Đình Đông La Hạ xã Đông Yên huyện Quốc Oai thờ Đặng Long Uyên

Thôn Đông La Thượng, Đông La Hạ, xã Đông Yên, huyện Quốc Oai hiện có ngôi đình cổ kính. Nhân dân địa phương và quanh vùng gọi theo tên làng là đình Đông La Thượng, Đông La Hạ.Thôn Đông La Thượng, Đông La Hạ, xã Đông Yên, huyện Quốc Oai hiện có ngôi đình cổ kính. Nhân dân địa phương và quanh vùng gọi theo tên làng là đình Đông La Thượng, Đông La Hạ.

Thành hoàng làng ấp Cổ Trang (sau là trại Xa La Hạ), tổng Dạ Cát (sau là tổng Cấn Xá), huyện Tiên Phong (sau là huyện Ninh Sơn), phủ Quảng Oai (sau là Quốc Oai), đạo Sơn Tây. Nay là hai thôn Đông La Thượng, Đông La Hạ , xã Đông Yên, huyện Quốc Oai, thành phố Hà Nội

Thời Lê (thế kỉ XV), Đông La Thượng, Đông La Hạ có tên là Xa La Thượng, Xa La Hạ, thuộc tổng Dạ Cát, huyện Ninh Sơn, phủ Quốc Oai. Thời Nguyễn thuộc tổng Cấn Xá. Ngày nay, Đông La Thượng, Đông La Hạ (nay gọi là Đông Thượng, Đông Hạ) cùng với các thôn Việt Yên, Yên Thái hợp thành xã Đông Yên, huyện Quốc Oai,Thành phố Hà Nội.

Về đình Đông La Thượng, Đông La Hạ, từ Thủ đô Hà Nội, qua quận Hà Đông, theo Quốc lộ số 6, đến gần Xuân Mai thì rẽ phải vào đường 421B. Đường thứ 2 là từ huyện lị Quốc Oai, rẽ vào đường 421B. Các phương tiện, ô tô, xe máy, xe đạp đến đây đều thuận tiện.

Địa phương còn lưu giữ cuốn thần phả, các bài văn tế, ghi chép về nhân vật được thờ. Đình Đông La Thượng, Đông La Hạ thờ Thành hoàng làng là ông Đặng Long Uyên 鄧龍 淵, một vị tướng thời Hùng Vương thứ 18.

Đặng Long Uyên là người thiên tư khác lạ, học lực thông minh, thuộc lòng binh pháp. Có sở trường về võ nghệ. Năm 24 tuổi, cha mất, ông chọn nơi cát địa (đất có thế phong thủy) mai táng cha, hương đèn phụng thờ cha 3 năm. Vừa xong 3 năm tang cha, Vua Hùng Duệ Vương ban chiếu cầu hiền. Ông về kinh ứng thí, được Vua khen ngợi, ban chức Chỉ huy sứ tướng quân.

Lúc này cơ đồ nhà Hùng mạt vận, Thục Phán đem binh xâm lấn bờ cõi của các Vua Hùng. Nghe theo lời bàn của Tản Viên Sơn Nguyễn Tùng, Vua phong ông làm Tiền đạo dương lộ Thượng tướng quân, cùng Tản Viên Sơn Nguyễn Tùng dẹp giặc.

Một hôm, ông hành quân đến trại Xa La, thấy ở đây phong cảnh hữu tình. Suối chảy quanh co, đồi núi không cao mà cát mịn. Ông liền hạ trại. Hỏi ra mới biết, hồi xưa cha mẹ ông đã ở đây làm nghề đánh cá. Vì thế tình cảm của ông với dân làng càng thêm gắn bó. Ông chọn 20 trai làng vào cánh quân của ông. Hôm sau, ông nhận lệnh triều đình mang quân về núi Sóc Sơn chặn giặc. Không ngờ, ông bị bao vây. Quân tướng bị vây hãm 15 ngày. Thiếu cơm ăn, thiếu cả nước uống. May thay có đám mây kéo đến, làm ra một trận mưa. Quân sĩ được giải khát. Ông cho là lòng trời đã giúp, ông ra lệnh tiến đánh. Trận này đại thắng.

Về sau, ông được thực ấp ở huyện Ninh Sơn. Ông về thăm trại Xa La. Cấp cho dân 50 hốt vàng dùng để mua ruộng đất, phục vụ việc cúng tế sau này. Ông đổi tên trại Xa La thành khu Đông La Thượng, khu Đông La Hạ. Ông mất ở đây ngày 7 tháng Giêng. Triều đình và nhân dân Đông La Thượng, Đông La Hạ đều thương tiếc. Ông được triều đình sắc phong làm Thành hoàng làng (Bản cảnh thành hoàng). Chuẩn cho dân 2 khu rước mĩ tự, lập miếu thờ cúng.

Do có công lao âm phù các triều Vua: Trần Thái Tông, Lê Thái Tổ, ông được gia phong mĩ tự: Phổ tế Cương nghị Anh linh.

Hiện nay, thôn Đông Hạ quy định 5 năm một lần tổ chức lễ lớn vào ngày 10-8. Lễ hội có tế lễ, rước bài vị xung quanh làng. Thành phần tham gia đội rước gồm các đội: Cờ, trống, bát bửu, đội tế nam, đội dâng hương nữ, cùng toàn dân.
Lễ vật có mâm xôi, thủ lợn, hoa quả, đèn, hương đăng. Lễ hội do Ban văn hóa xã chủ trì, phần nghi lễ do Ban khánh tiết của làng phụ trách.

Kiến trúc đình Đông La Hạ mang phong cách thời Nguyễn. Đình còn một số di vật thuộc thời Lê. Đình làm theo lối chữ Đinh (丁), gồm một tòa đại bái và hậu cung. Cách đây vài chục năm, địa phương tôn tạo một tòa đại bái nữa. Đình Đông La Hạ nhìn về hướng Nam. Trước cửa đình là ao đình rồi đến đường làng và cây đa cổ thụ, xa xa là những quả đồi thấp nhỏ. Tòa đại bái mới tôn tạo, có chiều dài 12,4 mét, rộng 7,6 mét, được phân làm 3 gian 2 dĩ.

Tòa đại bái nối hậu cung, cũng kết cấu 4 hàng chân gỗ.

Hậu cung xây bệ thờ, trên đặt long ngai, bài vị cùng các di vật quí.

Hiện di tích còn các đồ thờ tự, đồ gỗ có: 2 cỗ kiệu, long ngai, bài vị, 4 cây đèn, 3 bộ tam sự, 3 mâm đồng, 2 đôi câu đối, 16 gươm trường, bát bửu. Đồ sứ có: 8 bát hương thời Nguyễn, 1 lọ hoa. Đồ đồng có: 6 cây đèn đồng, 2 chuông đồng. Đồ đá có: 2 cột, 2 bồn hoa, 2 con sấu (thời Lê), 1 con rùa. Đồ giấy có: Thần phả chữ Hán Nôm, phiên âm thần phả, các bài văn tế (chép chữ Hán Nôm, ghi phiên âm).

PGS. TS Đặng Văn Đông - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Rau quả

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/dinh-dong-la-ha-xa-dong-yen-huyen-quoc-oai-tho-dang-long-uyen-63066