Định hình các hoạt động trong khu vực, quốc tế

Bức tranh kinh tế - xã hội năm 2019 đã đạt được nhiều kết quả khởi sắc với tốc độ tăng trưởng đạt 7,02%. Dẫu tăng trưởng cao nhưng nền kinh tế đang đối mặt nhiều thách thức như: thực trạng doanh nghiệp còn yếu, kém hiệu quả; chất lượng tăng trưởng chưa tương xứng với tốc độ tăng trưởng; năng suất lao động của Việt Nam hiện vẫn rất thấp so với các nước trong khu vực.

Đáng chú ý theo dự báo của nhiều chuyên gia kinh tế, trong năm 2020 kinh tế thế giới sẽ gặp nhiều khó khăn, qua đó sẽ tác động lớn tới tăng trưởng của kinh tế Việt Nam vốn có độ mở lớn. Vậy cần lưu tâm tới những nhóm giải pháp nào để đạt mục tiêu tăng trưởng trong năm 2020, trao đổi với Đại Đoàn Kết, PGS. TS Đinh Trọng Thịnh, Học viện Tài chính cho rằng, phải tạo môi trường phát triển công bằng, minh bạch giữa các khu vực kinh tế, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và nền kinh tế.

 Ông Đinh Trọng Thịnh.

Ông Đinh Trọng Thịnh.

PV: Thưa ông, từ kết quả tăng trưởng đạt được trong năm 2019 đã tạo tiền đề cho năm 2020. Tuy nhiên không phải vì thế mà không có những khó khăn, lực cản. Theo ông chúng ta sẽ phải đối mặt với những thách thức nào trong năm 2020 khi đây là năm cuối của giai đoạn 2016-2020?

Ông Đinh Trọng Thịnh: Trong năm 2020 theo dự đoán của Quỹ tiền tệ quốc tế IMF, Ngân hàng thế giới World Bank và nhiều nhà kinh tế, nền kinh tế thế giới sẽ gặp nhiều khó khăn, tăng trưởng kinh tế toàn cầu có xu hướng chậm lại, giao thương hàng hóa, dịch vụ có thể sụt giảm. Quốc hội đã thông qua 12 chỉ tiêu cơ bản cho năm 2020, trong đó tổng sản phẩm trong nước GDP tăng khoảng 6,8%; Tốc độ tăng giá bình quân CPI dưới 4%; Tổng kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 7%; Tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu dưới 3%; Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 33-34% GDP. Dựa trên dự báo tình hình biến động của nền kinh tế thế giới, sự biến động của thị trường tài chính tiền tệ thế giới, và các điều kiện của nền kinh tế Việt Nam tôi cho rằng đây được xem là những chỉ tiêu tương đối cao, khá thách thức của nền kinh tế trong bối cảnh kinh tế toàn cầu và nền kinh tế trong nước đang đối mặt với nhiều khó khăn, rủi ro lớn. Tuy nhiên với sự quyết tâm nỗ lực của mọi người dân, sự chỉ đạo kiên quyết của Chính phủ và những bài học kinh nghiệm trong những năm gần đây có thể tin tưởng rằng các chỉ tiêu này sẽ được hoàn thành và hoàn thành vượt mức trong năm 2020.

Cần theo dõi sát tình hình biến động của nền kinh tế thế giới và thị trường tài chính, tiền tệ. Chủ động, tích cực quản lý và điều chỉnh tỷ giá hối đoái linh hoạt, phù hợp với sự phát triển của nền kinh tế, từng bước ổn định và nâng cao giá trị đồng Việt Nam.

Để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thời gian qua Chính phủ đã tăng cường, chỉ đạo cắt giảm các thủ tục hành chính, gỡ rào cản để tạo động lực cho doanh nghiệp phát triển. Mặc dù đã cắt giảm nhiều thủ tục và điều kiện kinh doanh song tại buổi làm việc với lãnh đạo Chính phủ, phía doanh nghiệp vẫn còn than phiền. Cá nhân ông nghĩ gì về vấn đề này?

- Thủ tục hành chính là vấn đề cần được quan tâm, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tích cực thực hiện chuyển đổi số đồng bộ trong các hoạt động quản lý Nhà nước. Chúng ta cần tiếp tục hoàn thiện môi trường đầu tư, sản xuất kinh doanh, giảm tới mức tối đa các chi phí chính thức và phi chính thức trong đăng ký hoạt động kinh doanh, các hoạt động tiếp cận thị trường. Đặc biệt lưu ý phải tạo môi trường phát triển công bằng, minh bạch giữa các khu vực kinh tế, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và nền kinh tế, thực hiện Chính phủ điện tử, và chế độ một cửa.

Kinh tế tư nhân được coi là động lực tăng trưởng của nền kinh tế nhưng có ý kiến cho rằng vẫn còn nhiều rào cản và sự đối xử chưa hợp lý để khu vực này được phát triển bình đẳng. Vậy cần lưu tâm tới vấn đề gì để tiếp tục tạo điều kiện cho kinh tế tư nhân, thưa ông?

- Tôi xin nhấn mạnh rằng trong năm 2019, kinh tế tư nhân đã thực sự trở thành một động lực tăng trưởng của nền kinh tế. Với sự quan tâm của Chính phủ và các cơ quan hữu quan, khu vực kinh tế tư nhân đã ngày càng được đối xử bình đẳng, được tạo môi trường kinh doanh năng động và có đóng góp ngày càng lớn trong GDP. Phát triển kinh tế tư nhân được coi như một động lực mới giúp thúc đẩy tăng trưởng và phát triển bền vững nền kinh tế trong giai đoạn tăng tốc của nền kinh tế để vượt qua bẫy thu nhập trung bình. Khu vực kinh tế tư nhân đã có sự tăng trưởng bứt phá trên nhiều lĩnh vực, đóng góp khoảng 33% tổng nguồn vốn đầu tư toàn xã hội, tạo ra trên 42% GDP của đất nước tuy nhiên vẫn còn nhiều rào cản. Cho nên trong năm 2020 cần tập trung vào các doanh nghiệp tư nhân lớn để kích họ lên thành những “đầu tàu” để dẫn dắt, kết nối các doanh nghiệp vừa và nhỏ hình thành mạng lưới, dây chuyền sản xuất kinh doanh.

Từ các doanh nghiệp đầu tàu này, các doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ có động lực để tạo ra sản phẩm đạt chất lượng, đủ tiêu chuẩn quốc tế, đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Các doanh nghiệp cần tích cực, chủ động nâng cao năng lực cạnh tranh, đổi mới máy móc thiết bị và dây chuyền công nghệ, tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa. Đồng thời, các doanh nghiệp cần đẩy mạnh liên kết để tạo ra chuỗi sản xuất, chuỗi giá trị nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm, đáp ứng các đòi hỏi của các đối tác trong các FTA để được hưởng các ưu đãi do các hiệp định này đem lại.Việc xem xét, thích ứng và tận dụng các cơ hội để tăng trưởng theo các cam kết của các FTA cần được các doanh nghiệp, các ngành nghề của nền kinh tế Việt Nam quan tâm nhiều hơn nữa.

Vậy theo ông trong năm 2020 chúng ta cần lưu ý đến những giải pháp nào để đạt mục tiêu đề ra?

- Để đạt được các chỉ tiêu đã được đề ra, tôi cho rằng trong năm 2020 cần tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, tạo nền tảng cho phát triển nhanh và bền vững. Đẩy mạnh cải cách cơ cấu nền kinh tế thực chất hơn, đẩy nhanh quá trình chuyển đổi mô hình tăng trưởng dựa vào ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nâng cao năng suất lao động và hiệu quả quản lý, khai thác, sử dụng và phát huy các nguồn lực của nền kinh tế. Cần phải coi việc ứng dụng công nghệ mới, công nghệ cao vào sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng suất và chất lượng lao động là động lực chính để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong năm 2020 để tạo bàn đạp cho việc đẩy mạnh thực hiện đổi mới, sáng tạo và chuyển đổi mô hình sản xuất kinh doanh của nền kinh tế cho cả giai đoạn 2020 -2030.

Với khả năng tăng trưởng ngoại thương toàn cầu có xu hướng giảm sút, trong điều kiện một số quốc gia nâng cao hàng rào bảo hộ thuế quan và phi thuế quan, cần đẩy mạnh đa dạng hóa thị trường xuất khẩu nhằm tránh các cú sốc có thể xảy ra khi có sự thay đổi chính sách xuất nhập khẩu, thay đổi chính sách thuế quan và phi thuế quan ở các thị trường mục tiêu. Trong điều kiện một số quốc gia nâng cao hàng rào bảo hộ thuế quan và phi thuế quan, các doanh nghiệp trong nước cần nâng cao ý thức tự bảo vệ. Đồng thời tích cực đấu tranh chống hiện tượng hàng giả, hàng nhái, hàng gian lận thương mại, hàng đội lốt thương hiệu, giả mạo xuất xứ Việt Nam để xuất khẩu vào các quốc gia đã ký kết các Hiệp định tự do thương mại hoặc đã dành cho hàng Việt Nam các ưu đãi. Bên cạnh đó, một điểm lưu ý nữa là cần tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động giá cả, thị trường, đảm bảo ổn định mặt bằng giá cả, cơ cấu lại thu chi ngân sách Nhà nước, giảm tới mức thấp nhất thâm hụt ngân sách. Đẩy mạnh cải cách chính sách thuế, tái cấu trúc và tăng cường hiệu quả chi tiêu công, tích cực giảm thiểu thâm hụt ngân sách Nhà nước, giảm bền vững tỷ trọng nợ công và nợ nước ngoài trên GDP.

Trân trọng cảm ơn ông!

H.Vũ (thực hiện)

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/kinh-te/dinh-hinh-cac-hoat-dong-trong-khu-vuc-quoc-te-tintuc457249