Dinh dưỡng an toàn từ bữa ăn bán trú đóng vai trò quan trọng đối với việc nâng cao thể lực, trí tuệ học sinh

Hiện nay, cả nước có khoảng 4.000 trường học có tổ chức bữa ăn bán trú cho học sinh. Dinh dưỡng đóng vai trò quyết định đối với việc nâng cao thể lực, trí tuệ cho con người. Tại các trường học tổ chức bán trú, vấn đề dinh dưỡng và an toàn thực phẩm (ATTP) trong bữa ăn cho học sinh càng trở nên quan trọng.

Bữa ăn bán trú phải đảm bảo dinh dưỡng cần thiết

Theo TS Cao Văn Trung, Phó Trưởng phòng giám sát ngộ độc thực phẩm và Thông tin truyền Thông (Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế), số vụ ngộ độc thực phẩm tập thể tại trường học chỉ chiếm khoảng 3,7% tổng số các vụ ngộ độc thực phẩm. Tuy nhiên, ở các vụ ngộ độc tại trường học, số trẻ bị mắc khá đông, hơn nữa các em còn nhỏ, sức đề kháng yếu, nếu bị ngộ độc sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe.

Đối với bữa ăn học được, dinh dưỡng và sự an toàn của thực phẩm rất quan trọng. Mới đây, nhiều phụ huynh của Trường Tiểu học Thạch Linh (thành phố Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh) đã đăng tải lên mạng hình ảnh bữa ăn bán trú của các con quá ít ỏi. Theo đó, thực đơn một bữa trưa vào trung tuần tháng 9 gồm: Cơm, 5 con tôm kho bóc vỏ, thịt bò xào bắp cải, canh bí nấu thịt. Nhìn suất cơm, nhiều phụ huynh cho rằng các con sẽ ăn không đủ no, đồng thời không đủ dinh dưỡng cần thiết cho các hoạt động học tập tại trường.

Bữa ăn của học sinh Trường Tiểu học Thạch Linh (thành phố Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh) được cho là quá ít ỏi, không đáp ứng đủ nhu cầu dinh dưỡng cho các em

Bữa ăn của học sinh Trường Tiểu học Thạch Linh (thành phố Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh) được cho là quá ít ỏi, không đáp ứng đủ nhu cầu dinh dưỡng cho các em

Theo Viện dinh dưỡng quốc gia, chế độ dinh dưỡng đúng, đủ, hợp lý sẽ giúp cơ thể phát triển tối ưu cả về thể chất và tinh thần. Ngược lại, chế độ dinh dưỡng không đủ, không đúng, không hợp lý sẽ mất tính cân đối các chất dinh dưỡng dẫn tới các bệnh thiếu - thừa dinh dưỡng, các bệnh thiếu vi chất dinh dưỡng…

Bữa ăn của học sinh cần có đủ 4 nhóm thực phẩm và đa dạng nhiều loại thực phẩm, bảo đảm nhu cầu cả về số lượng, chất lượng và tỉ lệ cân đối của các thành phần dinh dưỡng.

Theo quy định của Bộ GD&ĐT thì bữa ăn bán trú của trường mẫu giáo cung cấp khoảng 55-60% nhu cầu năng lượng của cơ thể trẻ trong 1 ngày.

Đối với những trường tiểu học không ăn bán trú hoặc ăn bán trú không có bữa phụ: cha mẹ cần đảm bảo cung cấp tối thiểu cho trẻ đủ 3 bữa chính, không để trẻ nhịn ăn sáng đi học; Bữa sáng và bữa trưa cung cấp 35% và bữa tối cung cấp 30% nhu cầu năng lượng của cả ngày.

Đối với những trường tiểu học ăn bán trú có bữa phụ có thể phân bố thành 4 bữa: Bữa sáng năng lượng từ 25-30%, bữa trưa năng lượng từ 30-40%, bữa xế chiều năng lượng từ 5-10%, bữa tối năng lượng từ 25-30% nhu cầu năng lượng cả ngày.

An toàn thực phẩm với mỗi bữa ăn phải được kiểm tra nghiêm ngặt

Đủ dinh dưỡng, nhưng yếu tố quan trọng hàng đầu vẫn là vấn đề ATTP trong bữa ăn cho học sinh.

Trong bối cảnh bệnh dịch và ATTP đang có diễn biến phức rạp, không thể chủ quan. Thực tế là dù có ban đại diện kiểm tra an toàn thực phẩm trường học, nhưng bằng cách này hay cách khác, vẫn có thực phẩm bẩn vào trường học, thậm chí, công tác vệ sinh dụng cụ ăn uống tại trường chưa tốt cũng ảnh hưởng đến mức độ an toàn của bữa ăn. Do đó, các khâu kiểm soát nguồn gốc, ý thức thực hành trong chế biến, vệ sinh dụng cụ chứa đựng thực phẩm… là những phần việc phải làm thật tốt, nghiêm ngặt theo đúng quy trình.

Đặc biệt, trách nhiệm phối hợp giữa nhà trường và phụ huynh học sinh về bảo đảm ATTP bữa ăn học đường phải ngày càng chặt chẽ. Trong đó, việc chủ động công khai thực đơn, đơn vị cung ứng thực phẩm cần được thực hiện bằng nhiều biện pháp như trên trang thông tin điện tử của nhà trường (nếu có), thông báo định kỳ, thường xuyên bằng văn bản để ban đại diện phụ huynh học sinh biết và giám sát.

Hiện nay, nhiều trường học tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đã niêm yết công khai thực đơn bán trú hàng tuần tại bảng thông báo của nhà trường. Như vậy vai trò giám sát của phụ huynh cũng được tăng cường.

Để bữa ăn an toàn, các khâu kiểm soát nguồn gốc, ý thức thực hành trong chế biến, vệ sinh dụng cụ chứa đựng thực phẩm… là những phần việc phải làm thật tốt, nghiêm ngặt theo đúng quy trình

Việc tăng cường công tác kiểm tra, tập huấn kỹ năng đảm bảo ATTP tại các bếp ăn tập thể trường học nhằm đảm bảo ATTP cho học sinh cũng rất quan trọng, phải thực hiện thường xuyên.

Lựa chọn đơn vị cung cấp thực phẩm uy tín cũng rất quan quan trọng. Các trường thực hiện ký hợp đồng cung ứng thực phẩm với các đầu mối có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, có giấy chứng nhận đảm bảo ATTP của Trung tâm y tế thành phố. Tuy nhiên, việc thường xuyên giám sát đơn vị cung cấp thực phẩm cũng rất quan trọng, đã có trường hợp, ký hợp đồng với đơn vị cung ứng, nhà trường không liên tục giám sát nên đơn vị cung cấp thực phẩm thu mua sản phẩm không rõ nguồn gốc, trà trộn thực phẩm kém chất lượng, dẫn đến chất lượng thực phẩm vào trường vẫn chưa được đảm bảo.

Ví dụ như sự việc, hàng nghìn phụ huynh ở huyện Thuận Thành (tỉnh Bắc Ninh) năm 2019 đã ồ ạt đưa con lên Hà Nội để xét nghiệm sán lợn. Việc này diễn ra trong bối cảnh trước đó phụ huynh "tố" Trường Mầm non Thanh Khương, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh sử dụng thực phẩm không đảm bảo vệ sinh chế biến cho trẻ. Đặc biệt, Cty cung cấp thực phẩm của Trường Mầm non Thanh Khương còn cung cấp cho gần 20 trường khác ở huyện Thuận Thành.

Vì thế, để bữa ăn đủ dinh dưỡng, đảm bảo ATTP, tất cả các khâu: Kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc thực phẩm, chế biến, bảo quản, vận chuyển thực phẩm trong các cơ sở giáo dục, tuân thủ quy trình giao nhận, lưu mẫu thực phẩm theo quy định,tăng cường vệ sinh trường học, vệ sinh bếp ăn, vệ sinh dụng cụ ăn uống của học sinh… đều phải hết sức nghiêm ngặt, không được buông lỏng khâu nào.

T.Fan

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/dinh-duong-an-toan-tu-bua-an-ban-tru-dong-vai-tro-quan-trong-doi-voi-viec-nang-cao-the-luc-tri-tue-hoc-sinh-163438.html