Định hình chính quyền điện tử

Từ khi điều chỉnh địa giới hành chính đến nay, một trong những đột phá lớn nhất trong công tác cải cách hành chính của TP Hà Nội là quyết liệt chỉ đạo hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), tạo thay đổi mạnh mẽ trong nhận thức của không chỉ cán bộ, công chức (CBCC) mà cả người dân về việc ứng dụng CNTT vào giải quyết TTHC.

Điểm sáng ứng dụng CNTT
Nhớ lại năm 2007, toàn TP mới có 50% CBCC có máy tính, trên 60% cơ quan Nhà nước kết nối mạng LAN, internet; 84% cơ quan có cán bộ chuyên trách CNTT, 85% CBCC biết sử dụng máy tính, 80% sử dụng thư điện tử; 30/43 sở, ngành, quận, huyện sử dụng phần mềm quản lý văn bản; mạng diện rộng của TP kết nối chưa tới 60% sở, ngành, quận, huyện, xã, phường... Đặc biệt, tỉnh Hà Tây (cũ) có nhiều huyện gần như "trắng" về cơ sở hạ tầng, ứng dụng, nguồn nhân lực CNTT.

Người dân làm thủ tục qua hệ thống điện tử tại UBND quận Hoàn Kiếm. Ảnh: Phạm Hùng

Trong bối cảnh đó, ngay sau hợp nhất, TP đã quyết liệt chỉ đạo, xây dựng và triển khai nhiều chương trình ứng dụng CNTT trên toàn địa bàn. Nhờ cố gắng không ngừng, đến nay, mạng diện rộng TP đã kết nối tới 100% sở, ngành, quận, huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn; 100% sở, ngành, UBND cấp huyện có máy chủ quản trị mạng. 100% sở, ngành, UBND cấp huyện, xã có mạng LAN, internet kết nối tới mọi phòng, ban và đã sử dụng phần mềm quản lý văn bản, hồ sơ công việc, phần mềm một cửa điện tử; thiết lập hệ thống thư điện tử công vụ cho 100% CBCC để trao đổi công việc… Việc giải quyết hồ sơ hành chính nhiều lĩnh vực như xây dựng, quy hoạch, đăng ký kinh doanh luôn được quan tâm cải tiến. Điển hình tại Sở KH&ĐT, sau khi khai thông tin qua mạng, DN chỉ cần mang hồ sơ gốc tới bộ phận một cửa (BPMC) đối chiếu là nhận được giấy đăng ký thành lập DN. Thuận tiện này đã khuyến khích nhiều DN đăng ký qua mạng, đến nay đạt trên 30%.

"Vượt qua nhiều khó khăn ban đầu, hiện, hạ tầng cho DVCTT mức độ 3 ở nhiều huyện, xã đã “chạy” tốt, giúp giải quyết TTHC nhanh gọn. Ngay tại 20 xã, thị trấn của Hoài Đức, tại BPMC đều bố trí một máy tính cùng công chức hoặc thanh niên trực phía ngoài để hướng dẫn người dân." - Phó trưởng Phòng VHTT huyện Hoài Đức Nguyễn Viết Thanh

Theo đánh giá của Bộ Nội vụ, hiện, Hà Nội trở thành điểm sáng của cả nước trong đầu tư mạnh cho hạ tầng kỹ thuật, ứng dụng CNTT, với mục tiêu đến 2020 đạt 100% TTHC thực hiện ở mức 3 và 4, hướng tới xây dựng TP thông minh. Hàng năm, TP triển khai các kế hoạch ứng dụng CNTT đúng lộ trình, chuẩn hóa, với nhiều chỉ tiêu cao hơn Chính phủ giao; thường xuyên đôn đốc đẩy nhanh tiến độ với những chỉ tiêu chưa đạt. Nhờ những bước tiến mạnh mẽ trong ứng dụng CNTT, nền tảng chính quyền điện tử tại TP đã cơ bản hình thành.

Dần quen với

dịch vụ công trực tuyến

Cùng với đẩy mạnh ứng dụng CNTT vào giải quyết công việc của cơ quan, một kết quả nổi bật nhất của TP trong ứng dụng CNTT vào CCHC là đã triển khai thành công dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) tới tận cấp xã để đẩy nhanh giải quyết TTHC cho người dân. Nếu 2007, toàn TP mới có 13 DVCTT mức độ 3 thì nay đã có 337 DVCTT mức 3 và 169 DVCTT mức 4.

Tại BPMC xã Quảng Phú Cầu (Ứng Hòa), sau khi nhận đăng ký khai sinh cho cháu, bà Phạm Thị Hoan phấn khởi: “Tôi nhờ người hướng dẫn cách làm khai sinh trên máy tính. Chỉ 2 hôm sau, tôi đã nhận được cả giấy khai sinh, đăng ký thường trú, thẻ BHYT cho cháu mà không cần ra UBND xã”. Đây chỉ là một trong rất nhiều trường hợp người dân hài lòng về hiệu quả DVCTT cũng như cơ chế một cửa liên thông. Theo Phó Chủ tịch UBND thị trấn Trạm Trôi (Hoài Đức) Bùi Thế Gia, trước đây, việc giải quyết TTHC đều làm thủ công nhưng sau khi được trang bị máy tính, đường truyền, UBND thị trấn đã cử CBCC theo các lớp tập huấn DVCTT do TP, huyện tổ chức; hiện đã thao tác thành thạo, bảo đảm giải quyết TTHC luôn đúng, trước hạn.

Đặc biệt, nhiều đơn vị còn sáng tạo những hình thức tuyên truyền, hỗ trợ người dân dễ dàng tiếp cận loại hình mới này. Nếu quận Thanh Xuân, Long Biên, Hà Đông, Hai Bà Trưng… bố trí điểm thực hiện DVCTT đến tận địa bàn dân cư thì huyện Chương Mỹ lại tiên phong thành lập CLB tin học cựu chiến binh - người cao tuổi. Nhiều quận, huyện khác đẩy mạnh tuyên truyền DVCTT tại cuộc họp thôn, tổ dân phố; phát tờ rơi… TP đưa vào hoạt động hơn 600 DVCTT và theo kế hoạch năm nay sẽ hoàn thành 65% TTHC thực hiện DVCTT mức 3 và 4. Ông Vũ Văn Mười - công chức BPMC thị trấn Trâu Quỳ (Gia Lâm) chia sẻ: “Khi thị trấn mới triển khai DVCTT, người dân thấy phải thao tác trên điện thoại, máy tính rất ngại. Nhưng sau khi được hướng dẫn trực tiếp, phát tờ rơi, thông báo trên loa, tuyên truyền tại nhà văn hóa dân cư…, khá nhiều người đã biết tự nộp qua mạng, nhất là với thủ tục đăng ký kết hôn”.

Linh Chi

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/dinh-hinh-chinh-quyen-dien-tu-321431.html