Đỉnh cao không ngọt ngào

SGTT.VN - Tôi có một đứa bạn đang miệt mài tập luyện để được đăng ký vào sách kỷ lục thế giới với tư cách là người có khả năng liếm tem nhanh nhất (!) Chẳng được tài năng như nó nên tôi tự nhủ, thôi, không lập kỷ lục thế giới được thì mình hưởng thụ nó vậy. Và để trung thành với quan điểm trái tim trần trụi, tôi quyết định không đắn đo cân nhắc nhiều, bụng bảo dạ cứ đi đi rồi khắc biết.

LTS: “Mỗi khi bước vào một cuộc hành trình mới, tôi cố gắng trút bỏ mọi định kiến, mọi hình dung. Tôi dốc cạn để đầu óc trống rỗng, không mong chờ, không phán đoán. Tôi liều mạng để trái tim mình rộng mở, trần trụi. Và tôi lên đường như một tờ giấy trắng, với niềm khát khao được phủ kín, được lấp đầy, được đổi thay…” Đây là lời dẫn loạt bài viết Những cuộc hành trình của trái tim trần trụi, SGTT Nguyệt san sẽ khởi đăng từ số báo này. Tác giả Phương Mai – là tiến sĩ giảng dạy đàm phán đa văn hóa tại đại học Kinh tế Amsterdam (SGTT Nguyệt san số tháng 10.2010 đã có bài phỏng vấn Phương Mai – Độc thân và vẫn long lanh), từng làm báo, nên câu chuyện về hành trình và trải nghiệm 60 quốc gia mà chị đã đặt chân đến cực kỳ lôi cuốn và nhiều bất ngờ. SGTT Nguyệt san xin giới thiệu cùng bạn đọc. Hồi nhỏ ai chẳng muốn ngồi xích đu để cha mẹ ủn vào mông rồi bay lên trời. Riêng tôi bị chăm bẵm quá đà, cha mẹ sợ ngã nên chỉ cho đứng xem. Đặt chân đến Queenstown (New Zealand), tôi hăm hở xông thẳng đến Nevis – xích đu cao nhất thế giới, quyết tâm ăn bù những ngày đói kém. Thằng bạn đi cùng thấy tôi hí hửng quá bèn hỏi: “Mày có biết chửi bậy không?” “Là sao?” – tôi hỏi. Nó bảo: “Chờ tí rồi biết”. Không phải chờ lâu, khi trước mặt tôi mở ra một thung lũng bao la xa hút tầm mắt với vách đá dựng đứng cao 160m, gió núi ầm ầm rít bên tai, nhòm xuống dòng sông chỉ như một sợi chỉ mong manh, không kịp giữ mình, tôi phọt ra một tràng chửi thề. Từ lúc đó đến khi bị buộc vào cái ghế xích đu bé tí, tôi vừa khóc vừa cười. Chưa bao giờ thấy ham sống sợ chết đến thế, miệng thở dốc, chân tay co rúm, máu chảy rần rần. Tôi chửi rủa ầm ĩ, khi con bé hướng dẫn bảo nhìn vào camera cười đi thì tôi chỉ muốn giơ ngón giữa vào cái mặt ngu xuẩn của mình. Tôi ti hí mắt nhìn xung quanh, thấy mình lủng lẳng giữa không trung bát ngát, chẳng khác chi một hòn sỏi chờ bị quẳng xuống vách đá sâu hoắm, hết đường về nhà… Một. Hai. Ba… Veeeeeeo… Tiếng gào của tôi mất hút. Tim ngừng đập. Hết 60m rơi tự do, tôi bỗng thấy mình bay lên, vút qua không trung, lướt tới vách núi xa mờ phía bên kia thung lũng. Cảm giác sợ hãi thay bằng sững sờ, ngạc nhiên và sung sướng. Như một cánh chim, tôi dang chân dang tay lượn theo đường con lắc trong thung lũng bao la bát ngát. Tôi cười, tôi hát, thấy mình nhẹ hơn lông hồng, bao nhiêu âu lo trên đời tự dưng trở nên rất là vô nghĩa. Vụ ngồi xích đu bản chất là một môn thể thao mạo hiểm 100% không rủi ro (risk-free risk). Gọi là mạo hiểm cho oai và để hấp dẫn khách du lịch chứ thực ra chỉ là cảm giác mạnh, có hiểm nguy quái gì đâu. Gọi là môn thể thao cũng khá ngượng mồm, cùng lắm là gào to khỏe phổi. Phát hiện ra chân lý này, tôi quyết định thử sức ở một môn thể thao độ cao khác, tên tiếng Anh là abseil, dịch tạm leo dây, thường thì một đầu được ghim chặt ở trên đỉnh núi để người chơi bám vào leo xuống. Đường dây cao nhất thế giới dài 204m, nằm lẫn trong khói nước mịt mù của thác Maletsunyane ầm ầm đổ xuống thung lũng Semonkong, một trong những thung lũng đẹp nhất của Lesotho, quốc gia tí hon nằm lọt thỏm như hạt đỗ trong lòng Nam Phi. Nhà trọ duy nhất ở Semonkong vắng hoe. Bà chủ trố mắt nhìn khi biết tôi vượt bốn ngày đường chỉ để abseil 30 phút rồi phải đi ngay để khỏi lỡ chuyến bay. Zero kinh nghiệm, tay chân lẻo khoẻo, bé như cái mắt muỗi, bà nhìn tôi chẳng giấu vẻ ái ngại. Ngày hôm sau, tôi dậy sớm để làm quen với dây và luyện tập trước khi chính thức nhập cuộc. Sự heo hút của Semonkong khiến tôi trở thành đặc biệt với cả một phi đội huấn luyện viên, lái xe, cửu vạn gồm mười chàng trai da đen hết lòng chăm sóc dìu dắt cô khách cưng. Cảm giác khoái chí tự hào tràn ngập cho đến khi tôi được ủn đến đứng trên mỏm núi cao chót vót nhìn xuống thác Maletsunyane ào ào hung dữ. Tim đập thình thịch, khắp mình cuốn đầy dây dợ, tôi lại bắt đầu bài ca tự rủa xả bản thân: Mai ơi, chưa thấy đứa nào điên như mày! Bước đầu tiên đáng sợ nhất. Ấy là khi bạn phải chống lại toàn bộ cơ cấu phản xạ bản năng sinh tồn của loài người để tự mình thò chân ra ngoài vách đá cao hơn 200m. Ba mươi phút sau đó giống như một cuộc đấu tranh âm thầm và khốc liệt với chính bản thân. Nhích vài centimet một, tôi tập trung cao độ vào việc làm chủ vận tốc. Ở độ cao 190m, tôi thấy mình đang bị kéo xuống quá nhanh do tay yếu không níu dây đủ mạnh. Phải mất mấy phút tôi mới làm chủ được cảm giác hoảng hốt, tự trấn an và động viên mình tiếp tục cuộc chinh phục. Ở độ cao 170m, tôi vướng hàng loạt đầu đá lớn và sắc nhọn, xuống 10m nữa thì đá phủ đầy rêu trơn khiến tôi không thể dựa chân vào vách để giảm bớt sức nặng. Không làm chủ được tốc độ, tôi tuột suốt gần 1m không bám dây. Hoảng loạn. Tôi quyết định khóa dây, treo mình nghỉ một phút. Buông tay ngửa đầu nhìn quanh, phía trên là mênh mang trời xanh, phía dưới là ngút ngàn lũng núi. Thành phố gần nhất cách hai ngày dặm trường. Nơi đây chỉ có thiên nhiên ngự trị. Và tôi chỉ là cái lá mọc ra từ một kẽ đá tí hon trên một vách núi cao hùng vĩ. Người bạn đường và là kẻ khiêu chiến trong suốt cuộc hành trình âm thầm và khốc liệt này chính là thác Maletsunyane. Trong khoảng 30m đầu tiên, thác đổ xuống như một kẻ song hành tốt bụng, reo hò cổ vũ động viên. Rồi như chán vai trò người tốt, Maletsunyane dần dần nhốt, nuốt tôi vào màn khói nước mù mịt bên rìa thác, kết thúc bằng những trận mưa xối xả tối tăm mặt mũi. Tôi chỉ dám liếc trộm về phía tâm thác đúng một lần duy nhất, nơi hàng ngàn hàng vạn mét khối nước hung hãn đổ xuống lũng sâu, ầm ầm giận dữ như lũ bão. Tôi đặt chân xuống vực suối Maletsunyane sóng sủi bọt sôi sùng sục, ngẩng lên chỉ thấy khói nước trắng xóa mênh mông. Ba mươi phút dài nhất trong đời. Tay chân tê liệt nhưng trái tim nhảy múa hân hoan. Tôi đến Fishhoek (Nam Phi) vào buổi sáng thì buổi chiều thấy mấy cô bé cùng nhà khách hốt hoảng thu vén hành lý bỏ đi. Ông chủ nhà thấy tôi ngơ ngác liền hỏi: Mày có định đi tắm biển không? Tôi bảo cháu không biết bơi, đi phơi nắng là chủ yếu. Ông nghe xong phẩy tay, bảo thế thì khỏi phải quan tâm, cá mập trắng xứ này chỉ thích ăn thịt người biết bơi thôi. Trở về phòng mình, tôi nằm vắt tay lên trán cố gắng tự định thần, tự trấn an mình: “Không sao! Mày ở trong lồng sắt, cá mập trắng chỉ lượn ở bên ngoài. Nó có tấn công thì cũng phải chảy máu mũi trước đã. Kiểu gì thì kiểu cũng đủ thời gian để kéo lồng sắt lên khỏi mặt nước trước khi mày biến thành nhân bánh kẹp”. Ôtô đến đón tôi lúc 5 giờ sáng, lúc trời còn tờ mờ. “Y như đưa tử tù ra pháp trường xử bắn”, con bạn cùng phòng buông một câu dài não nề. Trước khi lên tàu ra biển, 15 người chúng tôi được ăn một bữa no (!), sau đó phải ký vào giấy cam đoan rằng đây là hành động tự nguyện, rằng tôi sẽ không thưa kiện, không oán than và công ty sẽ không chịu trách nhiệm tí ti gì với tất tật các thiệt hại mất mát về thể xác cũng như tinh thần. Tàu đưa chúng tôi đến Hẻm Cá Mập, một vùng nước rất nhiều hải cẩu nơi cá mập trắng thường lui đến chè chén với nhau. Một khối cá thu lớn ròng ròng máu được vứt xuống nước làm mồi. Năm con mồi to hơn gồm có tôi và bốn kẻ liều mạng khác lần lượt chui vào lồng sắt gắn bên mạn tàu. Linda làm dấu thánh, Mark vẫy tay chào vĩnh biệt, hai đứa kia hôn nhau lần cuối. Mọi người trên boong tàu vỗ tay nháy đèn máy ảnh lia lịa. Tôi thấy mình như một chiến sĩ cảm tử. Chỉ trong vài phút, thuyền trưởng đã phấn khích gào lên: “Cá mập bên trái”. Năm chúng tôi hụp xuống nước, đủ nhanh để thấy một bóng xám lướt qua. Con cá mập thứ hai đến từ bên phải, điềm tĩnh hơn, đến gần lồng sắt hơn, phủ kín tầm mắt chúng tôi bởi thân hình dài gần 4m. Nó bơi thẳng đến tảng cá thu, tấn công miếng mồi nhanh như chớp mắt. Hàm răng khủng khiếp tua tủa há ra cách bả vai tôi chưa đầy 3m. Đớp trượt, nó quay lại đập đuôi vào mạn tàu rồi giận giữ bỏ đi. Khi thuyền trưởng vừa kịp ra hiệu chuẩn bị mở nắp lồng lên tàu thì bất ngờ luồng nước trước mắt chúng tôi tối sầm. Một con cá mập cái bất ngờ xuất hiện mà không ai trên boong kịp nhìn thấy, kịp báo trước. Cuộc tấn công bất thình lình khiến người thả mồi không kịp trở tay, miếng cá thu bị giằng vào giữa một rừng răng sắc nhọn. Bị giật miếng ăn, cô ả bực bội quay đi. Chúng tôi nín thở chiêm ngưỡng thân hình khổng lồ dài hơn 5m, đường bệ và uy nghi. Thế rồi, bất ngờ như khi xuất hiện, con cá mập quay ngoắt lại, nhìn thẳng vào chúng tôi. Suốt đời tôi sẽ không bao giờ có thể miêu tả chính xác cảm giác của mình trong một tích tắc ngắn ngủi ấy: bất lực, kinh hãi xen lẫn kính trọng và quy phục. Tôi như bị mê hoặc. Một sinh vật được coi là hung dữ nhất biển xanh, tồn tại từ thuở hồng hoang của sự sống, trước cả khi cây cỏ xuất hiện, ra đời 200 triệu năm trước mọi loài cầm thú, 300 triệu năm trước mọi loài chim muông, 400 triệu năm trước cả loài người. Sinh vật oai phong ấy đang nhìn thẳng vào mắt tôi, soi thấu con người tôi đến tận cùng của sự mơ hồ, rối rắm về danh tính và bản ngã người. Tối hôm qua tôi vừa đi xem Harry Potter ở một rạp chiếu phim có màn hình IMAX rộng nhất thế giới, tôi viết những dòng này khi đang ở trong Finger Wharf – tòa nhà bằng gỗ lớn nhất thế giới. Tôi vừa tống lên Facebook vài bức ảnh chụp ở Milford – đường leo núi đẹp nhất thế giới v.v và v.v. Nhưng sự trải nghiệm những kỷ lục này khác vô cùng với những gì tôi đã chia sẻ ở đây. Từ một kẻ ham vui, thưởng thức cảm giác mạnh một cách thụ động và lười biếng bằng việc ép mình tự buộc chặt vào cái xích đu cao nhất thế giới, tôi khám phá ra sức mạnh tiềm tàng của bản thân với 30 phút thực sự chiến đấu, thực sự vật lộn với đường abseil 204m bên thác Maletsunyane. Và để rồi với chỉ một tích tắc nhìn thẳng vào mắt cá mập trắng Nam Phi, mọi ý nghĩa về kỷ lục trong tôi tan tành, biến thành những mẩu ý thức không định hình. Tôi bàng hoàng nhận thấy sự kiêu căng ngạo mạn đến lố bịch của loài người với những đỉnh cao kỷ lục nhỏ nhặt và phù phiếm, hệt như Tôn Ngộ Không đắc chí với cân đẩu vân mà không bay thoát được lòng bàn tay Đức Phật. Nhưng tôi sẽ vẫn sẽ tiếp tục trải nghiệm những đỉnh cao, chỉ có điều đã tự biết rằng chẳng nên lấy đó làm niềm tự hào. Mời bạn đón đọc kỳ tới: Những nghĩa địa tôi từng qua. Nghĩa địa đau thương: Killing field (Campuchia); Nghĩa địa nổi tiếng: Hollywood (USA); Nghĩa địa đẹp như thiên đường, thành phố tan hoang như địa ngục (Cuba); Nghĩa địa lãng mạn (Úc); Nghĩa địa điêu tàn (Mozambique); Nghĩa địa của một dân tộc không chốn nương thân (Nghĩa địa Do Thái ở Bosnia) Nếu bạn muốn cập nhật các bài viết và theo dõi chuyến du hành sắp tới của tác giả ở Trung Đông bằng email, bạn có thể đăng ký theo dõi tại blog của tác giả tại www.culture-move.blogspot.com và bạn cũng có thể comment và trao đổi với tác giả tại FB: www.facebook.com/dr.nguyenphuongmai

Nguồn SGTT: http://sgtt.vn/loi-song/148718/dinh-cao-khong-ngot-ngao.html