Đình làng – Thiết chế văn hóa được bảo tồn và phát huy giá trịTin khácNhớ về những ngày Cách mạng Tháng Tám ở Lạng SơnĐể Lễ khai giảng năm học mới: An toàn, trang trọng, ý nghĩa

Cùng với chùa và đền, đình là thiết chế văn hóa tâm linh gắn bó lâu đời trong đời sống người dân xứ Lạng. Đình thờ thành hoàng làng, nơi lưu giữ linh hồn của một làng. Với nhiều giá trị đặc sắc, những năm qua, ngành văn hóa tỉnh đã có nhiều giải pháp nhằm bảo tồn, phát huy giá trị các đình.

Đình Đồng Lai thuộc thôn Đồng Lai, xã Đồng Tân, huyện Hữu Lũng được xây dựng tương đối kiên cố, bề thế với diện tích hơn 500 m2. Bên trong đình, các đồ thờ tự, hoành phi câu đối… được sắp đặt gọn gàng cho thấy ngôi đình rất được Nhân dân địa phương kính ngưỡng. Ông Nguyễn Ngọc Long, Trưởng Ban quản lý đình cho biết: Đình hiện thờ thần Cao Sơn, Quý Minh, Dũng Quyết Anh Minh Đại Thần và lưu giữ hai tấm sắc phong cổ thời nhà Nguyễn. Năm 2018, ngôi đình được xây dựng lại bằng nguồn xã hội hóa với tổng kinh phí gần 1 tỷ đồng, bà con ai ai cũng phấn khởi. Ngày 2 lần tôi và mọi người vẫn ra đây dọn dẹp vệ sinh và thắp hương.

Thủ từ đình Cam Thủy, thị trấn Bình Gia, huyện Bình Gia lau dọn vệ sinh tại khám thờ Thành Hoàng

Hiện toàn huyện Hữu Lũng có số lượng đình làng lớn nhất tỉnh với 42 ngôi đình, chiếm gần một nửa số lượng đình toàn tỉnh. Thời gian qua, các cấp, ngành liên quan ở huyện đã có nhiều động thái tích cực để phát huy giá trị các đình làng như khảo sát cấp giấy chứng nhận sử dụng đất cho các đình; bố trí kinh phí, kêu gọi nguồn xã hội hóa để tu bổ đình… Ông Khổng Hồng Minh, Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện cho biết: Năm 2010, huyện đã phục dựng thành công lễ hội đình Gò Chùa (xã Hữu Liên); từ năm 2017 đến năm 2020, trùng tu tôn tạo được 3 ngôi đình với tổng kinh phí trên 4 tỷ đồng; tính đến năm 2021, đã cấp giấy chứng nhận sử dụng đất cho 4 đình.

Theo số liệu thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL), toàn tỉnh hiện có 89 đình làng, thuộc loại hình di tích kiến trúc nghệ thuật chiếm số lượng lớn nhất tỉnh. Trong đó 25 đình có tình trạng kỹ thuật tốt, 32 đình có tình trạng kỹ thuật trung bình, 22 đình đang xuống cấp, 10 đình đang xuống cấp nghiêm trọng.

Để bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa của các đinh, hằng năm, trên cơ sở phân cấp quản lý, Sở VHTT&DL chỉ đạo, đôn đốc các huyện, thành phố thực hiện hiệu quả công tác quản lý, đẩy mạnh huy động xã hội hóa tu bổ, tôn tạo di tích. Từ năm 2016 đến nay, toàn tỉnh đã tu bổ, xây mới 10 di tích đình làng với tổng kinh phí gần 9,5 tỷ đồng. Cùng với đó, từ năm 2018, sở hướng dẫn các huyện, thành phố thành lập ban quản lý di tích cấp huyện và cấp cơ sở, đến nay, 100% di tích đình làng có ban quản lý đảm bảo công tác quản lý, bảo vệ và phát huy di tích.

Đặc biệt, năm 2021, sở xây dựng Đề án “Bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị hệ thống di tích lịch sử – văn hóa và danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2021 – 2030” trình Chủ tịch UBND tỉnh ký phê duyệt, trong đó bao gồm cả đình làng; tiến hành khảo sát lập danh sách đình làng hiện có, phân loại theo thực trạng; trình UBND tỉnh xếp hạng di tích (đến nay, toàn tỉnh có 8/89 ngôi đình được xếp hạng di tích cấp tỉnh, thành phố).

Ông Nguyễn Phúc Hà, Giám đốc Sở VH,TT&DL cho biết: Thời gian tới, chúng tôi sẽ nghiên cứu, cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp của Đề án “Bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị hệ thống di tích lịch sử – văn hóa và danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2021 – 2030”, tiếp tục khảo sát lập hồ sơ trình xếp hạng đối với các di tích đình làng đủ điều kiện. Đồng thời, xây dựng các bài tuyên truyền, in ấn các sách giới thiệu giá trị đình làng của xứ Lạng đến đông đảo du khách gần xa.

Có thể nói, đình làng gắn bó với đời sống người dân từ lâu đời, là thiết chế văn hóa không thể tách rời của tài nguyên di sản xứ Lạng. Do vậy, bảo tồn và phát huy giá trị của loại hình di tích này là rất cần thiết góp phần lưu truyền cho các thế hệ mai sau.

Đình làng Lạng Sơn thường xây dựng ở nơi có không gian thoáng đãng. Đình được xây với 4 lối kiến trúc chủ yếu: chữ nhất, chữ nhị, chữ đinh, chữ công. Trong đó, phổ biến nhất là dạng chữ nhất (一) và chữ đinh (丁), gồm cổng đình (nghi môn), tiền tế, hậu cung. Các đình hầu hết có niên đại khoảng đầu thế kỷ XX, thường thờ những vị thần có công với dân với nước, gọi chung là Thành Hoàng làng. Tuy nhiên, phổ biến nhất là thờ Cao Sơn, Quý Minh.

HOÀNG HIẾU

HỮU SƠN

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/van-hoa/445249-dinh-lang-thiet-che-van-hoa-duoc-bao-ton-va-phat-huy-gia-tri.html