Dính vận đen liên tiếp, hàng loạt dự án của Đức Long Gia Lai vướng lùm xùm

Từ khi hoạt động đến này, nhiều dự án của Đức Long Gia Lai dính phải không ít lùm xùm. Mới đây nhất là dự án Đức Long Golden Land đã được giao Cơ quan cảnh sát điều tra tiếp tục điều tra làm rõ sai phạm.

Như thông tin đã đưa, dự án Đức Long Golden Land của Tập đoàn Đức Long Gia Lai (MCK: DLG) vừa bị UBND TP.HCM "điểm mặt" khi giao Công an TP.HCM chỉ đạo Cơ quan Cảnh sát điều tra điều tra làm rõ một số sai phạm trên cơ sở nội dung đã được Thanh tra TP phát hiện. Những lùm xùm xung quanh phản ánh của người dân về việc chủ đầu tư chưa bồi thường giải phóng mặt bằng; dự án chưa đủ điều kiện kinh doanh nhưng đã và đang bán ra thị trường..

Theo tìm hiểu của PV, Đức Long Golden Land có tên đầy đủ là "Khu thương mại dịch vụ và căn hộ cao cấp Đức Long Golden Land", nằm trên đường Nguyễn Tất Thành nối dài, phường Tân Thuận Tây, quận 7, chủ đầu tư là Công ty cổ phần đầu tư - xây dựng Vạn Gia Long.

Được biết, Công ty cổ phần đầu tư - xây dựng Vạn Gia Long là thành viên của Đức Long Gia Lai Land. Tuy nhiên, Đức Long Gia Lai Land được đầu tư bởi Tập đoàn Đức Long Gia Lai.

Tập đoàn Đức Long Gia Lai hoạt động theo mô hình công ty mẹ - con với hơn 30 công ty thành viên, 4 công ty liên kết hoạt động ở nhiều lĩnh vực ngành nghề khác nhau như nông nghiệp, năng lượng, sản xuất linh kiện điện tử, xây dựng... Đặc biệt, Tập đoàn có 5 công ty thành viên trụ sở đặt tại nước ngoài: 2 công ty tại TP.Đông Quản và TP.Thẩm Quyến (Trung Quốc), Hồng Kông, Hàn Quốc và Mỹ.

Phối cảnh dự án Đức Long Golden Land.

Với các lĩnh vực kinh doanh chính là sản xuất thành phẩm từ gỗ, sản xuất sản phẩm nông nghiệp (bắp, đậu nành...), khai thác đá, kinh doanh thương mại, hoạt động xây lắp và kinh doanh dịch vụ (cho thuê tài sản, khách sạn)... DLG đã có tuổi đời hơn 10 năm với 30 lần điều chỉnh giấy chứng nhận doanh nghiệp và là một trong những đại gia của phố núi Gia Lai.

Theo báo cáo tài chính quý 3 năm 2018 (chưa soát xét) của DLG, doanh thu hợp nhất quý 3 đạt 770 tỷ đồng, giảm 6,4% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế tăng nhẹ 3,6% tương đương 11,5 tỷ đồng.

Lũy kế từ đầu năm, tổng doanh thu hợp nhất đạt 2.113 tỷ đồng, tăng nhẹ 4,6% so với cùng kỳ. Mặc dù doanh thu tăng nhưng lợi nhuận sau thuế lại giảm mạnh đến 99%, xuống còn 33,5 tỷ đồng.

Tổng tài sản của DLG tính đến ngày 30/9/2018 là 8.421 tỷ đồng, giảm nhẹ so với thời điểm đầu năm. Trong đó, tài sản ngắn hạn là 3.922 tỷ đồng, chủ yếu là các khoản phải thu ngắn hạn 2.824 tỷ đồng, hàng tồn kho 720 tỷ đồng. Tài sản dài hạn là 4.499 tỷ đồng, gồm tài sản cố định 2.591 tỷ đồng, các khoản phải thu dài hạn 930 tỷ đồng, tài sản dở dang dài hạn 547 tỷ đồng (chi xây dựng cơ bản dở dang các dự án như: dự án trồng cao su tại IaBlứ (948 ha) 547 tỷ đồng; dự án nhà máy điện Tân Thượng 293 tỷ đồng; dự án thủy điện Đông Nai 6 172 tỷ đồng…).

Bên kia bảng cân đối kế toán, khoản nợ phải trả của DLG lên đến 5.044 tỷ đồng, trong đó phần lớn là nợ dài hạn 3.145 tỷ đồng, khoản vay và nợ thuê tài chính dài hạn là 2.974 tỷ đồng (DLG đã vay các ngân hàng như: BIDV 1.574 tỷ đồng; VietinBank 906 tỷ đồng; Sacombank 151 tỷ đồng…).

Nợ ngắn hạn của DLG là 1.898 tỷ đồng, trong đó vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn là 735 tỷ đồng (vay ngân hàng BIDV 241 tỷ đồng, ngân hàng Vietcombank 85 tỷ đồng…), phải trả người bán ngắn hạn 488 tỷ đồng.

Thời gian gần đây, Tập đoàn Đức Long Gia Lai cũng bị Cơ quan BHXH tỉnh Gia Lai nhắc tên với số tiền nợ BHXH là 585 triệu đồng.

Theo lãnh đạo Tập đoàn Đức Long Gia Lai, đối với khoản nợ đó, riêng số tiền lãi chậm nộp 280 triệu đồng, chủ yếu phát sinh vào năm 2014 trở về trước, thời điểm doanh nghiệp lâm vào tình trạng khó khăn về tài chính do khủng hoảng kinh tế.

Tập đoàn Đức Long Gia Lai cam kết sẽ thanh toán đủ tiền BHXH, BHYT, BHTN phát sinh hàng tháng, đồng thời thanh toán khoản tiền nợ 585 triệu đồng, bằng cách trả mỗi tháng 50 triệu đồng, cho đến khi hết nợ.

Trong quá trình kinh doanh của mình, DLG từng chịu nhiều “đòn đau” – khởi điểm cho những vận đen nối tiếp vận đen của tập đoàn này.

Đỉnh điểm, Tập đoàn Đức Long Gia Lai đầu tư bến xe khách phía Nam theo chủ trương mời gọi đầu tư xã hội hóa bến xe của TP. Đà Nẵng với số tiền lên đến 150 tỷ đồng. Dự án được đưa vào hoạt động tháng 9/2012. Tuy nhiên do vướng mắc nhiều vấn đề nên sau khi đưa vào sử dụng, Bến xe liên tỉnh phía Nam có rất ít đơn vị vận tải đăng ký vào hoạt động. Nguyên nhân chính được phía Đức Long Gia Lai chỉ ra là do luồng tuyến được phân chưa phù hợp với địa bàn hoạt động của doanh nghiệp và trùng lắp với một số bến xe lân cận, trong đó có bến xe phía Bắc (bến xe trung tâm hiện nay) của thành phố, đồng thời bến xe liên tỉnh phía Nam không có tuyến xe buýt kết nối để phục vụ hành khách tại bến.

Bên cạnh đó, trong khoảng thời gian trên, hàng loạt dự án lớn của Tập đoàn này như thủy điện Đồng Nai 6 và 6A, thủy điện Sông Sen, thủy điện Mỹ Lý (Nghệ An), Krongpa, Dakspay (Gia Lai)... đều bị hủy hoặc đang tạm dừng với lý do là ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ sinh thái.

Nguyễn Huệ

Nguồn VietQ: http://vietq.vn/dinh-van-den-lien-tiep-hang-loat-du-an-cua-duc-long-gia-lai-vuong-lum-xum-d152197.html