Định hình một chiến lược mới

Bộ Ngoại giao Mỹ mới đây đã khẳng định cách tiếp cận của Washington đối với khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tập trung vào ba lĩnh vực chủ chốt: Kinh tế, quản trị và an ninh.

Tuyên bố về ba trụ cột của chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương cũng chính là khẳng định cách tiếp cận của Mỹ đối với khu vực có vai trò địa-chính trị ngày càng quan trọng đối với Washington, thậm chí được đặt trên cả châu Âu và Trung Đông. Khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương được đánh giá có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với an ninh và thương mại thế giới trong thế kỷ 21 bởi nhiều lý do, trong đó đặc biệt là kinh tế, quân sự và chính trị quốc tế.

Phó tổng thống Mỹ Mike Pence tại APEC ở Papua New Guinea ngày 17-11. Ảnh: AFP.

Không phải ngẫu nhiên, kinh tế là trụ cột đầu tiên trong số ba trụ cột của chiến lược mà Mỹ đang thúc đẩy, nhằm tái khẳng định vai trò và sự hiện diện ở khu vực đang ngày càng có sự cạnh tranh quyết liệt giữa các cường quốc. Trong trụ cột kinh tế, theo Bộ Ngoại giao Mỹ, để tăng cường thịnh vượng chung, Mỹ đang tiến hành cách tiếp cận có sự tham gia của toàn bộ các chính phủ, nhằm thúc đẩy thương mại công bằng và có đi có lại; tăng cường hợp tác về kinh tế và thương mại cùng với tuân thủ các tiêu chuẩn cao nhất, tôn trọng chủ quyền và quyền tự quyết của nước sở tại, cũng như huy động đầu tư khu vực tư nhân cho khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Với cách tiếp cận khá thực dụng đó, Mỹ đang phát huy vai trò dẫn dắt dựa vào sức mạnh của chính nền kinh tế Mỹ. Phó tổng thống Mỹ Michael R. Pence thậm chí còn tuyên bố sự năng động của kinh tế Mỹ là nguồn động lực cho sự thịnh vượng tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và trên toàn thế giới. Thực tế là hiện không có nước nào vượt mặt được Mỹ về mức đầu tư trực tiếp nước ngoài tại khu vực (940 tỷ USD). Ngoài ra, Chính phủ Mỹ cũng đang cung cấp một khoản hỗ trợ trị giá hơn 1,8 tỷ USD cho khu vực trong năm 2018.

Cho dù cách tiếp cận này có vẻ không giống với “phong cách” của Tổng thống Donald Trump vốn giương cao khẩu hiệu “nước Mỹ trên hết”, nhưng vẫn phải thừa nhận việc nhắm vào lĩnh vực kinh tế để thúc đẩy chiến lược là một lựa chọn mang tầm nhìn chiến lược. Phát biểu tại Diễn đàn An ninh quốc tế Halifax vừa diễn ra ở Canada, Tư lệnh Bộ tư lệnh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Mỹ, Đô đốc Philip Davidson cho biết, Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương là nơi có 10 trong 20 nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới, chiếm hơn một phần ba GDP toàn cầu. Đến năm 2050, Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương dự kiến chiếm hơn 55% GDP toàn cầu, phần lớn là do tầng lớp trung lưu gia tăng. Điều quan trọng là phần lớn tầng lớp trung lưu đó sẽ cư trú ở khu vực này, đồng nghĩa với sức mua vô địch.

Theo Đô đốc Philip Davidson, trong suốt phần còn lại của thế kỷ 21, Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương sẽ là động cơ thúc đẩy phát triển kinh tế toàn cầu. “Việc này nằm trong lợi ích của tất cả chúng ta, trong đó, cộng đồng quốc tế đóng một vai trò tích cực trong việc bảo vệ trật tự quốc tế trên cơ sở các quy định”, Đô đốc Philip Davidson nhấn mạnh.

Với tầm nhìn đó, rõ ràng việc Mỹ thúc đẩy chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương với kinh tế là trụ cột hàng đầu, sẽ góp phần khẳng định chiến lược hướng tới mục tiêu thúc đẩy hòa bình và hợp tác ở khu vực, phù hợp với xu thế chung hiện nay của thế giới. Điều đó có thể khiến cho chiến lược trở nên hấp dẫn hơn đối với các nước trong khu vực trước thực tế chiến lược mà Mỹ đang theo đuổi sẽ không thể thành công nếu không có sự ủng hộ của các nước đồng minh và đối tác ở đây. Các nước trong khu vực, dù ở mức độ như thế nào, cũng sẽ đóng một vai trò nhất định trong việc vận hành chiến lược.

Hơn nữa, đây có thể coi là sự bù đắp quan trọng cho việc Mỹ rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), tiền thân của Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Cần phải biết rằng, khu vực ASEAN-nơi có nền kinh tế năng động và tăng trưởng nhanh hàng đầu thế giới, được cho là đóng vai trò trung tâm trong chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Phương châm “Nước Mỹ trên hết” đã khiến nước Mỹ không còn là đối tác tin cậy của nhiều quốc gia trên thế giới, kể cả các đồng minh, khi nước này liên tục rút khỏi các hiệp ước hay cam kết quốc tế thời gian gần đây. Vì vậy, sẽ không dễ dàng đối với Mỹ để có thể thu hút sự quan tâm hay loại bỏ tâm lý hoài nghi, thận trọng của các nước khu vực đối với chiến lược mới này. Cách tốt nhất là ngay từ giai đoạn hình thành và hiện thực hóa chiến lược này, Mỹ cần phải tạo cơ hội cho các nước trong khu vực hiểu đúng và thấy chiến lược phù hợp với lợi ích quốc gia của họ.

Điều đáng nói là tuyên bố về ba trụ cột được đưa ra vào thời điểm Phó tổng thống Mỹ có chuyến công du châu Á vào tuần trước để tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN ở Singapore và Hội nghị APEC tại Papua New Guinea. Chuyến đi này được cho là nhằm tái khẳng định vai trò của Mỹ với các đối tác trong chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump mở đầu bài phát biểu của mình tại Hội nghị APEC tổ chức tại Đà Nẵng một năm về trước, bày tỏ niềm vinh hạnh được “hiện diện tại Việt Nam-trái tim của khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương”, thì chiến lược này mới thực sự gây nhiều chú ý. Khi đó, ông Donald Trump đã nêu tầm nhìn của nước Mỹ về một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở, trong đó mọi quốc gia đều có chủ quyền, mạnh mẽ và thịnh vượng.

Đây có thể coi là lần đầu tiên Mỹ công bố nội hàm của chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, vốn đang nổi lên là một tầm nhìn chiến lược mới ở khu vực. Trước đây, thuật ngữ Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đã từng được đề cập vài lần bởi một số nước trong khu vực, nhưng đó chỉ được xem như một ý tưởng đang hình thành. Và chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương khi đó vẫn chỉ được coi là một tầm nhìn, chứ chưa phải là một chiến lược cụ thể với các mục tiêu và biện pháp thực hiện cụ thể.

Có thể nói, ba trụ cột kinh tế, quản trị và an ninh mà Mỹ mới công bố góp phần định hình một chiến lược mới ở khu vực vốn chưa có gì là rõ ràng trước đó. Chiến lược này nhiều khả năng vẫn là một điểm cốt lõi trong chính sách an ninh khu vực của Mỹ trong những năm tới do xu hướng tiếp tục tăng cường cạnh tranh chiến lược của Mỹ và các cường quốc trong khu vực.

MỸ HẠNH

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/doi-song-quoc-te/dinh-hinh-mot-chien-luoc-moi-555369