Dinh Thượng thơ - bao giờ ly đắng thành rượu ngon?

Dinh Thượng thơ, một kiến trúc thuộc địa? Chứng tích địa-chính trị thay đổi toàn vùng Đông Nam Á? Một bi kịch thời đại? Hay một ly rượu pha trộn đủ các men cay?

Có phải chỉ cần giữ Dinh Thượng thơ, một công trình kiến trúc đơn lẻ hay cần giữ cả bối cảnh đô thị và nông thôn lân cận, nơi đã có chứng cứ của một nền văn hóa hay diễn tiến quan trọng trong lịch sử? Làm thế nào để biến ly đắng thành rượu ngon mà vùng Đông Nam Á không có?

Hội đủ vẻ diễm lệ của đền đài Hy Lạp cổ

Dinh Thượng thơ (tại 59-61 Lý Tự Trọng, quận 1) hình chữ U, hai tầng. Dinh xây trước tòa án vài năm, vai trò khác nhau nên hình thức và kích thước khiêm nhường hơn tòa án nhưng nhờ hàng cột Tuscan và Ionic mà dinh vẫn mang vẻ trang trọng của dinh thự đền đài Hy Lạp như 2.500 năm trước. Hàng cột Tuscan và Ionic là cột chịu lực, cao 2,3 m, ban đầu đứng “độc lập” một mình, tức chung quanh trống.

Dinh có tổng cộng 10 cột Ionic hình dáng mảnh dẻ, kiến trúc Hy Lạp gọi là “nàng Ionic”. Nàng mang biệt sắc chung của cột Ionic Hy Lạp: Hai “đầu mũ cột (volute)” cuộn tròn, nhìn xa cũng rõ.

Bài viết ngắn này chỉ nói đến sự thay đổi nơi sáu nàng Ionic (1, 2, 3, 4, 5, 6) ở tiền sảnh, ngay dưới đồng hồ, tầng một. Trong ảnh, sáu nàng đứng độc lập; sau sáu nàng là ba khung cửa sổ rộng.

Ảnh chụp năm 1922 vẫn còn sáu nàng cột và ba cửa sổ rộng nhưng mở rộng thêm hành lang, gắn thêm hàng gạch thông gió (phía trên hai cái đèn) che khuất chân cột.

Sáu cột ở tầng một. Ảnh: Trang mạng manhhai

Sáu cột ở tầng một. Ảnh: Trang mạng manhhai

Sáu cột tầng một, chụp tháng 5- 2018. Ảnh: KTS ĐỖ PHÚ HƯNG

Vôi vữa trét thêm khiến mũ cột bèn bẹt như đĩa bột mì, mất cả phần trang trí “trứng và mũi tên”. Ảnh: Tư liệu của các KTS TP.HCM

Đừng khiến “vua Louis XV nếu sống lại sẽ khóc lu bù”

Qua bốn tấm ảnh (từ ảnh 2 đến ảnh 5) chụp ở tầng một, do nhóm kiến trúc TP.HCM thực hiện tháng 5-2018: Bộ mặt ban đầu của Dinh Thượng thơ có những thay đổi quan trọng:

• Không rõ vào thời điểm nào ba cửa sổ rộng bị sửa thành ba cửa ra vào hẹp hơn.

• Xây thêm bức tường nối các cửa đi với nhau khiến sáu nàng Ionic (1, 2, 3, 4, 5, 6) lẫn trong tường mới.

Điều quan trọng, nếu vin vào những khiếm khuyết này để kết luận Dinh Thượng thơ xuống cấp tới mức cần chi phí bảo tồn rất cao, hoặc làm lý do giựt sập thì thần sấm sét Poseidon cũng nốc cạn bốn thùng rượu nho cho đủ can đảm lao đầu xuống biển cho rồi đời thần thánh. Theo Hiến chương Venise 1964, Điều 6: “Không xây mới, không tháo dỡ, không thay đổi bối cảnh hiện có khiến có thể dẫn đến các thay đổi về khối tích hay màu sắc”.

Nàng cột số 5 hoảng kinh đẩy bức tường mới có hàng gạch xen vào. Ảnh: Tư liệu

Nàng cột số 5 cũng ngao ngán vì đâu cần tới năm lớp son phấn tô đi tô lại. Ảnh: Tư liệu

Bàn tay nào đó đã hạ phần trang trí trên cùng của cánh cổng thứ hai, buộc vào hàng rào, không hay đó là kiệt tác sắt uốn Rococo năm 1880. Ảnh: Tư liệu

Tình hình này thì trùng tu Dinh Thượng thơ thế nào? Ngành kiến trúc-bảo tồn “sẽ làm... thám tử chỉ rõ những khiếm khuyết (rạn nứt, tách rời, nham nhở, xấu xí, họa tiết mờ) làm sai lệch hình dạng ban đầu Dinh Thượng thơ là do không quen kết cấu của cột Ionic, do không tuân theo Điều 6, do thời gian, do không sử dụng đúng vật liệu vôi vữa, do thực hiện không đúng cách hay cẩu thả, thiếu tay nghề… Cũng chỉ ngành “kiến trúc-bảo tồn” có thể đề ra cách trùng tu. Bảo tồn đến mức nào? Dẹp bỏ hành lang? Trả lại hình dáng ban đầu cho hàng cột như dinh thự Hy Lạp? Điều này tùy vào UBND và người TP.HCM muốn sử dụng Dinh Thượng thơ cách nào trong tương lai.

Một điều khó hiểu khác, bàn tay “thiên thần bí mật” nào đó đã hạ phần trang trí trên cùng của cánh cổng thứ hai, buộc vào hàng rào, không hay đó là kiệt tác sắt uốn Rococo năm 1880 lần đầu tiên xuất hiện ở Đông Nam Á. Theo hiến chương ICOMOS thì một viên gạch cũ cũng phải được giữ lại trang nghiêm cho đúng với thân phận ban đầu. Vua Louis XV sống lại thấy cánh cổng Rococo, họa tiết uốn lượn mà ông ngưỡng mộ và thành lập hẳn phong cách Rococo ở châu Âu, bị đày đọa như vậy chắc sẽ khóc lu bù.

Dinh Thượng thơ, một kiến trúc thuộc địa? Chứng tích địa-chính trị thay đổi toàn vùng Đông Nam Á? Một bi kịch thời đại? Hay một ly rượu pha trộn đủ các men cay?

Điểm tích cực là từ số 0 năm 1880, sau 138 năm, đến năm 2018, TP.HCM đã có một đội ngũ đông đảo kiến trúc sư, kỹ sư, khảo cổ, mỹ thuật, nhân văn, quy hoạch... Chính họ và sự lên tiếng kịp thời của người yêu Sài Gòn chứng tỏ TP này không thiếu những người kinh nghiệm, khôn ngoan và khao khát hơn về một cuộc sống đằm thắm, giúp trái tim đỡ bị rạn nứt và lòng tin về cuộc đời sẽ không phai nhạt.

Từ phương xa, tôi xin chúc Dinh Thượng thơ may mắn.

Cám ơn các bạn kiến trúc đã chia sẻ hình ảnh. Cám ơn trang manhhai về sưu tập ảnh đồ sộ, đúng với câu “Một bức hình đáng hàng ngàn chữ”.

Một trong năm thiết kế để đời cho TP của KTS người Pháp

Theo sử gia Tim Doling - người Anh, hiện sống ở TP.HCM, KTS Marie-Alfred Foulhoux đến miền đất mới và thiết kế năm kiến trúc: Dinh Thượng thơ (1880), tòa án (1885), nha Quan thuế (1887), dinh Độc Lập (1890), Bưu điện (1891). Foulhoux mất ngày 20-1-1892 ở Sài Gòn, 52 tuổi, vừa vặn thấy Bưu điện hoàn thành. Mộ ông ở nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi, chắc nay đã mang về Pháp.

Khẩn thiết bảo tồn Dinh Thượng thơ

Sau những lời kêu gọi bảo tồn Dinh Thượng thơ khẩn thiết của giới chuyên gia trong và ngoài nước, UBND TP.HCM đã quyết định giao Sở QH-KT tổ chức hội thảo với sự tham gia của các chuyên gia thuộc nhiều lĩnh vực về phương pháp bảo tồn công trình kiến trúc này. Hội thảo diễn ra vào ngày 28-9 tới đây.

TRẦN THỊ VĨNH TƯỜNG (California, Mỹ)

Nguồn PLO: http://plo.vn/van-hoa/dinh-thuong-tho-bao-gio-ly-dang-thanh-ruou-ngon-794538.html