Định giá cho vay: Cứ tài sản thế chấp cho chắc

Trên thế giới, các NH cung cấp tín dụng dựa trên đánh giá dòng tiền trong tương lai của khách hàng thay vì nhìn vào tài sản thế chấp. Tại Việt Nam, NHNN cũng khuyến khích NH khơi thông kênh dẫn vốn này để hỗ trợ vốn cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), tuy nhiên số lượng TCTD tham gia vẫn còn hạn chế.

Cửa hẹp cho DN nhỏ

Vay tín chấp để phục vụ nhu cầu tiêu dùng đang ngày càng trở nên quen thuộc đối với khách hàng cá nhân, được áp dụng với nhiều hình thức như vay theo lương chuyển khoản, vay theo lương tiền mặt, vay tín chấp theo thẻ tín dụng, vay tín chấp theo hóa đơn tiền điện… Từ hạn mức vài chục triệu đồng, hiện các NH cũng đã nâng hạn mức cho vay tiêu dùng tín chấp lên hàng trăm triệu đồng. Thí dụ, VIB cho vay thấu chi lên tới 300 triệu đồng; MB cho vay không yêu cầu thu nhập lên tới 500 triệu đồng; MaritimeBank cho vay 24 lần lương hoặc 500 triệu đồng; LienVietPostBank cho vay với mức tối đa 1 tỷ đồng; BaoVietBank cho vay tín chấp lên tới 200 triệu đồng đối với nhân viên, chuyên viên và 500 triệu đồng đối với cấp quản lý… Lãi suất cho vay tín chấp của các NH này cũng cạnh tranh hơn so với các công ty tài chính, phổ biến khoảng từ 11,5-13,78%/năm tính theo dư nợ cố định và khoảng 18-22%/năm tính theo dư nợ giảm dần.

Mặc dù loại hình vay tín chấp của các NH khá cởi mở với phân khúc khách hàng cá nhân, nhưng với khối khách hàng DN, vay tín chấp chỉ mới bắt đầu. Tháng 7-2014, NHNN ban hành văn bản chỉ đạo các TCTD thực hiện một số giải pháp nhằm thực hiện Chỉ thị 11 của Thủ tướng để giải quyết khó khăn cho DN, trong đó có yêu cầu xây dựng hệ thống xếp hạng tín nhiệm DN để tăng cường khả năng cho vay không cần tài sản đảm bảo. Yêu cầu này được đưa ra trong thời điểm tín dụng 6 tháng đầu năm 2014 tăng trưởng khá chậm, chỉ đạt 3,52%, trong khi mục tiêu cả năm tới 12-14%, mặt bằng lãi suất cũng đã ở mức thấp, không gây cản trở cho việc tiếp cận vốn nhưng rất nhiều DN không tài sản thế chấp để vay vốn. Tuy nhiên, hoạt động vay tín chấp đối với DN cũng không nhiều tiến triển.

Để cải thiện tình hình, NHNN chỉ đạo các TCTD xây dựng quy trình thu thập khai thác thông tin về đánh giá tín nhiệm hoạt động của khách hàng từ các tổ chức hoạt động chính, kết hợp với hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ của TCTD, qua đó nâng cao hiệu quả thẩm định và đánh giá mức độ tín nhiệm của khách hàng vay. Đây là cơ sở để các NH có thể triển khai loại hình cho vay tín chấp. Song theo ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc NHNN chi nhánh TPHCM, các NHTM trên địa bàn TP đã bắt tay vào việc xếp hạng tín nhiệm DN để tăng cường hoạt động cho vay tín chấp, tuy nhiên hiện vẫn chưa có số liệu cụ thể. Đối với vay tín chấp, nhiều NH cũng thừa nhận khá ngần ngại vì rủi ro cao, NH phải trích lập dự phòng cao lại lo xảy ra nợ xấu.

Tư vấn cho khách hàng vay tín chấp tại VPBank. Ảnh: LONG THANH

Ít NH có sản phẩm tín chấp

Đến nay, số lượng các NH đưa ra sản phẩm đáp ứng nhu cầu cho vay tín chấp cho DNNVV rất ít. Trong lĩnh vực này, Maritimebank được xem là NH tiên phong. Năm 2013 đã đưa ra các phương án tín chấp đa dạng cho những DN có doanh thu tối thiểu 20 tỷ đồng mỗi năm (dựa trên báo cáo thuế), đến nay Maritimebank đã mở rộng đối tượng, tăng hạn mức cho vay tín chấp đối với các DNNVV lên 4 tỷ đồng, giải ngân trong khoảng 2-5 ngày làm việc.

Tuy nhiên, khi nhắc đến vay tín chấp, NH được nhắc đến nhiều nhất lại là VPBank. Bắt đầu thí điểm dòng sản phẩm cho vay tín chấp DN vào năm 2014 và chính thức triển khai vào đầu năm 2015, nhưng VPBank được biết đến nhiều hơn khi đưa ra gói tín dụng thông minh, kết hợp mô hình giữa tín chấp và thế chấp bằng việc chấp nhận đa dạng các loại tài sản bảo đảm như hàng hóa, quyền đòi nợ. Hiện NH này đang thực hiện cho vay không tài sản đảm bảo và thẻ tín chấp dành cho DN chế biến gỗ và các sản phẩm từ gỗ, dệt may, da, giày, sản xuất hàng tiêu dùng, thiết bị điện, điện tử và sản phẩm quang học… với hạn mức tín dụng tối đa lên tới 5 tỷ đồng trong 36 tháng chỉ sau 24 giờ làm việc và hạn mức cấp tín dụng thẻ tín chấp 2 tỷ đồng, không yêu cầu doanh thu tối thiểu.

Trong khi đó, các NH khác vẫn chưa tỏ ý muốn tham gia cho vay tín chấp đối với DNNVV. Lãnh đạo một NHTMCP cho biết, trên thế giới cho vay tín chấp là một thông lệ và chiếm đến 80% các khoản vay của DN, nhưng ở Việt Nam ngược lại. Trong quá trình xét duyệt cho vay, tài sản đảm bảo là yếu tố xem xét cuối cùng tại các NH nước ngoài, nhưng tại các NH Việt Nam tài sản đảm bảo là yếu tố quan trọng hàng đầu để NH đưa ra quyết định. Điều này xuất phát từ việc các DN, nhất là DNNVV, thiếu minh bạch về tài chính, không có báo cáo kiểm toán rõ ràng, dự án mơ hồ nên NH không thể cấp tín dụng dựa trên phương thức đánh giá dòng tiền trong tương lai.

Các NH đều có bảng xếp hạng tín dụng nội bộ, định hạng A, B, C mỗi khách hàng và có chính sách kèm theo cho mỗi hạng. Tuy nhiên, điều nghịch lý là dù có DN thuộc hạng có thể vay tín chấp, nhưng NH thường chỉ mạnh dạn cho vay các DN nằm trong nhóm phải có tài sản thế chấp. Muốn NH thay đổi phương thức cho vay, DN cần phải tạo được uy tín, tiến tới minh bạch; đồng thời, cần phải có một bảng xếp hạng tín dụng đáng tin cậy áp dụng chung cho toàn hệ thống để NH dựa vào đó xem xét.

ĐỖ LINH

Nguồn SGĐT: http://www.saigondautu.com.vn/pages/20161029/cu-tai-san-the-chap-cho-chac.aspx