Định hình một giọng thơ nữ tính

Tập thơ Tơ trời (NXB Hội Nhà văn, 2019) của nữ thi sĩ Huệ Thi ra đời như một vệt sao băng lạ, lấp lánh nên những suy tưởng và giá trị.

Thơ ca là địa hạt kén chọn về mặt giới tính. Nữ giới ít thành công hơn trong thơ so với nam giới. Ta có thể chứng minh cho luận điểm ấy bằng cách xem xét phong trào Thơ mới nói chung, trào lưu thơ ca cách mạng 1945-1975, cho đến các tổ chức văn học hẹp hơn như nhóm Sáng tạo, nhóm Xuân thu nhã tập… thì số lượng các nhà thơ nam giới luôn áp đảo. Tuy vậy, một số nhà thơ nữ nổi lên được trên thi đàn thì tác phẩm của họ đã nhanh chóng tạo ra một thứ bản sắc riêng, đầy rung động nội tâm và tinh tế trong ngôn ngữ. Chúng ta có thể đơn cử những trường hợp như Xuân Quỳnh, Lâm Thị Mỹ Dạ, Đoàn Thị Lam Luyến, Phan Huyền Thư… trong nền văn học hiện đại. Phụ nữ làm thơ thời nay đã hiếm, nhưng phụ nữ đẹp làm thơ lại càng hiếm hơn, bởi một lẽ dĩ nhiên thơ không thể làm loại trang sức dễ dãi có thể mua được bằng tiền, thơ cũng không có sức hút ma lực với người đẹp như trang sức. Trang sức có thể mượn, thuê, hay thậm chí làm giả, nhưng thơ thì không, tất cả nhanh chóng được người đọc thẩm định và nhận diện dưới ánh mặt trời.

Thơ Huệ Thi trong Tơ trời vẫn tiếp tục hương thơ mà chị đã định hình phong cách trong các tập thơ trước, đó là sự nữ tính, giàu xúc cảm nội tâm nhưng cũng đầy mãnh liệt khát khao. Tập thơ là sự ngưng tụ của những trữ lượng tinh thần đã được nữ sĩ chưng cất tinh tế, mang đầy tính phát hiện thẩm mỹ: “Đêm qua, gọi khát canh tàn-Khóc cùng dĩ vãng, ăn mày nỗi đau” (Bạc tình). Thơ Huệ Thi không là thứ thơ thuần túy xúc cảm, vờn hoa tả cảnh, thương thân trách phận, mà ẩn chứa trong đó những thận phận, cảm thức chung của giới. Thông qua những hình tượng nghệ thuật và tứ thơ mới lạ, Huệ Thi đã trình hiện bản đồ tâm hồn của mình đầy ám ảnh: “Ta về vá lại niềm riêng-Chung chiêng mắt biếc đổ miền đơn côi-Vá lần-Vá lữa vành môi-Son tô chẳng dám sợ rời gối đêm-Ta về vá cả êm đềm-Mấy hôm người lỡ khóc mềm vai nhau” (Vá mảnh đời nhau).

Trong thơ Huệ Thi, ta cảm thấy sự tinh tế, nữ tính, dịu dàng của Xuân Quỳnh, một chút yếu đuối của Lâm Thị Mỹ Dạ. Thơ chị là thứ thơ điển hình cho nữ giới: “Nhớ khoảng trời rất xanh mây hôn nhau mỗi sáng-Nhớ vô hình vạn trạng-như lúc em cuộn tròn thỏ thẻ trong anh…” (Anh ở đâu?). “Chở che vai khuyết khăn lơi-Nhớ ôm thật siết nói lời yêu thương” (Anh về trả nốt yêu thương). Thế giới hình tượng trong thơ Huệ Thi vận dụng nhiều chất liệu thiên nhiên, như một vệt nối dài của thi ca lãng mạn: “Chơ vơ buộc nhớ vào không-Hồi mây trôi lạc miền thong dong nào” (Nhớ đau đau là); “Người về xua gió tan mây-Buộc dăm sợi tóc bạc ngày chờ mong-Rằng thương-rằng nhớ nát lòng-Thu rơi chạm giấc sợ đông chớm vào” (Nhớ đến xôn xao). Có những hình tượng thiên nhiên được sử dụng lặp lại trong thơ Huệ Thi, như những biểu tượng nghệ thuật như mây, thu, đông, trăng… Trong đó, hai biểu tượng mùa màng là đông và thu đặc biệt gây sự chú ý với bạn đọc. Nếu mùa thu là mùa của tình yêu, sự lãng mạn, đôi lứa, thì mùa đông là mùa của chia lìa, cô đơn, lạnh lẽo. Cảm thức sợ mùa đông cứ bám riết vào từng câu chữ của tập Tơ trời, như một mặc cảm giới tính. “Ta chắc nợ gì nhau-Mùa đuổi mùa qua phố-Đừng cợt đùa bão tố-Rối bùng mái tóc xanh-Mùa đông thật rồi anh-Nhanh hơn từng nỗi nhớ” (Sóng tình). Mùa màng vừa là không gian, vừa là thời gian, vừa mang những ý niệm về mỹ học, ở điểm này Huệ Thi đã xử lý rất tốt những chất liệu tưởng chừng như đã trở thành khô cứng, điển phạm.

Thơ Huệ Thi vận dụng mọi giác quan một cách tinh tế, khiến nhiều lúc có thể khiến bạn đọc giật mình vì những tứ thơ, ý thơ lạ: “Lá rơi tận tít bên đồi-Nghe chừng tiếng thở đứng ngồi xót xa” (Nghe chừng rất khẽ nhớ nhau). Tuy nhiên, những đặc trưng nghệ thuật trên vẫn chưa đủ làm nên diện mạo của thơ chị, hay nói cách khác, vẫn chưa thể hiện hơi thở của tính hiện đại trong thơ. Điểm gần gũi giữa Huệ Thi với những nhà thơ nữ quyền (hậu) hiện đại như Vi Thùy Linh, Phan Huyền Thư đó là sự biểu đạt đầy mạnh bạo những khát khao giới tính. Huệ Thi là một điểm vắt ngang giữa thơ tiền chiến và thơ (hậu) hiện đại. Thơ chị vừa đủ khát khao, nhưng không tạo ra những cú shock văn hóa. “Anh siết tràn thật khẽ-Nồng nàn lâu như thế-Ngày chẳng tàn anh ơi” (Đêm qua em nằm mơ); “Mang chiếc áo hôm xưa đẫm mùi thịt da anh gửi lại-Chần chừ sợ giặt nát nhàu, sợ phai ân ái” (Anh có về không? Em đợi).

Dẫu sao Huệ Thi cũng không phải là nhà thơ nữ quyền. Thơ chị vẫn mang khát vọng được người đàn ông ban phát yêu thương, chở che và trao cho ái ân. Huệ Thi trong sâu thẳm vẫn là người đàn bà làm thơ để ngợi ca tình yêu với người đàn ông của đời mình. Dẫu có thất bại hay thành công, đau khổ hay tuyệt vọng, tinh thần hay thể xác, thơ chị vẫn thấm đẫm cảm thức ấy. “Ước hóa khùng, ước nhớ nhớ quên quên-Chẳng muốn biết sớm mai có còn được sống-Cạn một ngày chắt chiu bằng tất thảy-Là yêu thương là dâng hiến tột cùng” (Đêm là đêm).

Huệ Thi vừa là người yêu thơ, làm thơ, và hẳn nhiên cũng là nàng thơ của biết bao thi sĩ hay những nam nhân đa tình yêu cái đẹp. Những vầng thơ của chị giản dị, mộc mạc nhưng đẹp lấp lánh như chính con người thi sĩ. Con người hẳn nhiên “nhân vô thập toàn”, thơ ca cũng vậy, nên có nhiều điều hạn chế trong thi phẩm này bạn đọc hẳn nhiên dễ dàng nhận ra, nhưng chúng ta cũng hẳn nhiên dễ dàng thể tất bỏ qua cho những giới hạn đó.

Tiến sĩ PHAN TUẤN ANH

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/van-hoc-nghe-thuat/dinh-hinh-mot-giong-tho-nu-tinh-568607