Định mệnh chữ 'long' trong tên miền đất 'Thăng Long'

Thăng Long là tên gọi của một miền đất đặc biệt, kinh đô của nhiều triều đại Đại Việt. Việc ''hưng'', việc ''phế'' để trong ta nhiều nụ cười cùng tiếc nuối.

Khuê Văn Các trong Văn Miếu Hà Nội.

Khuê Văn Các trong Văn Miếu Hà Nội.

Khởi đi từ mùa Xuân năm Canh Tuất (1010), sau khi lên ngôi Hoàng Đế, Lý Công Uẩn đã có một quyết định quan trọng. Đó là dời đô từ Hoa Lư ra thành Đại La. Tự tay Lý Công Uẩn đã viết ‘’Chiếu dời đô’’. Xin trích:

‘’... Huống gì thành Đại La, đô cũ của Cao Vương: ở vào nơi trung tâm trời đất, được cái thế rồng cuộn hổ ngồi. Đã đúng ngôi Nam Bắc Tây Đông, lại tiện đường nhìn sông dựa núi. Địa thế rộng mà bằng, đất đai cao mà thoáng. Dân cư khỏi chịu cảnh khốn khổ ngập lụt, muôn vật cũng rất mực phong phú tốt tươi.

Xem khắp đất Việt ta, chỉ nơi này là thắng địa. Thật là chốn tụ hội trọng yếu của bốn phương đất nước, cũng là nơi kinh đô bậc nhất của đế vương muôn đời.

Trẫm muốn dựa vào sự thuận lợi của đất ấy để định chỗ ở. Các khanh nghĩ thế nào?’’.

Tượng đài Vua Lý Thái Tổ ở Hà Nội.

Thế rồi mùa Thu, tháng 7 năm Canh Tuất, đoàn thuyền của nhà vua đã cập bến nơi chân thành Đại La. Sử chép rằng, khi ấy có rồng vàng hiện lên bên thuyền ngự, nhân điềm đó nhà Vua quyết định đổi tên thành Đại La thành thành Thăng Long, nghĩa là rồng bay lên.

Sau khi dời đô ra Thăng Long, nhà Vua đã tổ chức một công trường xây dựng lớn. Kết quả là ngay trong năm đó, đã hoàn thành tám điện và ba cung. Cụm công trình trung tâm này sau đó tiếp tục được xây dựng thêm, tu bổ vào năm 1029, dưới triều vua Lý Thái Tông.

Cùng với hệ thống cung điện, hệ thống thành lũy cũng từng bước được xây dựng với cấu trúc gồm ba lớp vòng thành. Thứ nhất, Cấm Thành hay Tử Cấm Thành bao quanh khu vực có các cung điện, là nơi ở, nơi thiết triều và làm việc của nhà Vua.

Hoàng Thành hay Thăng Long Thành, là vòng thứ hai. Vòng thành này phía ngoài đào hào, mở bốn cửa là Tường Phù ở phía đông, Quảng Phúc ở phía tây, Đại Hưng ở phía nam và Diệu Đức ở phía bắc.

Đại La Thành hay Thăng Long Ngoại Thành là vòng lũy thứ ba. Vòng thành này được đắp bằng đất, vừa mang chức năng bảo vệ, vừa là đê chống lụt cho cả kinh thành.

Thành Đại La xa xưa trong lịch sử.

Thành Đại La được đắp trên cơ sở sửa chữa, tu bổ thành Đại La cũ. Mặt đông, thành chạy dọc theo hữu ngạn sông Hồng như một đoạn đê của sông này (từ Bến Nứa cho đến ô Đống Mác ngày nay). Mặt bắc dựa theo sông Tô Lịch phía nam Hồ Tây cho đến Yên Thái, đường Hoàng Hoa Thám ngày nay.

Mặt tây theo tả ngạn sông Tô Lịch từ Yên Thái đến Ô Cầu Giấy. Mặt nam theo sông Kim Ngưu qua Giảng Võ, Ô Chợ Dừa, Ô Cầu Dền nối với đê sông Hồng. Tổng chiều dài thành Đại La khoảng 30 km, và có nhiều cửa ô.

Cũng trong khoảng những năm từ 1011 cho tới 1024, nhà Vua cho xây dựng thêm các cung điện, chùa chiền, và hoàn thiện sửa chữa kinh thành Thăng Long. Và ngày 3 tháng 3 năm Mậu Tuất (1028) thì Lý Công Uẩn qua đời.

Như vậy, thành Thăng Long, với hàm nghĩa ‘’rồng bay lên’’ đã được Lý Thái Tổ đặt tên, với ý nghĩa đây là đất ‘’trường dưỡng’’ cho các Vua Chúa Đại Việt sau này, và đã được chính nhà vua khởi công xây dựng như thế.

Và quả nhiên, về sau, trải suốt 792 năm, qua các triều đại Lý, Trần, Hậu Lê, Lê Trung Hưng… dù lúc thăng, lúc trầm, có lúc bị ngoại xâm dày xéo, đốt phá, có lúc nội chiến, xã tắc có lúc nghiêng ngả, dân Thăng Long có lúc lầm than… nhưng Thăng Long vẫn là đất ‘’trường dưỡng’’ cho các chân mệnh thiên tử, như đất ‘’rồng bay’’.

Tại sao nói 792 năm? Vì năm Nhâm Tuất 1802 đã có một bước ngoặt, dẫn đến thay đổi định mệnh của chính chữ ‘’Long’’ trong tên gọi ‘’Thăng Long’’.

Tranh vẽ chân dung Hoàng Đế Gia Long.

Đó là biến cố lịch sử vào ngày 20 tháng 7 năm 1802, Nguyễn Vương Nguyễn Ánh, sau này là Hoàng đế Gia Long đã vào thành Thăng Long.

Kinh thành Thăng Long lúc này hoàn toàn đổ nát, mất mát, kể từ khi Hồ Quý Ly dỡ nhiều cung điện mang về xây thành An Tôn (Vĩnh Lộc, Thanh Hóa ngày nay), và ép vua Trần phải dời đô về đây… cho tới khi bị giặc Minh dày xéo, rồi tới tranh chấp Lê Mạc, các tập đoàn phong kiến tranh giành nhau thời Lê Trung Hưng…

Cột cờ Hà Nội (Kỳ Đài Trấn Bắc Thành)

Sau khi thống nhất giang sơn Đại Việt thành một dải, Hoàng đế Gia Long quyết định đóng đô ở Phú Xuân (Huế ngày nay). Trước tình hình thực tế lúc đó, nhà Vua buộc phải chấp nhận một biện pháp tạm thời: đặt hai khu vực hành chính rộng lớn là Bắc Thành và Gia Định Thành.

Cảnh chợ phiên Hà Nội cũ.

Bắc Thành bao gồm 11 trấn. 5 nội trấn là Sơn Nam Thượng, Sơn Nam Hạ, Kinh Bắc, Sơn Tây, Hải Dương. 6 ngoại trấn là Quảng Yên, Lạng Sơn, Cao Bằng, Thái Nguyên, Hưng Hóa. Thủ phủ của Bắc Thành là thành ‘’Thăng Long’’.

Đứng đầu 11 trấn Bắc Thành là quan Tổng Trấn có quyền hạn rất lớn, trong đó có quyền bổ nhiệm, bãi miễn quan lại, giải quyết kiện tụng tùy nghi làm, rồi mới tâu lên triều đình. Viên Tổng Trấn Bắc Thành đầu tiên là Nguyễn Văn Thành, một võ tướng cao cấp, quê ở huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên.

Cảnh chợ tết Hà Nội xưa.

Sử chép lại tháng Giêng năm Quý Hợi (1803), đối với tòa thành Thăng Long cũ, vì cho rằng nó ‘’có quy chế chật hẹp’’, không hợp lý là một thủ phủ của 11 trấn bắc Thành, nên nhà Vua đã cho đắp thành, mở rộng thêm.

Tháng 10 năm Quý Hợi (1803), triều đình cho mở một xưởng đúc tiền đặt tại Bắc Thành, gọi là Cục Bảo Tuyền. Theo địa bạ lập năm 1837, tổng diện tích Cục Bảo Tuyền là 18 mẫu 7 sào 14 thước, đặt tại địa phận thôn Cựu Lâu, tổng Đông Thọ. Ngày nay chính là ô đất giáp các phố Tràng Tiền (bắc), Phạm Sư Mạnh (nam), Phan Chu Trinh (đông) và Ngô Quyền (tây).

Kiến trúc phố cũ Hà Nội thời Đông Dương.

Năm 1804, Vua ra lệnh phá bỏ Hoàng Thành Thăng Long cũ, và năm sau Ất Mùi 1805, đã cho xây lại một tòa thành kiểu Vauban, với quy mô nhỏ hơn cho tương xứng với một trấn thành, mà không còn là một hoàng thành.

Tòa thành mới hình vuông, bốn cạnh tương ứng với các đường Phan Đình Phùng (bắc), Trần Phú (nam), Hùng Vương (tây) và Phùng Hưng (đông), chu vi 1.285 trượng (khoảng 5 km), và cao hơn 1 trượng (khoảng 4 mét).

Tháng 8 năm Ất Sửu (1805), nhà Vua cho dựng Khuê Văn Các ở Văn Miếu. Kiến trúc tòa gác này bốn mặt có các chi tiết trang trí thể hiện hình ảnh chòm sao Khuê, sao chủ về văn chương, tri thức trong thập nhị bát tú. Cũng năm 1805 triều đình cho xây Kỳ Đài, tức Cột cờ Hà Nội ngày nay.

Năm 1805, nhà Vua đã đổi tên Thăng Long (昇龍)nghĩa là rồng bay lên thành Thăng Long với chữ Long (隆) với nghĩa là ‘’hưng thịnh’’.

Tháng giêng năm Kỷ Mão (1819), triều đình cho tu sửa Thành Thăng Long một lần nữa. Đây là lần cuối cùng tòa thành được xây mới năm 1805 này được tu sửa, trước khi trở thành tỉnh Hà Nội vào năm 1831, dưới thời Hoàng Đế Minh Mệnh.

Vẻ đẹp phụ nữ Hà Nội thời Đông Dương.

Vả lại, cách chọn chữ ‘’Long’’ nghĩa ‘’thịnh vượng’’ cũng như một ý tưởng có tính cách tiên tri. Đại Việt sẽ bước sang kỷ nguyên mới, khát vọng thịnh vượng…

Hàn Thủy Giang.

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/van-hoa/goc-nhin-van-hoa/dinh-menh-chu-long-trong-ten-mien-dat-thang-long-3401122/