Định danh số lượng bất động sản của người dân: Hạn chế rửa tiền, tham nhũng

Vừa qua, Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (Bộ Công an) ký thỏa thuận hợp tác với Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam thúc đẩy triển khai Đề án 06 và phục vụ quá trình chuyển đổi số quốc gia.

Theo ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP Hồ Chí Minh, ngành thuế sẽ kiểm soát bằng cơ sở dữ liệu big data để đánh thuế từng loại bất động sản - (Ảnh chụp tại Khu đô thị mới Hạ Đình, Hà Nội). Ảnh: Khánh Huy

Minh bạch hóa thị trường BĐS

Đáng chú ý, Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội cho biết, quá trình phối hợp với bưu điện, Bộ Công an đang tham mưu giải pháp minh bạch thị trường bất động sản (BĐS) thông qua kế hoạch định danh số nhà, triển khai sàn giao dịch BĐS quốc gia cho phép định danh cá nhân, tổ chức giao dịch.

Đại tá Vũ Văn Tấn - Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội cho hay, định danh số nhà nhằm thực hiện theo chỉ đạo tại Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 19/5/2023 của Thủ tướng Chính phủ về lập lại trật tự, kỷ cương, khắc phục những bất cập đối với công tác tư vấn đầu tư xây dựng các công trình, dự án ngành giao thông vận tải.

Theo Bộ Công an, muốn xác định được BĐS thì phải định danh được số nhà và định danh chủ tài sản của các BĐS đó. Định danh số nhà, số căn hộ sẽ giúp minh bạch được chủ tài sản có bao nhiêu BĐS. Từ đó, tạo ra mạng lưới định danh BĐS gắn với mỗi công dân, để cho những đơn vị trung gian khác (bưu điện, chuyển phát nhanh...) khai thác, sử dụng khi giao nhận hàng đảm bảo được chính xác nhất.

Cũng theo Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, hiện nay, Bộ Xây dựng cùng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) là hai cơ quan quản lý Nhà nước chủ trì việc xây dựng dữ liệu về số nhà, nhà ở, mục tiêu là đánh số cụ thể đến từng ngôi nhà, từng căn hộ hay thửa đất theo quy luật thống nhất. Từ quy luật đó, Bộ Công an thu thập cơ sở dữ liệu về số nhà, cộng với thông tin thu thập từ UBND các cấp, trên nguyên tắc chuẩn hóa số liệu để định danh số nhà.

Theo ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP Hồ Chí Minh, thị trường BĐS chưa minh bạch do cơ sở dữ liệu lớn quốc gia (big data) chưa được xây dựng đầy đủ và dữ liệu chưa được liên thông giữa các ngành. Dữ liệu này muốn thực hiện được phải hoàn thiện Đề án 06 (xây dựng dữ liệu lớn quốc gia) mà Bộ Công an đang làm. Trong Đề án 06, thông tin về thị trường BĐS chỉ là một phần. Đề án này nằm trong định hướng chung của Chính phủ nhằm đảm bảo có các cơ sở dữ liệu của một cá nhân trên tất cả các lĩnh vực. Khi tích hợp tất cả thông tin cá nhân vào Đề án 06 thì mỗi cá nhân chỉ có một mã số định danh cá nhân. Nếu như trước đây mỗi cá nhân dùng nhiều loại giấy tờ để có thể mua nhiều BĐS ở các nơi, không ai biết, thì nay quy về một đầu mối.

Theo ông Châu, khi đó, chỉ cần tra cứu mã số định danh cá nhân, tất cả tài sản đều hiện lên, bao gồm cả việc cá nhân đó sở hữu bao nhiêu BĐS, nhà nào đang ở, đang cho thuê hay đang bỏ hoang. Như vậy, ngành thuế sẽ kiểm soát bằng cơ sở dữ liệu big data để đánh thuế từng loại BĐS. Điều này nhằm minh bạch thị trường và giúp Nhà nước quản lý hiệu quả.

Khi đã có big data, mọi giao dịch về BĐS của người dân Nhà nước sẽ nắm rõ. Điều này cũng góp phần hạn chế rửa tiền, tham nhũng. Khi nâng cao quản lý của Nhà nước nhưng đảm bảo quyền riêng tư của người dân thì sẽ không để các thông tin cá nhân bị mua bán, lọt ra ngoài để kẻ xấu lợi dụng lừa đảo.

Tránh phiền hà cho công dân

Nhiều chuyên gia đặc biệt nhấn mạnh đến việc trong quá trình làm cần tránh phiền hà cho người dân khi khai báo, cung cấp hồ sơ và phải đảm bảo được yếu tố bảo mật thông tin. Quan trọng vẫn là sự đồng nhất và đồng bộ về mặt dữ liệu trên phạm vi cả nước và cơ quan chịu trách nhiệm chính về việc này là ai, cũng như sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý ngành và Bộ Công an trong quá trình tạo lập dữ liệu, khai báo và quản lý sử dụng dữ liệu sau này.

Cùng với đó, việc triển khai thủ tục định danh BĐS sẽ khó khăn và rất tốn kém bởi chủ sở hữu các BĐS thay đổi liên tục. Một BĐS có nhiều người cùng sở hữu như BĐS của vợ chồng, BĐS của hộ gia đình, tổ chức, cá nhân nước ngoài. Cũng có những BĐS đang trong tình trạng tranh chấp và BĐS chưa xác định được chủ sở hữu. Nếu triển khai số hóa đồng bộ thì phải huy động rất nhiều nhân lực. Ngoài ra, cũng cần tính đến việc các căn hộ, số nhà sẽ thay đổi khi bị chia tách, sáp nhập, thay đổi, khi đó người dân lại phải thực hiện thêm thủ tục.

Vì thế, để kiểm soát chống tham nhũng, hạn chế rửa tiền và để quản lý BĐS nhằm đánh thuế BĐS thứ hai và BĐS bỏ hoang như các dự thảo, chỉ cần căn cứ vào dữ liệu của các Sở TN&MT và Sở Xây dựng, sau đó tích hợp vào dữ liệu định danh cá nhân là quản lý được mà không cần phải định danh từng BĐS.

Dù nhận định việc định danh số nhà, quản lý chặt chẽ BĐS là xu hướng của nhiều quốc gia song luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cũng bày tỏ lo ngại bởi đây là vấn đề khá nhạy cảm vì liên quan quyền sở hữu tài sản của tổ chức, cá nhân: “Nếu thông tin về tài sản của công dân được thu thập nhưng không bảo đảm điều kiện về bảo mật, dẫn đến lộ lọt thông tin thì có thể ảnh hưởng đời sống riêng tư của công dân. Bên cạnh đó, việc định danh cá nhân về tài sản nhằm mục đích quản lý tài sản của từng công dân nhưng nếu không kiểm soát được tình trạng đứng tên hộ BĐS thì những thông tin về định danh BĐS cũng chỉ có ý nghĩa tương đối”.

Ngô Sơn

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/dinh-danh-so-luong-bat-dong-san-cua-nguoi-dan-han-che-rua-tien-tham-nhung-357868.html