25-30 ml/bữa gần bằng 1 đứa trẻ bình thường. Bệnh nhi có thay đổi về chỉ số tim mạch và hô hấp, chỉ số máu đang trở về giá trị bình thường.

Qua trường hợp bệnh nhân này, TS. BS Nguyễn Quang Bảy (Phó trưởng Khoa Nội tiết và Đái tháo đường, Bệnh viện Bạch Mai) cho biết: Hiện nay có đến 50% người mắc bệnh không được chẩn đoán do triệu chứng bệnh không đặc trưng, dễ nhầm lẫn với các bệnh lý khác cũng như nhầm lẫn với những biểu hiện thường ngày.

Các thai phụ có nguy cơ cao bị mắc bệnh tuyến giáp nếu: Đã được chẩn đoán bệnh tuyến giáp từ trước như Basedow, suy giáp, bướu cổ đơn thuân, bướu nhân tuyến giáp,...; Có tiền sử trong gia đình có người thân (bố, mẹ, chị em,...) bị bệnh tuyến giáp; Đã bị bệnh tuyến giáp ở những lần có thai trước; Có tiền sử sản khoa xấu như xảy thai, thai chết lưu, đẻ non, đẻ con bị dị tật bẩm sinh,...; Người bệnh đái tháo đường tuyp1. Có mắc các bệnh tự miễn như viêm khớp dạng thấp, lupus,...

Để phát hiện bệnh tuyến giáp trong thời gian mang thai, những người nghi ngờ bị bệnh hoặc có nguy cơ cao bị bệnh tuyến giáp cần đi khám tại các khoa Nội tiết ngay khi biết mình có thai, gồm: Khám lâm sàng kiểm tra xem có bướu cổ không. Làm xét nghiệm máu các hormone FT4 và TSH. Những trường hợp nghi ngờ sẽ được cho làm thêm siêu âm tuyến giáp và một số xét nghiệm máu đặc biệt.

Những thai phụ được chẩn đoán rõ có bệnh tuyến giáp sẽ được điêu trị ngay để đưa nồng độ hormone giáp về bình thường càng nhanh càng tốt. Những trường hợp nghi ngờ sẽ được kiểm tra lại sau vài tuần để xác định chắc chắn.

Một điều may mắn là các loại thuốc điều trị bệnh tuyến giáp (cả cường cà suy giáp) đều không đắt, dùng đường uống được và an toàn cho thai nhi.

Những thai phụ được chẩn đoán rõ có bệnh tuyến giáp hay có dấu hiệu bất thường cần đi khám tại cơ sở y tế ngay, không để đến khi triệu chứng quá nặng mới nhập viện. Ảnh:Tuyết Nga

Bác sĩ Bảy cũng khuyến cáo: Basedow là một bệnh tuyến giáp cần điều trị kéo dài và theo dõi định kì. Người bị bệnh cần tuân thủ điều trị của bác sĩ, không tự ý bỏ thuốc. Mang thai có thể làm nặng lên Basedow nên cần theo dõi chặt chẽ hơn. Khi có dấu hiệu bất thường cần đi khám tại cơ sở y tế ngay, không để đến khi triệu chứng quá nặng mới nhập viện.

“Sau 46-48 tuần đa phần bệnh nhân đều cảm thấy đỡ, có cảm giác khỏi và khỏe nhưng thực chất là chưa ổn định và vẫn phải điều trị tiếp. Rất nhiều bệnh nhân thấy ổn là ngừng thuốc, không đi khám nữa. Khi có thai, bệnh tình sẽ tăng lên, hormone do nhau thai tiết ra sẽ kích thích tuyến giáp bắt tuyến giáp hoạt động mạnh hơn nên bệnh thường nặng lên sau 3 tháng đầu tiên.

Tốt nhất là nên ngừng thuốc mới có thai, tuy nhiên nếu có thai trong trường hợp không chủ định vẫn có thể giữ thai được nhưng bắt buộc phải gặp bác sĩ chuyên khoa bởi mục tiêu điều trị cho bệnh nhân mang thai cũng khác với người thường” bác sĩ Bảy nói.

Tuyết giáp là một tuyến nội tiết, hình cánh bướm, thường nằm ở phía trước, dưới của cổ. Đây là tuyến nội tiết quan trọng điều hòa hoạt động sinh trưởng và phát triển của cơ thể. Theo đó, khi có biểu hiện bệnh lý cường giáp, bệnh nhân có thể gầy sút nhanh, sợ nóng, đổ nhiều mồ hôi, nhịp tim nhanh thường xuyên, bồn chồ, tính khí thất thường, dễ cáu gắt… Nếu không điều trị có thể dẫn đến cơn bão giáp gây nguy hiểm cho tính mạng người bệnh.

Riêng với phụ nữ có thai mắc cường giáp, có thể đẻ non hoặc bị tiền sản giật. Ngoài ra, mẹ sẽ có nguy cơ cao bị suy tim, nhiễm độc giáp cấp. Cường giáp không được kiểm soát tốt sẽ dẫn tới đứa trẻ bị tim bẩm sinh, thai chậm phát triển, trẻ bị đẻ non, thai chết lưu và có thể bị dị tật bẩm sinh. Đây cũng là lý do điều trị cường giáp cho phụ nữ có thai là hết sức quan trọng.

Còn đối với suy giáp, bệnh nhân hay mệt mỏi, suy nghĩ và vận động chậm chạp, nói chậm, trí nhớ giảm, có khi tăng cân, sợ lạnh, da khô, lông tóc dễ gãy rụng, nói khan, khó thở, dễ táo bón, nhịp tim chậm, tim to, tràn dịch màng tim; nếu suy giáp nặng có thể suy tim, nhất là khi có thiếu máu đi kèm.

Suy giáp không điều trị có thể dẫn đến hôn mê suy giáp. Phụ nữ có thai bị suy giáp nặng dẫn đến thiếu máu, đau cơ, yếu cơ, suy tim sung huyết, tiền sản giật, bất thường về nhau thai, ảnh hưởng sự phát triển não bộ của thai nhi. Trẻ sinh ra nhẹ cân và chảy máu sau sinh.

Tuyết Nga

Nguồn NĐ&ĐS: http://baonhandao.vn/y-te-suc-khoe/dieu-tri-benh-tuyen-giap-doi-voi-phu-nu-co-thai-15027