Đình chiến thương mại Mỹ - Trung: Niềm vui liệu có được dài lâu?

Sau đổ vỡ tại APEC, các nhà phân tích tưởng rằng hội nghị G20 tại thủ đô Buenos Aires của Argentina sẽ lâm tình trạng bi đát tương tự. Thế nhưng, phút cuối dù chật vật nhưng G20 đã đạt được tuyên bố chung về điều chỉnh hệ thống thương mại toàn cầu. Mỹ và Trung Quốc cũng có được thỏa thuận đình chiến thương mại sau hơn tám tháng căng thẳng...

Bữa ăn tối và đàm đạo hai tiếng rưỡi giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ - Trung dù không mang lại kết quả cụ thể, nhưng thỏa thuận ngừng chiến trong 90 ngày lại là tia hy vọng mới. Thị trường cổ phiếu châu Á khởi sắc hơn vào đầu tuần khi tin đình chiến loan đi, các chỉ số tăng 5% trong ngày 3/12. Thỏa thuận này cũng mang lại chút tươi sáng cho kỳ Giáng Sinh trong ba tuần nữa ở Mỹ và cái Tết Nguyên đán sắp tới ở Trung Quốc.

Cả hai nhà lãnh đạo Mỹ - Trung tươi cười, nhưng liệu cả hai quốc gia sẽ đạt được thỏa thuận lâu dài? (Ảnh: AFP).

Món quà Giáng sinh 2018 ý nghĩa

Chiến tranh mậu dịch giữa hai nền kinh tế lớn số 1 và số 2 thế giới được coi là một yếu tố rủi ro rất lớn với những nhà đầu tư trong năm 2018, vì nó ảnh hưởng và đe dọa đến phát triển kinh tế của rất nhiều quốc gia trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Mặc cho những lời dự đoán đầy ảm đạm về bữa tối có lẽ được theo dõi nhiều nhất trên thế giới, mối quan hệ cá nhân Trump - Tập dường như là một yếu tố gắn kết để cả hai phía Mỹ lẫn Trung Quốc đồng ý với những thỏa thuận mà trước đây quan điểm hai bên có vẻ hoàn toàn đối lập.

Báo chí đều nói rằng Tổng thống Trump và Chủ tịch Tập đã đồng ý việc tạm dừng áp thuế mới từ ngày 1/1/2019. Ông Tập đã phải “vật lộn” đối phó với nền kinh tế đang “giảm tốc” tại Trung Quốc. Các nhà phân tích chỉ ra rằng ông đang chịu áp lực lớn phải trở về nước với một số thỏa thuận mà không gây ra thêm “đau đớn” nào cho các nhà sản xuất Trung Quốc.

Một vài bằng chứng cho thấy những công ty Trung Quốc đang gánh chịu “nỗi đau” từ chiến tranh mậu dịch, nhưng hiện tại với mức thuế 10% thì họ vẫn có thể chịu đựng và “kiểm soát” được. Tuy nhiên mức thuế tăng 25% sẽ thay đổi hoàn toàn mọi thứ.

Các nhóm vận động hành lang ở Mỹ đã gây sức ép cho ông Trump gạt qua mối bất hòa với Trung Quốc. Họ cũng chỉ ra rằng mức thuế cao hơn đồng nghĩa với mức giá cao hơn cho các nhà sản xuất Mỹ và người tiêu dùng nước này cũng phải móc hầu bao nhiều hơn.

Trước đây, ông Trump thường gạt qua những mối bận tâm trên, nhưng thỏa thuận lần này sẽ giúp ông trông “mạnh mẽ” hơn khi quay lại Mỹ, đồng thời cũng cho phép nhiều công ty Mỹ có thêm thời gian để tìm hiểu xem cần phải làm gì nếu như những khung thuế quan tiếp theo có hiệu lực.

Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer dẫn đầu vòng đàm phán thương mại mới với Trung Quốc. (Ảnh: AFP).

Mỹ được lợi những gì?

Phía Mỹ hóa ra lại có được những lợi thế tốt hơn trong thỏa thuận này. Tổng thống Trump đã thuyết phục được phía Trung Quốc thảo luận về những vấn đề mà chính quyền ông đang gặp phải với cách thức kinh doanh của Trung Quốc và một thỏa thuận là Trung Quốc phải mua “số lượng lớn” sản phẩm nông nghiệp, năng lượng và công nghiệp từ phía Mỹ.

Phía Trung Quốc cũng bảo đảm “ngôn từ” trong thỏa thuận lần này là mơ hồ và không ràng buộc, tức không rõ Trung Quốc sẽ “mở cửa” đến đâu và sẽ mua bao nhiêu sản phẩm từ phía Mỹ.

Mỹ muốn Trung Quốc từ bỏ việc ép buộc chuyển giao công nghệ và giúp các công ty Mỹ tiếp cận được nhiều hơn với thị trường Trung Quốc. Trong số ra ngày 3/12, bình luận về thỏa thuận tạm dừng áp thuế giữa ông Tập và ông Trump, tờ China Daily viết: “Bất kỳ quyết định nào có lợi cho sự phát triển của Trung Quốc thì luôn đúng”.

Có lẽ thỏa thuận lần này cũng rất đáng để phía Trung Quốc phải “hy sinh”. Tuy nhiên, việc Trung Quốc sẵn sàng cho đi bao nhiêu sẽ là chìa khóa quan trọng cho thỏa thuận tạm dừng thuế quan lần này và quyết định thỏa thuận này sẽ chỉ là tạm thời hay lâu dài cho mối quan hệ Mỹ - Trung?

Trung Quốc phải đương đầu với “cố vấn cứng rắn” của ông Trump

Ngày 3/12 (giờ Washington), Tổng thống Trump đã chỉ định Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer dẫn đầu vòng đàm phán mậu dịch mới với Trung Quốc nhằm hạ nhiệt căng thẳng thương mại kéo dài thời gian qua và tránh để cuộc chiến mậu dịch giữa hai cường quốc kinh tế leo thang hơn nữa.

Hãng tin AFP của Pháp bình luận rằng ông Lighthizer là “chuyên gia đàm phán cứng rắn nhất sẽ buộc Trung Quốc phải loại bỏ các rào cản thuế quan và tiến hành những thay đổi mạnh mẽ về cấu trúc chính sách của nước này”.

Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin trả lời phỏng vấn hãng tin CNBC cho biết, ông cũng nhận định việc “đình chiến” thương mại mang tính “bước ngoặt” với một cam kết rõ ràng từ phía Bắc Kinh rằng sẽ có “thỏa thuận thực sự” giải quyết các quan ngại của Washington.

Ông Mnuchin khẳng định đây là lần đầu tiên xuất hiện “một con đường rõ ràng” nhằm giảm thâm hụt mậu dịch Mỹ - Trung xuống mức thấp nhất có thể. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh Mỹ cần nhìn thấy “điều gì đó cụ thể” từ phía Trung Quốc trong vòng 90 ngày tới nhằm xây dựng một thỏa thuận thực sự.

Tuy nhiên, nếu trong vòng 90 ngày hai bên không đạt được thỏa thuận về các vấn đề thương mại như chuyển giao công nghệ, sở hữu trí tuệ, hàng rào phi thuế quan, đánh cắp công nghệ và nông nghiệp, hai bên đồng ý Mỹ sẽ tăng mức thuế từ 10% lên 25% như dự kiến ban đầu.

“Quan hệ với Trung Quốc đã có bước đại nhảy vọt! Nhiều điều rất tốt sẽ diễn ra. Chúng ta thương lượng với sức mạnh to lớn, nhưng Trung Quốc cũng sẽ có được nhiều thứ nếu và khi một thỏa thuận ra đời. Hãy tạo ra sân chơi chung cho tất cả”.

Donald Trump

Tường Quyên

Nguồn Người Tiêu Dùng: http://nguoitieudung.com.vn/dinh-chien-thuong-mai-my--trung-niem-vui-lieu-co-duoc-dai-lau-d73377.html