Zimbabwe nỗ lực giải quyết khủng hoảng

Hơn một năm trôi qua kể từ khi Tổng thống Robert Mugabe từ chức hồi tháng 11-2017, Zimbabwe vẫn chìm trong khủng hoảng, cả chính trị lẫn kinh tế. Chính quyền Harare đã triển khai nhiều biện pháp nhằm đưa Zimbabwe thoát khỏi tình trạng khó khăn.

Nông nghiệp mất mùa khiến người dân Zimbabwe lâm vào tình cảnh khó khăn. Ảnh ROI-TƠ

Tổng thống Zimbabwe Robert Mugabe tuyên bố từ chức trong một bức thư gửi Quốc hội Zimbabwe tháng 11-2017, kết thúc gần 40 năm cầm quyền. Cựu Phó Tổng thống Zimbabwe E.Mnangagwa tiếp quản chức Tổng thống ít ngày sau đó, đưa ra nhiều kế hoạch cải tổ đất nước. Trong cuộc bầu cử cuối tháng 7-2018, ông E.Mnangagwa, ứng cử viên đảng Liên minh quốc gia châu Phi Zimbabwe – Mặt trận yêu nước (ZANU-PF) cầm quyền, giành chiến thắng với 50,8% tổng số phiếu bầu.

Hơn một năm trôi qua sau khi ông Mnangagwa chính thức nhậm chức Tổng thống, Zimbabwe vẫn tiếp tục chìm trong khó khăn. Nỗ lực của ông Mnangagwa kêu gọi người dân thực hiện chính sách "thắt lưng buộc bụng", tập trung giải quyết các thách thức kinh tế nhằm đưa Zimbabwe trở thành đất nước có thu nhập trung bình vào năm 2030 chưa mang lại nhiều kết quả. Giá tiêu dùng vẫn tăng vọt với tốc độ nhanh. Lạm phát hằng năm hiện ở mức 20,9%. Tiền mặt trở nên khan hiếm, người dân phải xếp hàng dài ngoài các ngân hàng để rút tiền với mức giới hạn.

Zimbabwe đang đối mặt tình trạng thiếu hụt các nhu yếu phẩm cần thiết hằng ngày như bánh mì, thịt gà, dầu ăn, xăng… Nguồn cung cấp thuốc chữa bệnh cũng trở nên khan hiếm và đắt đỏ. Quốc gia miền nam châu Phi này cũng thiếu ngoại tệ để mua hàng hóa nhập khẩu. Ðể có thể có thêm các khoản vay mới phục vụ tái xây dựng đất nước, trong tổng số nợ quốc gia lên đến 16,9 tỷ USD, Zimbabwe phải sớm thanh toán khoản nợ gần hai tỷ USD của Ngân hàng Phát triển châu Phi (AfDB) và Ngân hàng Thế giới (WB).

Các cuộc biểu tình vẫn xảy ra nhằm phản đối kết quả bầu cử năm ngoái, bày tỏ bất bình đối với những vấn đề kinh tế nổi cộm hiện tại của Zimbabwe và nạn đói đe dọa do tình trạng hạn hán được dự báo sẽ kéo dài trong sáu tháng tới. Cuối tháng 11 vừa qua, Chương trình Lương thực thế giới (WFP) thuộc Liên hợp quốc (LHQ) cho biết, tổ chức này cần bổ sung gấp 75 triệu USD để cứu trợ lương thực cho người dân Zimbabwe. Theo thống kê của WFP, khoảng 28% dân số Zimbabwe hiện đang thiếu lương thực trầm trọng trong vụ mùa 2018-2019.

Ðể đối phó khủng hoảng tài chính, chính quyền Harare đã tăng cường nhiều biện pháp quản lý, nhằm xóa bỏ thị trường chợ đen buôn bán ngoại tệ, vốn bị cho là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia. Luật pháp Zimbabwe quy định, các đối tượng buôn bán ngoại tệ bất hợp pháp có thể bị phạt số tiền gấp ba lần số tiền bị tịch thu và đối mặt với án tù lên đến 10 năm. Trong trường hợp giao dịch bất hợp pháp được thực hiện thông qua chuyển khoản, các tài khoản ngân hàng có thể bị đóng băng.

Bộ Tài chính Zimbabwe cũng ra thông báo kể từ tháng 1-2019 sẽ cắt 5% lương của Tổng thống và các quan chức cấp cao trong Chính phủ, nhằm giảm gánh nặng ngân sách, cũng như dành tiền đầu tư vào những lĩnh vực cấp thiết của đất nước, trong đó có chăm sóc y tế. Lãnh đạo Bộ Tài chính Zimbabwe cho biết, hiện 90% ngân sách nhà nước đang dành để trả lương cho đội ngũ công chức, và đây được xem là một phần nguyên nhân gây khủng hoảng kinh tế trong hơn 20 năm qua.

Chính sách Công nghiệp hóa quốc gia giai đoạn 2018-2022 của Zimbabwe cũng tập trung vào phát triển tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế, như nông nghiệp, khai thác mỏ, sản xuất và dịch vụ để cải thiện tính cạnh tranh quốc gia. Trong bối cảnh lạm phát tăng cao, đây được xem là những biện pháp ứng phó trước mắt của chính quyền Harare. Tuy nhiên, để vực dậy nền kinh tế yếu kém của quốc gia từng được xem là "vựa lúa châu Phi", Zimbabwe vẫn cần triển khai nhiều chính sách hiệu quả hơn trong thời gian tới.

Thanh Hào

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/thegioi/item/38568102-zimbabwe-no-luc-giai-quyet-khung-hoang.html