Dinh dưỡng tốt cho ngày nắng nóng

Các nhà khí tượng học trên khắp thế giới đã nhận định năm 2020 là năm nóng nhất trong lịch sử khí tượng. Đặc biệt trong những ngày nhiệt độ ngoài trời đạt ngưỡng hơn 40 độ C, cơ thể có thể rơi vào tình trạng mất nước, mất sức, mệt mỏi… chúng ta nên bổ sung thêm các loại thực phẩm, dinh dưỡng giúp cơ thể tăng sức đề kháng.

Việc đổ mồ hôi quá nhiều có thể khiến hàm lượng các chất dinh dưỡng trong cơ thể bị hao hụt, gây ra sụt giảm miễn dịch, nhất là ở người già và trẻ nhỏ. Vì vậy việc lựa chọn thực phẩm chuẩn ATTP, xây dựng chế độ dinh dưỡng thích hợp sẽ giúp tăng cường hệ miễn dịch cho chúng ta.

Trước tiên, điều quan trọng là nên uống nhiều nước. Thông thường mỗi người trung bình cần uống 1,5-2 lít nước/ngày. Nhưng khi trời nóng hoặc vận động thể thao thì lượng nước này cần tăng, bù lại lượng nước đã mất do ra mồ hôi. Chú ý với trẻ dưới 5 tuổi bởi trẻ mải chơi sẽ không biết mình khát và người cao tuổi thường ít có cảm giác khát. Đừng đợi khát rồi mới uống nước.

Vào ngày nắng to thì mọi người nên tránh làm việc và đi dưới ánh nắng mặt trời, ăn quá nhiều, uống rượu và các hoạt động thể lực nặng. Tốt nhất nên mặc những quần áo nhẹ bằng vải bông, vải lanh pha sợi tổng hợp…

Tập trung vào các nhóm thực phẩm giúp tăng cường sự đề kháng và giấc ngủ. Tiêu biểu như:

Thực phẩm giúp giữ nước: Mùa nóng nên việc sử dụng các thực phẩm giữ nước rất có lợi cho cơ thể. Theo các nhà nghiên cứu một số thực phẩm và thức uống có tác dụng giữ nước cho cơ thể, đối với trái cây và rau củ nhiều màu sắc nên đưa vào khẩu phần ăn trong mỗi bữa. Cung cấp vitamin C, carotene và muối khoáng bằng các loại trái cây và rau quả như dưa chuột, cà chua, rau diếp, đậu lăng… Ngoài ra, để không bị khô da, tránh được táo bón, cũng cần bổ sung vitamin A từ các loại quả, củ như đu đủ, cà rốt, khoai lang, bí đỏ, bắp vàng…

Nên lựa chọn rau củ đảm bảo ATTP để tăng dinh dưỡng cho cơ thể

Thực phẩm kích thích ăn ngon: Mùa hè do nóng bức, cơ thể háo nước gây ra tình trạng ăn không ngon miệng do đó đó cần chọn một số thực phẩm mát, bữa cơm cần có món canh ngon, nước rau kích thích việc yêu thích ăn uống. Các loại rau mát và nhiều vitamin như mồng tơi, rau dền, rau đay… cần được các bà nội trợ lựa chọn bởi chúng có tác dụng kích thích cảm giác ngon miệng. Bên cạnh đó, thực phẩm chứa nhiều kẽm cũng có tác dụng kích thích sự ngon miệng. Một số thực phẩm mùa hè có chứa kẽm nên bổ sung như đậu Hà Lan, đậu nành, thịt nạc, sò, tôm, cua…

Các thực phẩm chứa nhiều vitamin C và canxi rất tốt cho sức khỏe, tăng sức đề kháng cho cơ thể trong ngày nắng nóng

Thực phẩm giúp ngăn mồ hôi: Các chuyên gia khuyên mùa nóng nên uống đủ 8 ly nước mỗi ngày, thậm chí hơn khuyến cáo nếu cơ thể cần. Có thể uống các loại nước thảo mộc như nụ vối, trà xanh, đậu xanh, đậu đen nước chanh, cam, mơ... thêm chút muối để hạn chế tăng tiết mồ hôi giúp cơ thể không mất nước.

Ngoài ra, nên bổ sung thêm sữa chua, trong đó có chứa các men vi sinh có lợi cho sức khỏe đường ruột. Thực phẩm này không chỉ cải thiện khả năng tiêu hóa và thúc đẩy quá trình trao đổi chất mà còn hương vị thơm ngon và mát lạnh. Sữa chua chứa một lượng protein đáng kể. Nếu bạn cảm thấy khó tiêu, đầy hơi khi bổ sung protein từ động vật, có thể bổ sung nguồn đạm từ thực phẩm này. Thêm vào đó, nên sử dụng kết hợp thực phẩm này với các loại trái cây để bổ sung dinh dưỡng cho cơ thể. Các món ăn chế biến từ sữa chua còn có tác dụng hạ nhiệt khi trời nắng nóng.

Sữa chua có thể giúp cơ thể hạ nhiệt

Bên cạnh việc bổ sung đạm từ sữa, bạn có thể sử dụng trứng để cung cấp hàm lượng đạm mà cơ thể cần. Song cũng cần chú ý quá trình chế biến thực phẩm này. Nên luộc trứng để giảm lượng axit béo no trong chế độ ăn. Axit béo no chính là nguyên nhân khiến bạn gặp phải tình trạng đầy hơi và khó chịu.

Sức đề kháng đóng vai trò rất quan trọng đối với sức khỏe con người. Nó chính là “vũ khí” giúp kháng lại các virus, tác nhân gây bệnh. Khi sức đề kháng yếu, hệ thống miễn dịch của cơ thể trở nên rệu rã, mệt mỏi, làm tăng nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm. Do vậy, ngoài việc tăng cường hệ miễn dịch, một số việc bạn cần tránh như:

Hạn chế ra ngoài: Khi thời tiết nóng bức, không nên ra ngoài đường khi không có việc. Khi buộc phải ra ngoài đường thì cần bảo vệ da trước ánh nắng mặt trời.

Tránh làm việc quá tải: Làm việc quá tải khiến cho cơ thể mệt mỏi - đây chính là cơ hội để bệnh tật tấn công bạn.

Không sử dụng các loại thực phẩm: Cay nóng (việc ăn thực phẩm cay nóng vào thời điểm nắng nóng sẽ làm tăng thân nhiệt và khiến quá trình mất nước diễn ra nhanh hơn. Điều này có thể khiến bạn cảm thấy mệt mỏi và uể oải hơn bình thường), caffeine (caffeine có khả năng hút nước nên bạn sẽ thường xuyên cảm thấy khát nước), kem (nhiệt độ lạnh từ kem có thể đem lại cảm giác dễ chịu. Tuy nhiên khi kem được hấp thu, cơ thể phải hoạt động để điều hòa trở lại. Hoạt động này vô tình khiến nhiệt độ của cơ thể tăng lên đáng kể)…

Hạn chế các loại thức ăn nhanh, đồ chiên rán, nhiều chất béo như gà rán, khoai tây chiên, thịt mỡ, xúc xích, đồ hộp, lạp xưởng... vì vừa khó tiêu, vừa nhiều năng lượng đòi hỏi phải cung cấp nhiều nước hơn để chuyển hóa.

Xuân Thanh

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/dinh-duong-tot-cho-ngay-nang-nong-198648.html