Nhà ở giá thấp tại TP.HCM: Cần tạo cơ chế thuận lợi về thủ tục, đất đai

Vấn đề nhà ở xã hội, nhà ở giá thấp tại TP.HCM không mới, là nhu cầu bức thiết của người dân nhưng nhiều năm qua chưa đáp ứng được. Để thực hiện thành công, TP.HCM cần có cơ chế tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho các doanh nghiệp tham gia.

Tại các cuộc tiếp xúc cử tri TP.HCM diễn ra gần đây, Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi thông tin về 3 trụ cột trong phòng chống dịch, phát triển kinh tế thời gian tới. Trong đó, trụ cột an sinh là xây dựng nhà ở giá thấp cho người lao động có thu nhập trung bình. Vấn đề nhà ở xã hội, nhà ở giá thấp tại TP.HCM không mới, là nhu cầu bức thiết của người dân nhưng nhiều năm qua chưa đáp ứng được. Để thực hiện thành công, TP.HCM cần có cơ chế tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho các doanh nghiệp tham gia.

Doanh nghiệp không mặn mà

Sở Xây dựng TP.HCM thống kê, giai đoạn 2015-2020, thành phố đã hoàn thành và đưa vào sử dụng 23 dự án nhà ở cho công nhân, người thu nhập thấp, nhà ở sinh viên. Quy mô của các dự án này là 18.085 căn hộ, chỉ đạt 56% chỉ tiêu đề ra, trong đó vốn ngân sách đầu tư 620 căn hộ (chiếm 3,43%), vốn doanh nghiệp đầu tư 17.465 căn hộ (chiếm 96,57%).

Thời gian qua, việc phát triển nhà ở xã hội tại TP.HCM chưa đáp ứng được nhu cầu

Thời gian qua, việc phát triển nhà ở xã hội tại TP.HCM chưa đáp ứng được nhu cầu

Có thể thấy, mặc dù vốn doanh nghiệp chiếm phần lớn trong việc xây dựng nhà ở giá thấp, nhưng kết quả vẫn không đạt chỉ tiêu. Nguyên nhân là bởi trên thực tế, các doanh nghiệp không mặn mà tham gia vào lĩnh vực này.

Theo ông Lê Hữu Nghĩa, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại xây dựng Lê Thành, doanh nghiệp luôn đặt mục tiêu là lợi nhuận. Nếu xây dựng nhà ở thương mại thì tỷ suất lợi nhuận cao, còn làm nhà ở xã hội thì chỉ đạt từ 10-15%. Tham gia một dự án nhà ở xã hội, từ lúc làm thủ tục pháp lý đến khi xây dựng hoàn thiện khoảng 5 năm. Với thời gian đó, doanh nghiệp mất đi cơ hội kinh doanh dự án nhà ở thương mại khác.

“Với những công ty cổ phần thì gặp áp lực với cổ đông để đạt được định mức lợi nhuận cho cổ đông. Đặc biệt là các doanh nghiệp lớn, bộ máy lớn. Lợi nhuận 10% nhưng chia cho 5 năm thì thực tế một năm còn có 2%. Thành ra hiệu quả không cao, doanh nghiệp không đầu tư”, ông Lê Hữu Nghĩa nói.

Thực tế ở Công ty Lê Thành, có những dự án nhà ở xã hội làm thủ tục đầu tư kéo dài tới 3 năm chưa xong, khi xin thủ tục làm nhà ở xã hội còn khó hơn là nhà ở thương mại.

Hiện nay, chưa có quy chuẩn, quy trình xin pháp lý riêng cho nhà ở xã hội mà đang dùng chung với nhà ở thương mại. Thêm vào đó, các đồ án quy hoạch của thành phố thời gian trước đây gần như rất ít chỗ ghi rõ là phát triển dự án nhà ở xã hội. Trong khi đó, xây nhà ở xã hội sẽ nén một lượng dân số nhiều hơn nhà ở thương mại do hệ số sử dụng đất tăng 1,5 lần. Khi xin điều chỉnh hệ số sử dụng đất thì phải điều chỉnh quy hoạch cục bộ, mà thời gian để thực hiện công tác này rất lâu.

Cần thay đổi cơ chế thuận lợi hơn

Với những khó khăn mà doanh nghiệp gặp phải khi xây dựng nhà ở xã hội, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho biết, Hiệp hội cùng với Bộ Xây dựng đang hoàn thiện đề án phát triển nhà ở thương mại giá thấp, dự kiến trình Chính phủ trong thời gian tới. Trong đó, những đô thị đặc biệt như Hà Nội hay TP.HCM thì mức giá không quá 25 triệu đồng/m2, các đô thị loại 1 có mức giá không quá 23 triệu đồng/m2, còn lại các tỉnh khác mức giá không quá 20 triệu đồng/m2.

“Có những cơ chế, chính sách sẽ giải quyết được bài toán nhà ở thương mại giá thấp, nhà ở xã hội theo quy hoạch. Chúng ta chỉ thực hiện được nếu sửa đổi đồng bộ với các luật. Nếu sửa đổi Luật Đất đai cùng các luật khác thì sẽ tạo được hệ thống pháp luật có tính thống nhất, đồng bộ để phát triển một cách bền vững, minh bạch”, ông Lê Hoàng Châu cho biết.

Ngoài nhà ở xã hội, thời gian tới TP.HCM cần tính giải pháp phát triển nhà ở thương mại giá thấp

Theo ông Châu, nếu đề án phát triển nhà ở thương mại giá thấp được Chính phủ thông qua, Hiệp hội có đề nghị Bộ Xây dựng một số cơ chế chính sách về tiền sử dụng đất, thuê đất… Theo đó, Hiệp hội sẽ kiến nghị dự án nhà ở thương mại giá thấp cũng được hưởng các ưu đãi tương tự, thậm chí tỷ lệ thấp hơn so với nhà ở xã hội như: thuế giá trị gia tăng (VAT), thuế thu nhập doanh nghiệp.

Về phía địa phương, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hòa Bình cho biết, Chương trình về nhà ở sẽ được xây dựng thực hiện nhanh chứ không như cách cũ. Thành phố sẽ kích hoạt chương trình nhà ở xã hội theo Nghị định 49/2021 của Chính phủ. Trong đó, sẽ rút ngắn thời gian làm thủ tục pháp lý để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp tham gia.

Trước đây, thành phố làm một quy trình để chủ đầu tư được chấp thuận đầu tư xây dựng một dự án nhà ở xã hội không dưới 1 năm. Bây giờ thành phố làm dưới 3 tháng, muốn làm được điều đó phải thành lập tổ công tác đặc biệt, nộp hồ sơ tại UBND TP.HCM, một cửa - một dấu.

“Sở Xây dựng TP.HCM sẽ phải làm quy trình gọn hơn, nhanh hơn bởi nhà ở xã hội không phải đóng tiền sử dụng đất. UBND TP.HCM cũng có những việc phải xin ý kiến thêm của Bộ Xây dựng để đảm bảo chặt chẽ và đồng bộ trong các hoạt động”, ông Lê Hòa Bình thông tin.

Mục tiêu 1 triệu căn nhà giá thấp là quyết tâm chính trị mà lãnh đạo TP.HCM đặt ra. Tuy nhiên, để thực hiện được mục tiêu này trong thẩm quyền của mình, TP.HCM phải quy hoạch, bố trí quỹ đất để xây dựng nhà ở xã hội, có giải pháp tạo thuận lợi về đất đai, thủ tục hành chính, hỗ trợ, khuyến khích, thu hút các doanh nghiệp phát triển nhà ở xã hội./.

Duy Phương/VOV-TPHCM

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/bat-dong-san/nha-o-gia-thap-tai-tphcm-can-tao-co-che-thuan-loi-ve-thu-tuc-dat-dai-909395.vov