Điều trị và phòng ngừa đau thắt lưng

Hiện nay phương pháp điều trị không dùng thuốc như vật lý trị liệu, tác động cột sống và hướng dẫn cách tập vùng lưng tại nhà được ưa chuộng và đạt hiệu quả giảm đau.

Đau thắt lưng (ĐTL) là một chứng bệnh thường xảy ra trong cuộc sống hàng ngày, ai cũng có thể bị vài lần trong đời với cường độ từ đau nhẹ thoáng qua đến đau rất nặng phải nằm liệt giường. Theo thống kê của Hội chỉnh hình Mỹ (Orthopedics Knowledge Update 1993) có 60 - 80% dân Mỹ bị đau lưng ít nhất một lần trong đời và mỗi năm nước Mỹ tốn từ 20 - 50 tỉ USD cho việc chăm sóc và điều trị, trong đó khoảng 90% là các trường hợp đau lưng kéo dài làm thiệt hại 100 triệu ngày công/năm. Theo tạp chí Spine của Mỹ xuất bản năm 2009, đau cột sống lưng là lý do thứ hai (sau cảm cúm) khiến người dân Mỹ phải đến khám bác sĩ.

Tác động cột sống

“Tác động cột sống” (manipulation) là phương pháp nắn chỉnh cột sống (chiropractic) bắt nguồn từ Mỹ. Phương pháp này dựa vào cơ chế sinh - cơ học của đĩa đệm cột sống để tiến hành nắn chỉnh cột sống bằng tay nhằm giải phóng chèn ép, và giảm đau. Quy trình nắn chỉnh thông thường gồm có các bước: đầu tiên làm mềm các cơ ở lưng, mông bằng các phương pháp như xoa bóp, nhiệt nóng, điện xung, tiếp theo giải phóng đoạn cột sống bị tắc nghẽn, sau đó điều chỉnh đoạn cột sống trên khu vực bị tắc nghẽn và làm mạnh các cơ giữ cột sống (cơ lưng to, cơ bụng) đồng thời làm chuyển động các khớp cột sống, khớp chậu hông.

Bài tập

Cách tập vùng lưng theo “chương trình tập Williams” thường áp dụng để điều trị cho bệnh nhân đau lưng mạn tính nhằm làm giãn nhóm cơ duỗi lưng và nhóm cơ gấp xương hông, đồng thời làm tăng sức mạnh của các cơ bụng và mông. Bệnh nhân có thể sử dụng chương trình này tự tập luyện tại nhà hàng ngày. Chương trình Williams gồm một chuỗi 6 động tác sau:

1. Bệnh nhân nằm ngửa hai đầu gối hơi cong và hai chân được cố định, bật người ngồi dậy và với tay tới ngón chân. Động tác này làm mạnh cơ bụng và giãn cơ duỗi thắt lưng.

2. Bệnh nhân nằm ngửa, co hai chân vuông góc, hai tay duỗi xuôi thân người, đồng thời nhấc mông lên khỏi mặt giường điều trị. Tiến hành xoay khung chậu về 2 phía để làm thắt lưng thẳng hơn. Động tác này nhằm làm mạnh cơ bụng và cơ mông, làm giãn cơ gấp khớp hông.

3. Bệnh nhân nằm ngửa hai đầu gối co, hai tay ôm lấy hai đầu gối rồi kéo mạnh lên đồng thời nâng cằm lên cho chạm đầu gối. Giữ tư thế này 15 giây rồi nằm dài ra để nghỉ hoặc hai tay vẫn giữ tư thế ôm gối rồi bật người ngồi dậy. Động tác này nhằm làm giãn nhóm cơ duỗi lưng dưới.

4. Bệnh nhân ngồi, duỗi thẳng hai gối, đưa tay thẳng ra tới ngón chân. Bài tập này nhằm làm giãn khối cơ duỗi lưng và cơ tứ đầu đùi.

5. Bệnh nhân một chân phía trước gấp, một chân phía sau duỗi, hai tay chống xuống đất ở phía trước, rồi ép chậu hông xuống. Động tác này nhằm làm giãn nhóm cơ gấp hông (cơ thắt lưng chậu) mà không làm tăng độ ưỡn của cột sống.

6. Bệnh nhân ngồi xổm và đầu cúi, hai bàn chân đặt cách nhau 30cm, tay để thẳng hướng về phía sàn nhà và ở giữa hai gối. Động tác này nhằm làm giãn nhóm co duỗi thắt lưng.

Trong mỗi lần tập, mỗi động tác trên được tiến hành 5 - 10 lần tùy sức chịu đựng.

BS. TRƯƠNG MINH HỮU HẠNH

Nguồn SK&ĐS: http://suckhoedoisong.vn/dieu-tri-va-phong-ngua-dau-that-lung-n132937.html