Dinh dưỡng cho người bệnh: Quan trọng nhưng chưa được coi trọng

Lâu nay với nhiều người dân, vào bệnh viện (BV) là để điều trị bệnh, việc ăn uống thường bị xem nhẹ với tâm lý 'ăn cho qua bữa', 'có gì ăn nấy'... Điều này khiến tỷ lệ suy dinh dưỡng người bệnh điều trị nội trú tại Việt Nam tương đối cao; làm giảm hiệu quả điều trị, tăng thời gian nằm viện, chi phí, thậm chí tăng tỷ lệ tử vong.

Bác sĩ tư vấn chế độ dinh dưỡng cho người nhà của bệnh nhân

Bác sĩ tư vấn chế độ dinh dưỡng cho người nhà của bệnh nhân

Gia tăng bệnh nhân suy dinh dưỡng

Hơn 11 giờ trưa, trong khuôn viên BV Ung bướu TPHCM, anh Ngô Ngọc Vũ (56 tuổi, ở Long An) cùng vợ chia nhau 2 hộp cơm vừa mua tại quán ăn bên ngoài cổng BV. Từ một người cao 1m70, cân nặng 68kg, chỉ sau 2 tuần nằm viện điều trị ung thư vòm họng, anh Vũ giảm còn 54kg.

Kế bên, chị Nguyễn Thị Minh (35 tuổi) tâm sự, 2 ngày trước, chị từ Bến Tre lên TPHCM chăm sóc mẹ sau phẫu thuật cắt gan, mỗi ngày chị đều xin cơm từ thiện. Chi phí phẫu thuật, nằm viện đã quá tốn kém nên hai mẹ con xin cơm từ thiện ăn, tiết kiệm được đồng nào hay đồng nấy.

Ăn uống qua loa, có gì ăn nấy, xin cơm từ thiện… trong những ngày nằm viện là tình trạng phổ biến với nhiều bệnh nhân từ xưa đến nay, nhất là bệnh nhân từ các tỉnh thành đến TPHCM. Gánh nặng chi phí điều trị, điều kiện kinh tế khó khăn là nguyên nhân lớn nhất khiến người bệnh chưa chú trọng đến vấn đề dinh dưỡng trong thời gian nằm viện.

Từ đó, với bệnh tật hành hạ, tác dụng phụ của thuốc, những bữa cơm qua loa, thiếu dinh dưỡng là nguyên nhân khiến số lượng người bệnh bị suy dinh dưỡng chiếm tỷ lệ cao. Theo các chuyên gia, suy dinh dưỡng ở người bệnh trong thời gian nằm viện khá phổ biến, không chỉ ở Việt Nam mà còn cả thế giới. Tỷ lệ suy dinh dưỡng của bệnh nhân nằm viện trung bình trên thế giới là 20-40%. Còn tại Việt Nam, con số này chiếm 30-60%.

Một nghiên cứu trên 200 bệnh nhân 6 khoa lâm sàng của BV Đa khoa Hoàn Mỹ Sài Gòn cho thấy, khoảng 35,5% người bệnh điều trị tại đây bị suy dinh dưỡng. Tương tự, tại BV Thống Nhất, tỷ lệ bệnh nhân suy dinh dưỡng là 34,6%, các BV đa khoa khác trên địa bàn TPHCM là 34,1%...

Theo TS-BS Trần Thị Minh Hạnh, Trưởng Khoa Dinh dưỡng, BV Đa khoa Hoàn Mỹ Sài Gòn, tỷ lệ suy dinh dưỡng cao nhất ở người bệnh lớn tuổi, bệnh nhân điều trị tích cực, bệnh nhân ung thư, đường tiêu hóa, một số bệnh mãn tính như phổi, suy thận, suy gan… Một nghiên cứu khác của BV Ung bướu TPHCM cho thấy, ở thời điểm nhập viện có khoảng 34,8% bệnh nhân bị suy dinh dưỡng, trong đó, hơn 50% bệnh nhân tiếp tục sụt cân trong quá trình điều trị.

Nguyên nhân, điều trị ung thư phải sử dụng nhiều phương pháp như phẫu thuật, hóa trị và xạ trị… nhiều bệnh nhân bị tác dụng phụ như nôn ói, tiêu chảy dẫn đến sụt cân. “Suy dinh dưỡng sẽ làm giảm hiệu quả điều trị, tăng tình trạng bệnh, tăng nguy cơ nhiễm trùng, biến chứng, chậm lành vết thương. Suy dinh dưỡng góp phần tăng thời gian nằm viện khiến chi phí điều trị tăng, tỷ lệ tử vong ở người bệnh cũng cao hơn”, BS Trần Thị Minh Hạnh nhìn nhận.

Dinh dưỡng vô cùng cần thiết

BV Chợ Rẫy TPHCM là một trong những BV có số lượng bệnh nhân đông nhất khu vực phía Nam, trung bình hơn 2.000 người bệnh nội trú mỗi ngày. Theo khảo sát của BV, có 43% bệnh nhân bị suy dinh dưỡng, trong đó bệnh mãn tính chiếm 30-50%, bệnh nhân hồi sức tích cực 65%, bệnh lý ngoại khoa 35-55%…

Đơn vị này đã xây dựng “Hệ thống cảnh báo nguy cơ dinh dưỡng để can thiệp sớm” giúp Khoa Dinh dưỡng chủ động nắm bắt tình hình dinh dưỡng của tất cả bệnh nhân điều trị nội trú. BV Chợ Rẫy xây dựng hơn 220 chế độ ăn, trong đó, hơn 150 chế độ ăn cá thể hóa. Chế độ dinh dưỡng cho người bệnh chia làm nhiều loại, dành cho nhiều bệnh lý như cao huyết áp, nhồi máu cơ tim, sau nhồi máu cơ tim; đái tháo đường kèm biến chứng suy thận; gout; suy thận mãn tính, cấp tính, chạy thận nhân tạo... Ngoài ra, các bác sĩ cũng thiết kế chế độ ăn phù hợp với thói quen ăn uống, tôn giáo nhưng vẫn đảm bảo cho việc điều trị.

TS-BS Lưu Ngân Tâm, Trưởng Khoa Dinh dưỡng, BV Chợ Rẫy, cho biết, nhiều trường hợp, dinh dưỡng không phải yếu tố hỗ trợ mà trở thành công tác điều trị. Có bệnh nhân phẫu thuật vết thương không lành, bung chỉ, nhờ can thiệp dinh dưỡng đã giúp lành vết thương; bệnh nhân nằm hồi sức tích cực (ICU) không thể cai máy do suy dinh dưỡng nặng, sau khi bổ sung dinh dưỡng đã cai máy thành công.

“Thức ăn là thuốc, thuốc là thức ăn”, dinh dưỡng cho bệnh nhân tại BV chiếm vai trò quan trọng trong điều trị toàn diện cho bệnh nhân - là khẳng định của các chuyên gia dinh dưỡng. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng nếu bổ sung dinh dưỡng đầy đủ, hợp lý cho bệnh nhân điều trị nội trú sẽ giảm chi phí điều trị, rút ngắn thời gian nằm viện và giảm tỷ lệ tái nhập viện.

Theo PGS-TS-BS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế, chế độ ăn uống có liên quan mật thiết đến sức khỏe người bệnh. Những người bệnh đái tháo đường cần được quan tâm đặc biệt hơn về chế độ dinh dưỡng. Các văn bản quy phạm pháp luật về dinh dưỡng trong BV và 5 tiêu chí về dinh dưỡng trong Bộ tiêu chí chất lượng BV có từ lâu, nhưng vấn đề dinh dưỡng lâm sàng trong BV một số nơi còn thiếu và yếu.

THÀNH AN

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn//dinh-duong-cho-nguoi-benh-quan-trong-nhung-chua-duoc-coi-trong-827653.html