Định vị lại vai trò của khu vực đầu tư nước ngoài

Ngày 4/10 sẽ diễn ra Lễ kỷ niệm 30 năm thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) nhằm đánh giá những thành tựu, khó khăn và đề ra định hướng mới, với thông điệp gửi tới các nhà đầu tư tiếp tục đến và ở lại đầu tư lâu dài tại Việt Nam. Đây chính là sự định vị lại vai trò của khu vực này vì sự thịnh vượng chung của nền kinh tế.

Nguồn: Internet

FDI đã trở thành khu vực kinh tế quan trọng của Việt Nam

Theo lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, kể từ khi Luật Đầu tư nước ngoài ra đời vào tháng 12/1987, cho đến nay, Việt Nam đã trải qua quá trình hơn 30 năm thu hút nguồn vốn FDI.

FDI đã trở thành khu vực kinh tế quan trọng của Việt Nam. Tính lũy kế đến cuối tháng 6 năm 2018, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký đạt 331,2 tỷ USD, vốn giải ngân lũy kế khoảng 180,7 tỷ USD. Tính theo tỉ lệ phần trăm GDP hay theo đầu người thì vốn FDI vào Việt Nam vượt Trung Quốc, Ấn Độ và phần lớn vượt các nước ASEAN.

Hiện có 128 quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Đứng đầu là Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore và Đài Loan (Trung Quốc). Theo lĩnh vực đầu tư, công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm tỉ trọng cao nhất với 189 tỷ USD, chiếm 57,1% tổng vốn đầu tư; tiếp theo là các lĩnh vực kinh doanh bất động sản với 56,2 tỷ USD (chiếm gần 17% tổng vốn đầu tư); sản xuất, phân phối điện, khí nước với 21,92 tỷ USD (chiếm 6,6% tổng vốn đầu tư).

Đồng thời, hình thành những ngành công nghiệp chủ lực như: Viễn thông, dầu khí, điện tử, hóa chất, thép, ô tô – xe máy, công nghệ thông tin, da giày, dệt may, chế biến nông sản thực phẩm…

Qua đó, FDI đã đóng góp lớn trong việc gia tăng năng lực sản xuất và xuất khẩu của Việt Nam.

Đến nay, khu vực FDI chiếm khoảng 25% tổng vốn đầu tư toàn xã hội, trên 70% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.

Ngoài ra, khu vực FDI cũng đã góp phần tăng thu ngân sách, tạo việc làm cho người dân, ổn định tình hình xã hội.

Khu vực này tạo ra khoảng 3,5 triệu việc làm trực tiếp và gần 5 triệu việc làm gián tiếp; trong đó, có nhiều lao động đã được đào tạo và tiếp cận với trình độ công nghệ, quản lý tiên tiến của thế giới.

Thu hút FDI còn góp phần cho quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Từ đó, giúp nâng cao tầm vóc, vai trò và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế; đồng thời, tạo ra những áp lực để hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, thúc đẩy tiến trình tái cơ cấu nền kinh tế nhanh hơn, hiệu quả hơn và thực chất hơn theo hướng đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế.

FDI còn góp phần hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế; thúc đẩy nhanh, có hiệu quả quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam và nâng cao vị thế của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới…

Nhưng chưa thực sự lan tỏa và bứt phá

Mặc dù vậy, tại Việt Nam đến nay vẫn chưa có sự bứt phá trong xu thế thu hút và sử dụng FDI.

Nguồn: Internet

Tác động lan tỏa từ khu vực FDI đến khu vực doanh nghiệp trong nước còn hạn chế. Mục tiêu thu hút nguồn vốn FDI vào lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ nguồn không được như kỳ vọng. Sự liên kết giữa doanh nghiệp FDI với các dự án trong nước, tạo giá trị gia tăng của dòng vốn này còn hạn chế.

Một số chuyên gia đã bày tỏ quan ngại về việc dường như kết quả thu hút FDI các tháng đầu năm 2018 chưa tương xứng với tốc độ cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam. Bởi, mặc dù nhận được sự đánh giá tích cực từ các tổ chức quốc tế về kết quả cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, song từ đầu năm đến nay, Việt Nam vẫn còn ít dự án tỷ USD được cấp giấy chứng nhận đầu tư.

Theo báo cáo các khuyến nghị về Chiến lược và định hướng thu hút FDI thế hệ mới 2020 - 2030 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, FDI đổ vào Việt Nam chủ yếu bắt nguồn từ các yếu tố như chi phí lao động thấp và có cơ chế ưu đãi lớn.

Bên cạnh đó, còn thiếu sự liên kết chặt chẽ trong quản lý, chưa kịp thời thông tin đầy đủ tình hình FDI trên từng địa bàn giữa các cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương cũng như giữa Trung ương với địa phương, giữa các bộ ngành với nhau nên chỉ đến khi FDI để xảy ra sự cố, lúc đó tất cả các cơ quan mới cùng vào cuộc để xử lý.

Công tác quản lý nhà nước về FDI chỗ này chỗ kia, thời điểm này, thời điểm kia vẫn chưa làm hết trách nhiệm, đã để các sự cố xảy ra như gây ô nhiễm môi trường hoặc hiện tượng chuyển giá – trốn thuế của một số các doanh nghiệp FDI đã được biết đến, nói đến từ lâu nhưng chưa có giải pháp xử lý triệt để.

Sự thiếu sót trong công tác quản lý nhà nước về FDI nêu trên đã dẫn đến các tồn tại của FDI, đó là hiệu ứng lan tỏa của FDI chưa cao, gắn kết giữa khu vực doanh nghiệp FDI với doanh nghiệp trong nước còn yếu.Số doanh nghiệp FDI 100% vốn nước ngoài chiếm trên 70%, phần còn lại mới là hình thức đầu tư liên doanh, cổ phần…

FDI cũng chưa thu hút được công nghệ cao, công nghệ nguồn, mới chỉ có một số ít doanh nghiệp Việt Nam tham gia được vào dây chuyền sản xuất của các doanh nghiệp FDI nên giá trị gia tăng từ khu vực trong nước thấp; định hướng thu hút theo ngành, theo đối tác còn hạn chế.

Đầu tư vào nông nghiệp còn ít; mức đầu tư tại Việt Nam giữa các đối tác chiến lược nước ngoài còn khoảng cách lớn; đầu tư vào bất động sản cao trong khi các doanh nghiệp Việt đã đủ sức thực hiện và phát triển lĩnh vực này ,..). Tỷ trọng các doanh nghiệp FDI có qui mô nhỏ dưới 5 triệu USD vốn đăng kí còn lớn, chiếm trên 75% số lượng dự án được cấp phép.

Kết quả thu hút FDI còn thăng trầm giữa các giai đoạn, phụ thuộc vào bối cảnh quốc tế nhiều hơn vào tính cạnh tranh của môi trường đầu tư Việt Nam. Mức độ giải ngân vốn đăng kí còn thấp, trong 310 tỷ USD vốn đăng kí mới giải ngân được 170 tỷ USD còn đến 140 tỷ USD chưa thực hiện với nhiều dự án chậm triển khai, dự án treo.. gây lãng phí tài nguyên đất đai, ảnh hưởng đến đời sống người dân trong khu vực.

Thay đổi chiến lược để định vị lại vai trò

Để cải thiện thu hút FDI, các chuyên gia kinh tế đầu ngành đều khuyến nghị Việt Nam phải thay đổi tư duy trong thu hút đầu tư nước ngoài.

Đó là, cần thay đổi cơ bản về định hướng đầu tư nước ngoài, đặc biệt cần xúc tiến đầu tư có mục tiêu chứ không phải xúc tiến đầu tư theo kiểu đại trà.

Cần nâng cao chất lượng đầu tư FDI, gắn kết FDI và doanh nghiệp tư nhân để tham gia nhiều hơn, hiệu quả hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Việt Nam cần có khung chính sách mới, trong đó, phải bám sát mục tiêu thu hút từ ưu đãi thuế “thuần túy lợi nhuận”, sang các chính sách ưu đãi về hành vi như: ưu tiên các dự án FDI có chất lượng cao hơn.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định thu hút vốn đầu tư nước ngoài sẽ có trọng tâm, trọng điểm nhiều hơn. Phải có bộ lọc nhất định chứ không thu hút, phát triển theo hướng hô hào thu hút theo chiều rộng mà không quan tâm đến chất lượng đến thu hút đầu tư. Điều quan trọng hơn cả là trong bối cảnh mới với nhiều diễn biến, biến động mau lẹ của nền kinh tế thế giới, chúng ta phải định vị lại vai trò của khu vực đầu tư nước ngoài trong giai đoạn mới.

Nguồn: Internet

“Tôi khẳng định, sẽ có điều chỉnh về mặt chiến lược, định hướng để làm sao thu hút được nguồn vốn đầu tư nước ngoài đúng định hướng và mang lại những hiệu quả tốt. Đặc biệt là phải khắc phục được những bất cập trong thời gian vừa qua. Cùng đó, tiếp tục thu hút FDI nhưng có trọng tâm, trọng điểm hơn, có những xu thế phù hợp với tình hình thực tế hiện nay”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.

Cụ thể hơn, thu hút sẽ phải gắn với phát triển bền vững, tức là phải có trình độ công nghệ cao hơn, có thân thiện môi trường, ít phát thải gây hiệu ứng nhà kính. Đặc biệt là tiết kiệm nhiên liệu, tài nguyên nhiều hơn.

Quá trình thu hút đầu nước ngoài phải gắn với cả với quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, gắn với quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Ngoài ra, việc thu hút cũng phải gắn kết với các doanh nghiệp trong nước nhiều hơn để tạo điều kiện thúc đẩy khu vực doanh nghiệp trong nước phát triển, để doanh nghiệp trong nước có điều kiện vươn lên có cơ hội tham gia vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu. Đặc biệt là thúc đẩy phát triển các vùng miền một cách cân đối, hài hòa.

Phải gắn với bối cảnh thực hiện cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và yêu cầu bức thiết là đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường đối thoại công - tư, bảo vệ nhà đầu tư chân chính.

Minh Hoa

Nguồn Doanh Nhân VN: https://doanhnhanvn.vn/chinh-tri-thoi-su/dinh-vi-lai-vai-tro-cua-khu-vuc-dau-tu-nuoc-ngoai-3642.html