Phạt

Mấy ngày nay, mạng xã hội có những tranh luận xung quanh vấn đề một số phụ huynh 'bắt ' cô giáo quỳ 40 phút vì trước đó cô giáo đã phạt con họ quỳ thì mới chấp nhận bỏ qua dù cô đã lên tiếng xin lỗi. Như thường lệ, câu chuyện này trở thành tâm điểm của mạng xã hội .

Phạt hay không phạt học sinh không có đúng sai chỉ là góc tiếp cận vấn đề.

Đọc status (dòng trạng thái) của nhiều người trên mạng xã hội, phần nhiều đều lên tiếng ủng hộ cô giáo trẻ và “chỉ trích” những phụ huynh kia vì đánh mất đi truyền thống tôn sư trọng đạo - vốn được nhiều người Việt Nam tôn trọng và được dạy từ nhỏ.

Ủng hộ cho ý kiến này, nhiều người cũng dẫn ra, ngày xưa chính nhờ được bị giáo viên phạt mà nay họ đã nên người, không đã trở thành kẻ lưu manh từ lâu. Còn phía ngược lại, có nhiều người cho rằng, con cái họ, họ còn chưa đánh lấy một roi, vì thế, thầy cô giáo không có quyền làm điều đó.

Dĩ nhiên, đây là một vấn đề xã hội, mọi ý kiến đều được chấp nhận và rất khó xác định ranh giới đúng sai. Hai luồng ý kiến ấy là do hai bên tiếp cận trên hai góc độ khác nhau.

Không lẽ, hai bên cứ tranh luận với nhau xong ai về nhà người ấy và sau đó lại tiếp tục quay lại tranh luận khi có những vụ việc tương tự?

Ai cũng biết, mỗi học kỳ, cha mẹ đều đi họp phụ huynh và nghe trình bày những khoản đóng góp, về thành tích học tập của con em mình và hình như ít người đề cập đến vấn đề giáo viên có quyền phạt học sinh hay không. Có vẻ nhiều người cảm thấy tế nhị khi nói đến chuyện này.

Do đó, nhân sự kiện này, nhà trường, cụ thể là giáo viên chủ nhiệm sẽ họp với các bậc phụ huynh để đưa ra là có nên dùng hình phạt đối với học sinh không làm bài về nhà, ham chơi… hay không?

Nếu đa số phụ huynh đồng tình là trẻ nhỏ nên dùng hình phạt thì sẽ đi đến thống nhất hình phạt ấy là gì. Sau đó, những hình phạt này sẽ viết thành một bảng treo ở lớp học để các em học sinh mỗi ngày đều được đọc. Có thể, nhờ đọc những hình phạt này mỗi mà các em sẽ chăm chỉ hơn trong học tập. Ấy cũng là một cách để răn đe.

Dẫn ra một ví dụ về hiệu quả của “cảnh báo răn đe”. Nhiều năm qua, tại khu vực chợ Cầu, trên đường Quang Trung, Gò Vấp, TPHCM nhiều người dân bày bán gia cầm sống trên cầu. Dù lực lượng chức năng nhiều lần đến giải tỏa nhưng sau đó đâu lại vào đó, cảnh mua bán vẫn tấp nập sau giờ tan tầm.

Nhưng sau đó, tại khu vực này, chính quyền cho gắn một hệ thống camera quan sát và ở dưới có dòng chữ -khu vực gắn camera nên khu vực này, hiệu quả tức thì, gần như cảnh buôn bán ấy gần không còn. Đó là sức mạnh của những lời cảnh báo răn đe.

Trong trường hợp phụ huynh không muốn giáo viên có hình phạt với học sinh thì lúc đó sẽ phải giải quyết theo một hướng khác. Ví dụ như khi học sinh không học bài, quên làm bài tập về nhà, giáo viên sẽ liên lạc với phụ huynh để chia sẽ và nhờ phụ huynh giám sát, kiểm tra bài vở trước khi đi học.

Không phải ngẫu nhiên mà người Việt hay dạy con cái bài hát, lúc ở nhà, mẹ cũng là cô giáo, khi đến trường cô giáo như mẹ hiền. Nội dung bài hát phần nào nói lên suy nghĩ của nhiều người về vai trò của giáo viên và cha mẹ trong việc giáo dục con em chúng ta. Tức là, hai vai trò này không tách rời mà hỗ trợ cho nhau mà mục đích cuối cùng là muốn con cái chúng ta lớn thành người có ích cho xã hội.

Vậy hà cớ gì, cả hai không phối hợp cùng nhau để dạy con em chúng ta. Lúc đó, phạt hay không phạt sẽ chẳng còn là gì để bàn luận nữa nếu trước đó phụ huynh và giáo viên đã đi đến thống nhất với nhau.

Thôi thì, ngoài việc tôn sư trọng đạo, một chữ cũng là thầy, nửa chữ cũng là thầy, chúng ta có thêm một "khế ước" để chữ của thầy thêm trọn bằng việc có đồng tình hay không đồng tình hình thức phạt tại trường.

Tự Phong

Nguồn Nhân Dân: http://www.thesaigontimes.vn/269827/phat.html