Đỉnh cao của đồng USD đã thật sự ở lại phía sau?

Sau khi tăng vọt lên mức cao nhất của nhiều thập kỷ trong năm ngoái, 'đồng bạc xanh' đã bước vào giai đoạn mà một số nhà dự báo gọi là điểm bắt đầu của một đợt suy giảm kéo dài nhiều năm.

Đồng USD. Ảnh: AFP/TTXVN

Xu hướng giảm của đồng USD sẽ làm hạ nhiệt một số áp lực liên quan đến giá cả trên toàn cầu. Các nhà đầu tư cho rằng đồng bạc xanh có thể giảm vì những dấu hiệu cho thấy các đợt tăng lãi suất của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đang dần kết thúc.

Một số nhà đầu tư hàng đầu thế giới đánh cược rằng đà tăng giá mạnh nhất của đồng USD đã qua. Sau khi tăng vọt lên mức cao nhất của nhiều thập kỷ trong năm ngoái – khiến tình trạng nghèo đói trở nên nghiêm trọng và lạm phát gia tăng ở nhiều nơi từ Pakistan đến Ghana, "đồng bạc xanh" đã bước vào giai đoạn mà một số nhà dự báo gọi là điểm bắt đầu của một đợt suy giảm kéo dài nhiều năm.

* Các nền kinh tế khác trên thế giới đang bắt kịp Mỹ

Giới đầu tư nói rằng đồng USD đang trên đà giảm giá vì phần lớn các đợt tăng lãi suất của Fed đã kết thúc và xu hướng mạnh lên của các đồng tiền tệ khác khi ngân hàng trung ương của họ tiếp tục chính sách thắt chặt.

Mặc dù dữ liệu gần đây đã khiến các nhà giao dịch suy nghĩ lại về lộ trình nâng lãi suất của Mỹ, việc khẩu vị rủi ro của giới đầu tư được chuyển sang các thị trường mới nổi đã được ghi nhận khi họ cho rằng sức mạnh của đồng bạc xanh sẽ giảm bớt.

Nhiều nhà đầu tư đã tham gia vào những giao dịch này. George Boubouras, một người kỳ cựu trên thị trường trong ba thập kỷ và là trưởng bộ phận nghiên cứu của quỹ phòng hộ K2 Asset Management, cho biết: "Đỉnh cao của đồng USD chắc chắn đã ở lại phía sau và trước mặt chúng ta giờ là xu hướng giảm giá".

Theo chuyên gia này, đúng là lạm phát ở Mỹ rất khó kiểm soát, cũng như có dấu hiệu cho thấy lãi suất ở Mỹ sẽ ở mức cao hơn trong thời gian dài nhưng điều đó không làm mất đi thực tế là các nền kinh tế khác trên thế giới đang bắt kịp Mỹ.

Khi đồng USD yếu hơn, giá nhập khẩu tại các quốc gia đang phát triển sẽ giảm, giúp hạ nhiệt lạm phát toàn cầu. Song song với đó, giá của mọi thứ từ vàng đến các tài sản rủi ro như cổ phiếu và tiền điện tử cũng sẽ tăng khi tâm lý được cải thiện.

Điều này sẽ giúp giảm bớt một số thiệt hại được ghi nhận trong năm 2022, khi đồng bạc xanh mạnh hơn đã tạo ra một loạt những ảnh hưởng như lạm phát với giá lương thực và dầu mỏ tăng cao, các quốc gia như Ghana bị đẩy đến bờ vực vỡ nợ trong khi các nhà đầu tư cổ phiếu và trái phiếu phải gánh những khoản lỗ quá lớn.

Sức mạnh của đồng tiền Mỹ sẽ suy yếu dần khi các ngân hàng trung ương khác trên thế giới thể hiện quyết tâm tương tự trong việc làm chậm tốc độ tăng giá. Các nhà hoạch định chính sách ở Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) và Australia đang báo hiệu rằng cần phải tăng lãi suất nhiều hơn nữa để chế ngự lạm phát, trong khi có nhiều đồn đoán cho rằng Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) cũng sẽ từ bỏ quan điểm chính sách nới lỏng trong năm nay.

Chi phí đi vay của Mỹ có khả năng đạt đỉnh vào tháng 7/2023 và việc cắt giảm lãi suất có thể diễn ra ngay sau lần cuộc họp đầu tiên của thể chế này vào năm 2024 nếu khi đó lạm phát đã về lại mức mục tiêu.

Những đồn đoán cho thấy đồng USD suy yếu càng được củng cố khi nhìn vào Chỉ số đồng đô la Mỹ của Bloomberg. Chỉ số này đã giảm khoảng 8% sau khi tăng lên mức cao kỷ lục vào tháng 9 năm ngoái. Đồng thời, tốc độ mua vào trái phiếu và cổ phiếu của các nhà đầu tư trên các thị trường mới nổi đã diễn ra với tốc độ nhanh nhất của gần hai năm vào tháng trước.

Siddharth Mathur, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu thị trường mới nổi châu Á-Thái Bình Dương tại ngân hàng BNP Paribas SA chi nhánh Singapore, cho biết: "Chúng tôi nghĩ rằng đồng USD đã đạt đỉnh và xu hướng giảm giá trong nhiều năm đã bắt đầu". Chuyên gia này dự đoán đồng đô la sẽ suy yếu vào năm 2023, đặc biệt là trong nửa cuối năm".

Điều này có nghĩa là các loại tiền tệ từng "lép vế" trước sức nặng của đồng USD đang có khả năng mạnh lên. Đồng yen đã tăng hơn 12% so với đồng bạc xanh kể từ sau khi giảm xuống mức thấp nhất của ba thập kỷ vào tháng 10/2022 và các chiến lược gia được Bloomberg khảo sát ước tính đồng tiền Nhật Bản có thể sẽ tăng thêm 9% (so với đồng USD) vào cuối năm nay.

Trong khi đó, giá trị đồng euro so với đồng USD cũng tăng khoảng 11% so với mức thấp nhất được ghi nhận hồi tháng Chín. Đồng bạc xanh cũng mất giá so với hầu hết các đồng tiền trong nhóm Group of Ten (G10), bao gồm các nền công nghiệp hàng đầu thế giới là Mỹ, Anh, Nhật Bản, Pháp, Đức, Canada, Italy, Thụy Điển, Hà Lan và Bỉ, trong ba tháng qua.

Chỉ số Bloomberg JPMorgan Asia Dollar Index theo dõi 10 đồng tiền của khu vực châu Á so với đồng bạc xanh đã tăng hơn 5% kể từ khi rơi xuống đáy vào tháng 10.

Trụ sở Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tại Washington, DC. Ảnh: AFP/ TTXVN

* Những yếu tố hỗ trợ

Dwyfor Evans, người đứng đầu chiến lược vĩ mô APAC tại State Street Global Markets, cho biết: "Nhiều yếu tố hỗ trợ đồng USD trong năm 2022 đã suy giảm. Các ngân hàng trung ương khác trong nhóm G10 đang chơi trò "đuổi bắt chuột" và nếu tác động của việc Trung Quốc mở cửa trở lại làm tăng nhu cầu toàn cầu, thì hoạt động tìm nơi trú ẩn an toàn một cách thận trọng sẽ được thực hiện".

Trên thực tế, cơ quan quản lý tài sản K2 Asset Management đã mua vào đồng USD kể từ tháng 10 năm ngoái, với hy vọng các loại tiền tệ như đô la Canada (CAD) và đô la Australia (AUD) sẽ hoạt động tốt hơn trong năm nay.

Tương tự, các quỹ phòng hộ cũng đẩy mạnh thực hiện giao dịch với vị thế "đón đầu" xu thế giảm của đồng bạc xanh. JPMorgan Asset Management kỳ vọng hai đồng yen và euro sẽ tăng hơn nữa.

Kerry Craig, chiến lược gia tại JPMorgan Asset, công ty giám sát khối tài sản trị giá hơn 2.200 tỷ USD, cho biết đột nhiên, triển vọng của Eurozone sáng hơn, đồng yen cũng sẽ được hỗ trợ. Việc Trung Quốc mở cửa trở lại cũng mang đến những kỳ vọng tích cực.

Mặc dù vậy, sự suy giảm của đồng USD sẽ không diễn ra ngay lập tức nếu lãi suất của Mỹ tiếp tục tăng và mối đe dọa về suy thoái kinh tế toàn cầu cũng như rủi ro địa chính trị thúc đẩy nhu cầu tìm kiếm nơi trú ẩn an toàn.

Omar Slim, đồng Giám đốc tại PineBridge Investments ở Singapore, cho biết: "Đồng USD đã đạt đỉnh nhưng sự đảo ngược sức mạnh hoàn toàn của đồng tiền này sẽ không xảy ra. Fed có khả năng sẽ giữ lãi suất ở mức cao khi lạm phát chưa giảm mạnh và điều này sẽ giúp "giảm thiểu sự suy yếu của đồng USD".

Ngoài ra, một số chuyên gia kinh tế cũng lập luận rằng lợi suất trái phiếu Mỹ tăng cao có khả năng tiếp tục thu hút các nhà đầu tư và giúp hỗ trợ đồng USD. Elsa Lignos, Trưởng bộ phận chiến lược ngoại hối tại RBC Capital Markets, đã viết trong một lưu ý trong tháng này rằng: "Đồng USD sẽ phục hồi vào cuối năm".

"Đồng USD vẫn là đồng tiền có hiệu suất cao nhất trong nhóm G10 và có năng suất cao hơn một số đồng tiền của các thị trường mới nổi". Đối với các nhà đầu tư như Stefanie Holtze-Jen của ngân hàng Deutsche Bank AG, lộ trình tăng lãi suất của Fed là "chìa khóa" cho những diễn biến của đồng USD trong năm 2023. Song song với đó, việc cân nhắc vị thế của đồng USD với tư cách là tài sản dự trữ chủ đạo của thế giới cũng quan trọng không kém.

Holtze-Jen, Giám đốc đầu tư khu vực châu Á-Thái Bình Dương tại chi nhánh ngân hàng tư nhân của Deutsche ở Singapore, cho biết: "Giá trị đồng USD đã đạt đến đỉnh điểm song đồng tiền này sẽ vẫn được hỗ trợ vì đây được coi là nơi trú ẩn an toàn trong thời kỳ bất ổn"./.

Phương Nga/BNEWS/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/dinh-cao-cua-dong-usd-da-that-su-o-lai-phia-sau/282674.html