Đỉnh dịch sốt xuất huyết: Người dân vẫn thờ ơ!

Đã có 50 người tử vong do dịch sốt xuất huyết và con số này chưa có dấu hiệu dừng lại. Điều đáng lo ngại là ý thức phòng chống dịch của người dân vẫn chưa cao.

Phun thuốc diệt muỗi là biện pháp quan trọng phòng chống bệnh sốt xuất huyết. Ảnh: DN

Phun thuốc diệt muỗi là biện pháp quan trọng phòng chống bệnh sốt xuất huyết. Ảnh: DN

Đang đỉnh dịch

Báo cáo của ngành Y tế cho thấy, hiện cả nước có khoảng 200.000 ca mắc sốt xuất huyết, 50 trường hợp tử vong. Hiện 63 tỉnh, thành phố đều có bệnh nhân sốt xuất huyết, nguy cơ bùng phát dịch bệnh rất lớn.

Tại TPHCM, theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố, số ca mắc sốt xuất huyết trên địa bàn hiện chưa có dấu hiệu giảm. Trong 9 tháng đầu năm, có hơn 48.400 ca bệnh, tăng 124% so với cùng kỳ năm 2018. Riêng tháng 9, thành phố có hơn 8.000 ca mắc, trong đó có 9 trường hợp tử vong gồm 2 trẻ em và 7 người lớn.

Đồng Nai hiện là “ổ dịch” sốt xuất huyết lớn thứ hai ở Nam Bộ, chỉ sau TP HCM. 6 tháng đầu năm, tỉnh có trên 5.000 ca mắc sốt xuất huyết, tăng 2,6 lần so với cùng kỳ năm 2018, cao nhất trong 5 năm qua.

Tại Hà Nội, tính đến hết tháng 9, toàn thành phố ghi nhận 5.305 trường hợp mắc sốt xuất huyết, chưa ghi nhận tử vong. Bệnh nhân có ở 465/584 xã, phường, thị trấn (chiếm 79%). Một số quận, huyện có nhiều bệnh nhân mắc như: Hà Đông, Cầu Giấy, Nam Từ Liêm, Đống Đa, Thường Tín, Thanh Trì, Hoàng Mai, Thanh Oai, Hoài Đức, Bắc Từ Liêm.

Theo các chuyên gia y tế, dù đang ở đỉnh dịch song tại các điểm nguy cơ cao như khu vực đông dân cư, khu nhà trọ, sốt xuất huyết hầu như không phải mối bận tâm của người dân. Bên cạnh thói quen sinh hoạt thiếu ngăn nắp, nhiều người còn xem nhẹ, thờ ơ với việc ngăn chặn loăng quăng và muỗi phát sinh, gây bệnh.

Theo đại diện Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, dịch sốt xuất huyết khó kiểm soát trong những năm qua là do sự tác động của biến đổi khí hậu, điều kiện môi trường bị ô nhiễm trong quá trình đô thị hóa, tình trạng di dân. Song nguyên nhân của sự gia tăng muỗi truyền bệnh, gia tăng số người mắc bệnh không thể không nói đến yếu tố con người.

Ông Hoàng Đức Hạnh, Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội chỉ ra, thời gian qua, công tác phòng chống dịch tại một số địa phương có sự thờ ơ, buông lỏng, người đảm nhận nhiệm vụ phòng dịch bệnh chưa đi sâu, bám sát thực tế địa bàn. Bên cạnh đó, ý thức của người dân trong việc vệ sinh môi trường, diệt muỗi và lăng quăng, phòng tránh muỗi đốt gần như không được quan tâm.

“Đáng lo ngại, ở một số nơi, người dân có thái độ không hợp tác với ngành y tế để phun thuốc diệt muỗi, hoặc khi có đoàn kiểm tra, nhiều gia đình không muốn cho cán bộ y tế đến kiểm ra môi trường sống, tìm diệt ổ loăng quăng”, ông Hạnh thừa nhận.

Cũng theo ông Hạnh, ngành Y tế và chính quyền địa phương đã bước đầu áp dụng hình thức xử phạt hành chính đối với các công trình xây dựng, hộ gia đình để xảy ra tình trạng vật liệu phế thải chứa nước làm nơi sinh sôi phát triển của muỗi. Tuy nhiên, hình thức xử phạt mới chỉ mang tính chất răn đe và chưa phổ biến, nên các điểm sai phạm vẫn tái phạm. Cán bộ y tế dự phòng đến khảo sát tại các hộ gia đình, khi phát hiện muỗi, loăng quăng, đa phần chỉ là truyên truyền người dân tăng cường các giải pháp phòng chống.

Vừa qua, đoàn công tác của Bộ Y tế đã thị sát thực tế công tác phòng chống bệnh sốt xuất huyết tại phường Tam Phước (TP Biên Hòa) và kiểm tra công tác phòng chống, điều trị bệnh nhân sốt xuất huyết tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai.

Tại buổi làm việc với UBND tỉnh Đồng Nai, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết một trong những vấn đề trọng tâm là người dân chưa ý thức được việc chủ động phòng chống bệnh sốt xuất huyết. Người dân chưa hiểu được chính họ tạo ra chỗ để cho muỗi bằng cách tích trữ nước chưa hợp lý, công tác vệ sinh chưa tốt.

"Người dân còn có thái độ coi thường sốt xuất huyết. Mặc dù tỉ lệ tử vong giảm nhưng sau khi điều trị sốt xuất huyết xong thì sức đề kháng, sức khỏe của người bệnh giảm mạnh", bà Tiến nhấn mạnh.

Ngoài ra, Bộ trưởng Tiến cho rằng, truyền thông về sốt xuất huyết tuy tích cực nhưng chưa đạt yêu cầu. Việc tuyên truyền mới chỉ dừng lại ở việc nêu số liệu ca bệnh số tử vong, tỉ lệ tăng giảm, điều đó là cần nhưng chưa đủ, trọng tâm trong công tác phòng dịch tuyên truyền các biện pháp phòng chống dịch bệnh cho người dân.

Trọng tâm là dự phòng

Theo các chuyên gia, tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết từ nay tới cuối năm có thể diễn biến phức tạp. Do vậy, người dân không được chủ quan. Cách tốt nhất để phòng bệnh là tiêu diệt ổ loăng quăng bằng cách phát quang bụi rậm, đậy kín các thiết bị chứa nước hay phun thuốc diệt muỗi…

Ông Hoàng Đức Hạnh cho rằng, biện pháp cụ thể mà người dân và các cán bộ y tế phải tiến hành là diệt loăng quăng, diệt muỗi ở ngoài nhà, phải lấp đất, đá và cát rồi san phẳng các vũng nước nhỏ, không cho muỗi có cơ hội trú ẩn. Ở những nơi có nhiều vũng nước trong mùa mưa, người dân có thể xử lý nhanh bằng cách phun hoặc rải hóa chất diệt loăng quăng, muỗi thích hợp sẽ cho kết quả tốt hơn.

Bên cạnh đó, với các lốp xe cũ cần đậy lại để ngăn nước mưa lọt vào hoặc khoan lỗ để nước không đọng lại bên trong. Ngoài ra, cũng có thể đổ đất vào trong lốp xe để trồng cây hoặc đổ hóa chất hay dầu vào nước đọng lại trong lốp xe cũ để diệt loăng quăng, muỗi. Những vật dụng không dùng đến như xe cũ, tủ lạnh, máy giặt... cũng có thể trở thành các điểm sinh sản của muỗi, vì vậy không nên để ngoài trời cho nước mưa đọng lại.

Ngoài ra, khi có biểu hiện mắc bệnh cần tới cơ sở y tế để được khám và tư vấn cụ thể tránh chủ quan, dẫn đến những biến chứng nặng.

Đó là trong dự phòng, còn với điều trị bệnh, bác sỹ Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai cho rằng, với bệnh sốt xuất huyết, lúc hạ sốt lại là thời điểm bệnh dễ bị nặng nhất. Do đó, nhiều người chủ quan không đi khám khiến tình trạng bệnh nặng, nguy hiểm đến tính mạng.

Đặc biệt, người có cơ địa đặc biệt hoặc bị tiểu đường, huyết áp, thừa cân béo phì khi sốt xuất huyết dễ diễn tiến nặng, nhiều biến chứng dẫn đến suy đa phủ tạng, tử vong. Phụ nữ có thai mắc sốt xuất huyết dễ dẫn đến sinh non. “Chính vì thế, không chỉ tập trung cao độ trong phòng tránh sốt xuất huyết ở trẻ em, ngay cả người lớn cũng cần hết sức cẩn thận, không được chủ quan trước bệnh dịch chưa có dấu hiệu suy giảm này”, bác sỹ Cường khuyến cáo.

Cứ 10 người có 8 người tử vong do bệnh không lây nhiễm

Bệnh không lây nhiễm (BKLN) là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong trên thế giới khi cứ 10 người tử vong, có gần 8 người chết do BKLN.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, ước tính năm 2016, Việt Nam có 548.800 ca tử vong, trong đó tử vong do BKLN chiếm 77%. 44% số tử vong do BKLN là trước 70 tuổi.

Để ứng phó với gánh nặng của BKLN, Chiến lược quốc gia về phòng, chống BKLN tại Việt Nam giai đoạn 2013-2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Theo Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn, hiện Việt Nam đã đạt 9 trong số 19 chỉ số đánh giá tiến độ và năng lực đáp ứng quốc gia về phòng chống bệnh không lây nhiễm.

Đặc biệt, theo Thứ trưởng Bộ Y tế, ngày 2/9/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1092/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình sức khỏe Việt Nam nhằm kết nối và thực hiện đồng bộ các đề án, chương trình về bảo vệ, nâng cao sức khỏe và tầm vóc người Việt Nam, gắn với phát triển y tế cơ sở, phòng chống các yếu tố nguy cơ và dự phòng BKLN.

D.Ngân

D.Ngân

Nguồn Hải Quan: https://haiquanonline.com.vn/dinh-dich-sot-xuat-huyet-nguoi-dan-van-tho-o-114789-114789.html