Định hướng 4.0, không thể tiếp cận 0.4

Tôi chủ yếu sử dụng giao thông công cộng để đi làm ở Anh nhưng đôi khi tôi cũng sử dụng taxi để đi làm hoặc đi gặp đồng nghiệp ở trường đại học cùng thành phố khi phương tiện công cộng bị lỡ chuyến hoặc hủy chuyến do kẹt xe buổi sáng. Lựa chọn của tôi thỉnh thoảng là Uber, đôi khi là một công ty taxi địa phương, tùy vào thời điểm và giá cả. Uber không giết chết công ty địa phương, nhưng từ khi có Uber, công ty taxi này cũng có phần mềm gọi taxi là Vcar, và vài ba hãng taxi địa phương ở thành phố Bristol đã hợp nhất dưới tên ứng dụng này để kiếm khách và cạnh tranh với Uber.

Cuộc cạnh tranh giữa Vinasun và Grab là cuộc cạnh tranh không công bằng khi mà Vinasun phải chịu nhiều ràng buộc của một hãng taxi truyền thống, còn Grab thì đang hưởng lợi từ việc Chính phủ đang lúng túng trong hành xử với nó. Ảnh: THÀNH HOA

Ít nhất là có thêm sự lựa chọn

Một lần đi Uber nói chuyện với tài xế, tôi biết anh bạn này đang học trường cao đẳng địa phương, với mục tiêu ra làm thợ điện. Nghề này ở Anh đang rất thiếu nhân lực và người ra trường có thể kiếm được trung bình từ 1.600-2.000 bảng/tuần, theo số liệu của Manpower. Tờ Daily Mail vào tháng 9 năm ngoái còn đưa ra con số 3.000 bảng/tuần, và theo phép “tính rợ” của tờ này thì như vậy thợ điện lương cả năm còn cao hơn thủ tướng (150.000 bảng/năm). Mức này cũng cao hơn mức bình quân của rất nhiều công việc văn phòng “có giá” ở xã hội Anh, bao gồm cả kế toán, luật sư, kỹ sư phần mềm và cũng không thấp hơn lương những giáo sư có tiếng tăm ở đại học.

Thế nhưng, chi phí học cũng không rẻ và để có tiền học cũng như đảm bảo cuộc sống, bạn ấy phải chạy Uber để kiếm tiền. Chạy Uber theo bạn ấy rất tiện, vì thời gian linh hoạt, cho phép vừa đi học vừa đi làm. Bạn ấy cho biết trước đây xin làm ở công ty taxi nhưng không được, hơn nữa thời gian không chủ động như lái Uber. Bạn ấy cũng đã từng làm một vài công việc khác để vừa học vừa làm, nhưng sau đó nghỉ vì thời gian đi làm không linh hoạt, hạn chế việc đi học. Theo bạn ấy, Uber đưa bạn ấy đến gần hơn với cơ hội trở thành thợ điện và có một cuộc sống sung túc hơn.

Chính phủ đã định hướng đi con đường 4.0 thì không nên để luật lệ hướng nền kinh tế theo chiều 0.4.

Câu chuyện trên cho thấy Uber đã tạo ra một công cụ kiếm sống cho những người muốn làm việc linh hoạt, tự chủ. Họ có thể tự nuôi thân và nuôi những ước mơ lớn hơn cho mình. Nó phá vỡ những rào cản không hợp thời đại do chính phủ và bản thân các công ty taxi tạo ra để hạn chế một thị trường cạnh tranh tốt hơn.

Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, nói chuyện với dân làm kinh doanh và khởi nghiệp, tôi cũng được chỉ ra những vấn đề của cái gọi là kinh tế chia sẻ của Uber hay Grab. Đó là tài xế lái xe cho Uber và Grab không hưởng được những bảo đảm về bảo hiểm xã hội cũng như những tranh chấp lao động. Đó còn là về sự an toàn của những chuyến xe Uber và Grab, về cả chất lượng xe và về cá nhân người lái xe.

Nó cũng giống như những khiếm khuyết của những mô hình kinh tế chia sẻ khác như mô hình thuê chỗ ở qua Airbnb so với thuê khách sạn. Bản thân tôi và một vài người quen cũng đã có những trải nghiệm không mấy tích cực với Airbnb nên tôi đồng cảm với những nhận định đó. Nhưng ít nhất, tôi có thêm một lựa chọn.

Mấu chốt là khả năng cạnh tranh

Vụ kiện ở Việt Nam của Vinasun với Grab mở ra một góc nhìn khác cho tôi. Đó là sự không công bằng trong cạnh tranh giữa Vinasun và Grab khi mà Vinasun phải chịu nhiều ràng buộc của một hãng taxi truyền thống, còn Grab thì đang hưởng lợi từ việc Chính phủ đang lúng túng trong hành xử với nó.

Ai đúng ai sai trong chuyện này và những vấn đề pháp lý liên quan tôi không dám bàn đến, vì nó nằm ngoài hiểu biết chuyên môn của tôi, hơn nữa nhiều chuyên gia cũng đã có ý kiến. Nhưng điều mà tôi rút ra từ vụ việc này là đây có thể không phải là vụ kiện cuối cùng giữa các doanh nghiệp truyền thống với các doanh nghiệp của nền kinh tế mới - nền kinh tế chia sẻ. Khách sạn truyền thống cũng va chạm với mô hình Airbnb, các nhà xuất bản truyền thống sẽ va chạm với mô hình cho mượn và trao đổi sách ngang hàng; ngân hàng sẽ va chạm với công ty cho vay ngang hàng và công ty thanh toán ngang hàng; báo in đối đầu với báo điện tử và mạng xã hội...

Các doanh nghiệp truyền thống có thể chọn kiện các công ty hoạt động theo mô hình mới, vì quả thật họ bị tổn thất khi mô hình mới ra đời, và họ phải gánh nhiều loại chi phí bất bình đẳng so với mô hình mới. Thế nhưng tình thế diễn ra trên thế giới có vẻ là mô hình mới sẽ thắng thế.

Trò chuyện với một bạn sinh viên cũ đang làm quỹ đầu tư cách đây vài tuần về tình hình thị trường việc làm, bạn nói đơn giản là khi mô hình cũ tăng trưởng chỉ có thể vài phần trăm, thì mô hình mới bắt đầu từ số 0, nên tăng trưởng của họ tính theo ngàn phần trăm. Công ty theo mô hình cũ đã có quy mô, khi vào đầu tư thì họ “làm giá”, “kênh kiệu”, đòi đầu tư nhiều tiền. Công ty mới rủi ro hơn nhưng bạn có nhiều không gian để giúp họ phát triển hơn. Là nhà quản lý quỹ mạo hiểm dù chỉ nắm vài chục triệu hay nắm cả chục tỉ đô thì họ cũng sẽ thích thú khi làm việc với các doanh nhân khởi nghiệp trẻ, thông minh, năng động hơn là làm nhà quản lý quỹ chỉ có thể bỏ tiền vào các công ty truyền thống và giỏi lắm thì ngồi trong hội đồng quản trị nhưng không làm gì được.

Chỉ nghe bao nhiêu đó thôi tôi cũng hiểu dòng tiền đầu tư vào các công ty mới sẽ không ngừng chảy. Khi có tiền, các công ty mới không ngại “va chạm” với các công ty truyền thống. Về lâu dài, họ có nhiều cơ hội thắng vì họ bắt đầu từ số 0, tăng trưởng nhanh và sẽ thu hút nhiều tiền vốn từ các quỹ đầu tư.

Nói chung ai sáng tạo hơn thì có sản phẩm mới, mà cái mới thì dễ thu hút khách hàng lẫn tiền đầu tư hơn, khi thị trường truyền thống đã bão hòa. Đó là cái nền tảng cơ bản để các mô hình kinh doanh mới “quậy tưng” (disrupt) các ngành kinh doanh truyền thống. Các công ty truyền thống không chết đi hết (dù có vài công ty phá sản), nhưng họ không có tăng trưởng nhanh nữa, hoặc phải thu hẹp thị phần.

Cởi trói cho cả mô hình truyền thống và mô hình mới

Trong quá trình thay đổi đó, để đảm bảo công bằng, điều Nhà nước cần làm không phải là đóng vai người quyết định mô hình nào được phép thắng. Nhà nước cũng không nên học một vài mô hình ở nước ngoài vốn bị giới cấp tiến chỉ trích như buộc các công ty của nền kinh tế mới phải đăng ký hoạt động và chịu rào cản y hệt như những công ty truyền thống. Việt Nam muốn đi nhanh hơn những nước đã phát triển thì nên chấp nhận mạo hiểm cởi trói cho cả mô hình truyền thống và mô hình mới. Ví dụ, trong câu chuyện của Vinasun và Grab, có lẽ tốt hơn là đừng bắt công ty taxi truyền thống như Vinasun chịu những rào cản từ các giấy phép con lạc hậu, đừng buộc Grab cũng chịu chung những ràng buộc như Vinasun hiện nay.

Tất nhiên, về việc bảo vệ người lao động ở mức tối thiểu như Vinasun đang làm với các loại bảo hiểm thì vẫn cần có. Và nhiều người lao động cũng muốn những bảo đảm đó. Họ sẽ chọn Vinasun nếu họ đánh giá cao những phúc lợi đó. Nhưng Nhà nước đừng lựa chọn thay cho tài xế. Tài xế có thể tự lựa chọn vào làm cho Vinasun hay Grab, hay bất kỳ hình thức nào khác, tùy vào điều kiện và hoàn cảnh từng người.

Như câu chuyện của anh bạn chạy Uber tôi kể ở trên, anh ta chấp nhận không cần những đảm bảo lợi ích từ Uber. Anh ta đánh đổi nó vì muốn tự do hơn, để theo đuổi ước mơ xa hơn. Chạy Uber chỉ là công việc tạm thời và anh ta đủ khả năng đưa ra lựa chọn cho mình. Nhưng anh ta cần có càng nhiều lựa chọn càng tốt.

Một xã hội kinh doanh năng động là để người tiêu dùng, người lao động và doanh nhân có nhiều lựa chọn và khuyến khích cạnh tranh bình đẳng. Cởi trói cho công ty truyền thống khỏi các giấy phép không cần thiết để họ cạnh tranh bình đẳng hơn với các công ty theo mô hình mới là một hướng đi cấp tiến hơn.

Người ta từng đặt câu hỏi vì sao châu Âu không có công ty công nghệ hàng đầu. Một bài báo trên Bloomberg nêu ra nhiều lý do, một trong số đó là những rào cản pháp lý quá chặt (như quy định về bảo vệ dữ liệu GDPR). Bài báo đó còn nêu ví dụ rằng một trong những nguyên nhân mà nhiều công ty công nghệ tài chính (FinTech) khởi nghiệp ở London thay vì những thủ phủ khác ở châu Âu là vì chính sách của cơ quan quản lý ở Anh thân thiện với FinTech.

Những quy định chặt chẽ hơn có thể bảo vệ người tiêu dùng và người lao động, nhưng cái giá của nó là môi trường kinh doanh không thân thiện với cái mới.

Nói vậy để thấy mô hình kinh doanh 0.4 hay 4.0 đều có cái hay của nó. Và Chính phủ chỉ cần gỡ bỏ những rào cản vô lý đối với các công ty truyền thống để họ cạnh tranh sòng phẳng với các mô hình 4.0. Ai thắng thì người tiêu dùng và nền kinh tế cũng có được, có mất cả. Nhưng Chính phủ đã định hướng đi con đường 4.0 thì không nên để luật lệ hướng nền kinh tế theo chiều 0.4.

(*) Giảng viên Đại học Bristol, Anh

Hồ Quốc Tuấn (*)

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/280980/dinh-huong-40-khong-the-tiep-can-04-.html