Đình Thanh Trì

Đình làng Thanh Trì còn gọi đình Ngũ Nhạc được xây dựng từ lâu đời, trong thờ Đô Hồ phu nhân của Lê Hoàn và Uy Linh Lang đại vương - tướng đời Trần. Xếp hạng: Di tích Lịch sử - Văn hóa Hà Nội (năm 2009). Địa chỉ: Ngõ 924 Nguyễn Khoái, phường Thanh Trì, quận Hoàng Mai, tp. Hà Nội. Tọa độ: 20°59'58'N 105°53'04'E, cách Hồ Gươm hơn 5,5km về hướng đông-nam. Điểm dừng bus gần nhất: 503 phố Nguyễn Khoái (xe 48)._________________________________[2] Tục gọi là Bà Chúa Hến vì sống bằng nghề bắt hến trên sông Nhuệ. Năm 981, Lê Hoàn dẫn quân ra Bắc qua ngả đó gặp cô gái đẹp người đẹp nết bèn lấy làm phi, giao cho việc lo liệu quân lương. Sau chiến thắng giặc Tống, Lê Hoàn đưa Bà về Kinh đô Hoa Lư. Làng Tả Thanh Oai và nhiều làng trong vùng thờ Bà.

Sân đình Thanh Trì. Panorama NCCong 2018

Lược sử

Thanh Trì là ngôi làng cổ ở ven đoạn đê sông Hồng giữa cầu Vĩnh Tuy và cầu Thanh Trì, xưa kia có nhiều ao hồ và ruộng đồng, nay đã bị đô thị hóa gần hết. Tên gốc là “Thanh Đàm” (đầm nước trong xanh) đến đầu đời Lê Trung Hưng (1533 - 1789), vì kỵ húy tên tục của vua Lê Thế Tông là Duy Đàm nên mới đổi thành “Thanh Trì”. Đầu thế kỷ 19, làng trở thành xã Thanh Trì, thuộc tổng Thanh Trì, huyện Thanh Trì, phủ Ứng Thiên, trấn Sơn Nam Thượng [1].

Làng xưa gồm 5 xóm: Đại Đồng, Đình Sét, Tân Thành, Thanh Lương, Vĩnh Thuận. Năm 1949, làng nhập với các xã Vĩnh Tuy, Nam Dư thành xã Vạn Xuân, huyện Thanh Trì. Sau năm 1954, tách ra thành xã riêng thuộc quận VII ngoại thành Hà Nội. Năm 1961 thuộc về huyện Thanh Trì. Ngày nay xã trở thành phường Thanh Trì, với diện tích 334 ha và dân số 10.200 người, thuộc quận Hoàng Mai.

Dân làng sống chủ yếu bằng nghề trồng rau muống và làm bánh cuốn. Lá bánh mỏng được thoa thêm một chút mỡ phi hành cho thơm, nước chấm pha đủ vị chua, cay, ngọt và cà cuống. Bánh có thể ăn kèm với đậu phụ Kẻ Mơ rán nóng, hay các loại giò chả, hoặc ruốc thịt, ruốc tôm hấp nóng trong một nồi nước. Bánh cuốn Thanh Trì đã trở thành một trong các món ăn sáng ưa thích của người Hà Nội. Từ lâu vẫn còn lưu truyền câu ca dao:
Thanh Trì có bánh cuốn ngon,
Có gò Ngũ Nhạc, có con sông Hồng

Đình làng dựng trên gò Ngũ Nhạc, nên còn gọi là đình Ngũ Nhạc, thờ Đô Hồ phu nhân, theo thần phả là một cô gái quê ở làng Tó Tả [2] và Uy Linh Lang đại vương —một tướng đời Trần có công đánh giặc Nguyên. Gần gò Ngũ Nhạc còn có chùa Triệu Khánh rất to lớn và đã được Bộ Văn hoa — Thông tin xếp hạng là Di tích lịch sử văn hóa năm 1992.

Kiến trúc

Đình làng Thanh Trì đã bị giặc Pháp đốt trong kháng chiến, cuối thế kỷ 20 được dựng lại. Cổng đình làm theo kiểu nghi môn truyền thống với 4 trụ biểu, mở ra đường làng cũ, nay là ngõ 924 Nguyễn Khoái. Đình nhìn về hướng Nam qua một giếng tròn nằm trong hồ sen. Du khách đi qua nghi môn vào sân trước, dẫn đến thềm rồng của tam quan mới xây thêm gần đây với ba cửa hình vòm cung, có tượng hai ông hộ pháp đứng gác hai bên.

Sân trong được tôn cao hơn sân trước và nằm giữa hai dãy tả hữu vu. Tiền tế gồm 3 gian 2 dĩ, kết nối với hậu cung thành hình chuôi vồ. Bao bọc 3 mặt ngoài hiên có hàng cột đá hình vuông chạm khắc các câu đối chữ Hán. Bên trong tòa đại đình bài trí khá đơn giản nhưng có đầy đủ các đồ tế khí. Các bức hoàng phi, câu đối và cửa võng được sơn son thếp vàng lộng lẫy. Trong sân sau có khu phụ và tường ngăn với các nhà dân.

Bản đồ trực tuyến

Di tích lân cận

Chùa Cổ Linh: ngõ 29 Nam Dư, phường Lĩnh Nam. Di tích quốc gia (1994).
Chùa Đông Thiên (Phúc Khánh Tự): số 195 phố Vĩnh Hưng, phường Vĩnh Hưng. Di tích quốc gia (1990).
Chùa Triệu Khánh: Phố Thanh Đàm, phường Thanh Trì. Di tích quốc gia (1992).
Đình, đền Đông Thiên: ngõ 200 Vĩnh Hưng, phường Vĩnh Hưng. Di tích quốc gia (1990).
Đình Nam Dư Thượng: ngõ 112 Nam Dư, phường Lĩnh Nam. Di tích quốc gia (1992).
Đình Trung Lập: ngõ 538 Lĩnh Nam, phường Lĩnh Nam. Di tích quốc gia (1994).

[1] Thanh Trì từ năm 1831 thuộc tỉnh Hà Nội, 1902 thuộc tỉnh Cầu Đơ, 1904 đổi thành tỉnh Hà Đông.

Bài và ảnh: Đông Tỉnh NCCong

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/dinh-thanh-tri-63313