Định vị để có chiến lược phù hợp

Hà Nội có số lượng làng nghề lớn, tạo việc làm, thu nhập cho nhiều lao động và là nơi lưu giữ giá trị văn hóa, bản sắc của mỗi làng quê. Tuy vậy, hầu hết các làng nghề hiện vẫn sản xuất manh mún, thị trường tiêu thụ không ổn định, phương thức sản xuất lạc hậu… Trước làn sóng cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, các làng nghề Thủ đô cần định vị điểm xuất phát, có chiến lược phù hợp để tận dụng cơ hội phát triển.

 Nghệ nhân Nguyễn Văn Tĩnh, xã Phú Nghĩa (huyện Chương Mỹ) ứng dụng công nghệ thông tin thiết kế mẫu hàng mây, tre đan. Ảnh: Bá Hoạt

Nghệ nhân Nguyễn Văn Tĩnh, xã Phú Nghĩa (huyện Chương Mỹ) ứng dụng công nghệ thông tin thiết kế mẫu hàng mây, tre đan. Ảnh: Bá Hoạt

Những thách thức...

Nếu như trước đây, các làng nghề tiếp cận thị trường qua các hội chợ hay qua sự kết nối của các cơ quan quản lý nhà nước, thì hiện nay, nhiều nơi đã tiếp cận thị trường qua internet hay các diễn đàn thương mại điện tử…

Hà Nội hiện là địa phương có nhiều làng nghề nhất cả nước, trong đó, nhiều làng nghề truyền thống có bề dày lịch sử gắn liền với sự phát triển của Thủ đô và đất nước. Hiện toàn thành phố có 1.350 làng nghề và làng có nghề (chiếm khoảng 30% tổng số làng nghề cả nước), tạo việc làm cho khoảng 1 triệu lao động, kim ngạch xuất khẩu đạt 200 triệu USD/năm... Thực tế, đã có một số làng nghề nhanh nhạy, bắt nhịp thời cuộc, ứng dụng công nghệ vào sản xuất.

Đơn cử, tại làng nghề Bát Tràng (huyện Gia Lâm), hiện hầu hết doanh nghiệp đã đầu tư công nghệ tiên tiến vào sản xuất. Bà Hà Thị Vinh, Giám đốc Công ty TNHH Gốm Quang Vinh cho biết, bên cạnh các chi tiết bắt buộc phải làm thủ công, doanh nghiệp ở địa phương đã đầu tư nhiều máy móc từ luyện đất, đổ khuôn, đến hệ thống lò nung công nghệ cao… đáp ứng tiêu chí của hàng xuất khẩu. Tương tự, tại các làng nghề mây tre đan, nhiều hộ gia đình nắm bắt công nghệ đã đầu tư sử dụng máy móc, tạo độ đồng đều và dẻo cho sợi mây...

Tuy vậy, số làng nghề ứng dụng khoa học - kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất vẫn rất hạn chế. Theo Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Lê Hồng Thăng, làng nghề Hà Nội có đặc điểm cha truyền con nối, lưu truyền qua các thế hệ và có tính địa phương. Vì thế, mặt bằng, quy mô lao động, quy mô sản xuất phân tán, nhỏ lẻ và gây ô nhiễm môi trường. Đặc biệt, các làng nghề vẫn kinh doanh theo cách truyền thống, đó là sản xuất và bán những sản phẩm mình có mà không phải là sản phẩm thị trường cần; thiếu khả năng tự khai thác thị trường, đặc biệt là thị trường xuất khẩu… nên đầu tư cho công nghệ để sản xuất lớn rất khó.

Là địa phương có nghề mây tre đan xuất khẩu, nghệ nhân Nguyễn Văn Trung ở thôn Phú Vinh, xã Phú Nghĩa (huyện Chương Mỹ) cho biết, những năm gần đây rất đông lao động đã chuyển sang làm việc khác, do sản xuất bấp bênh không ổn định, thu nhập giảm. Mỗi khi có đơn hàng xuất khẩu, doanh nghiệp gặp vô vàn khó khăn để tìm lao động sản xuất cho kịp tiến độ đơn hàng...

Luôn ở xuất phát điểm thấp

Sản xuất chăn, ga, gối, đệm tại làng nghề Trát Cầu, xã Tiền Phong (huyện Thường Tín). Ảnh: Linh Ngọc

Phó Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam Tôn Gia Hóa nhìn nhận, trong 3 cuộc cách mạng công nghiệp đã diễn ra, Việt Nam luôn ở điểm xuất phát thấp. Trong đó, các làng nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống ở điểm xuất phát thấp nhất. Bởi vậy, cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 là cơ hội tốt để doanh nghiệp, làng nghề nắm bắt, thay đổi, tạo dựng, nâng cao năng lực làm chủ công nghệ và năng lực nghiên cứu, phát triển, tạo sản phẩm trọng điểm.

Tuy nhiên, theo PGS.TS Nguyễn Thừa Lộc, giảng viên cao cấp Trường Đại học Kinh tế quốc dân, đa số làng nghề chưa từng trải qua cuộc cách mạng công nghiệp nào nên việc tiếp cận Cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ gặp không ít khó khăn. “Chúng ta cần định vị lại điểm xuất phát của các làng nghề đang đứng ở vị trí nào trong tiến trình công nghiệp 4.0. Từ đó, đưa ra hướng đi phù hợp cho làng nghề phát triển trong thời gian tới”, PGS.TS Nguyễn Thừa Lộc phân tích.

Nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát, Giám đốc Công ty TNHH Dola Việt Nam (thị xã Sơn Tây) mong muốn được hỗ trợ, nâng cao khả năng giao tiếp ngoại ngữ và sử dụng thành thạo internet. Đây là tiền đề để doanh nghiệp kết nối với thị trường quốc tế, khai thác nguồn vật liệu và tìm kiếm khách hàng.

Tại Hội thảo quốc tế với chủ đề: “Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đối với làng nghề trong bối cảnh hội nhập quốc tế” do Sở Công Thương Hà Nội phối hợp với Cục Công Thương địa phương (Bộ Công Thương) và Hiệp hội Làng nghề Việt Nam tổ chức mới đây, nhiều ý kiến đã đưa ra giải pháp tận dụng triệt để những cơ hội cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại. Theo đó, các cơ quan quản lý nhà nước và làng nghề cần có trách nhiệm và những hành động cụ thể. Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Lê Hồng Thăng cho rằng, cần đẩy mạnh công tác đào tạo, tuyên truyền, hướng dẫn cho người dân về xu hướng và tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, bởi thông tin về vấn đề này còn khá mới mẻ với các làng nghề. Bên cạnh đó, tạo điều kiện cho doanh nghiệp làng nghề đổi mới cách thức hoạt động sản xuất kinh doanh sản phẩm; hỗ trợ các làng nghề tiếp cận với công nghệ mới…

Nhằm thúc đẩy làng nghề phát triển, chủ trương của TP Hà Nội là tiếp tục đẩy mạnh công tác đào tạo nghề, hỗ trợ đầu tư cho làng nghề từ ngân sách và nguồn xã hội hóa; tăng cường áp dụng khoa học kỹ thuật, đổi mới trang thiết bị; đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại để quảng bá sản phẩm... Tuy nhiên, để tận dụng cơ hội từ cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, bản thân doanh nghiệp, cơ sở sản xuất cần trang bị kiến thức đa chiều về quản trị kinh doanh, công nghệ thông tin, thương mại điện tử... Đối với những làng nghề thủ công mỹ nghệ tinh xảo, đòi hỏi phải sản xuất hoàn toàn thủ công có thể tận dụng những thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 vào thiết kế mẫu, xây dựng thương hiệu, sử dụng công nghệ thông tin trong quảng bá... để gia tăng giá trị cho sản phẩm.

Nguyễn Mai

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Kinh-te/921206/dinh-vi-de-co-chien-luoc-phu-hop