'Định vị' thị trường cho ngành cơ khí

'Cần có sự phân tích khoa học, chính xác về nhu cầu thị trường, chỉ rõ những khoảng trống cho ngành cơ khí phát triển, những lĩnh vực mà ngành cơ khí Việt Nam có thể cạnh tranh được'.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã chỉ đạo như vậy tại Hội nghị chuyên đề về các giải pháp thúc đẩy phát triển ngành cơ khí, diễn ra sáng nay (24/9).

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng: Cơ khí là ngành công nghiệp then chốt, là cơ sở, nền tảng, động lực cho sự phát triển công nghiệp của bất cứ quốc gia nào.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng: Cơ khí là ngành công nghiệp then chốt, là cơ sở, nền tảng, động lực cho sự phát triển công nghiệp của bất cứ quốc gia nào.

Hạn chế kéo dài

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, số lượng doanh nghiệp cơ khí đang hoạt động và có kết quả kinh doanh khoảng 25.014 doanh nghiệp, chiếm gần 30% tổng số doanh nghiệp công nghiệp chế biến chế tạo; với doanh thu thuần hoạt động sản xuất kinh doanh là 1.465.008 tỷ đồng và tạo việc làm cho khoảng 1.123.545 lao động.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, sản phẩm cơ khí Việt Nam chỉ có rất ít thương hiệu trong nước. Các doanh nghiệp cơ khí nội địa phổ biến là quy mô nhỏ, có năng lực cạnh tranh thấp, chưa làm chủ được công nghệ lõi hoàn chỉnh trong lĩnh vực cơ khí.

Bên cạnh đó, chất lượng sản phẩm chưa tốt, giá thành sản phẩm cao, tính cạnh tranh của sản phẩm kém, gần như chưa có sản phẩm công nghiệp chủ lực trong ngành cơ khí đủ khả năng cạnh tranh với sản phẩm nhập khẩu.

"Hạn chế của ngành cơ khí trong nước đã được nói đến rất nhiều nhưng cứ kéo dài mãi. Hiệu quả đầu tư của toàn ngành cơ khí nhìn chung chưa cao, chưa thể hiện vai trò là nền tảng cho phát triển công nghiệp”.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh

Theo người đứng đầu Bộ Công Thương, dù tỷ lệ số lượng doanh nghiệp đang hoạt động trong ngành cơ khí trên tổng số doanh nghiệp các ngành chế biến chế tạo khá cao (gần 30%), tuy nhiên tỷ lệ giá trị doanh thu thuần sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp ngành cơ khí so với toàn ngành chế biến, chế tạo khá thấp và có xu hướng giảm qua các năm (hơn 18%).

Mặt khác, trình độ cơ khí chế tạo (là trụ cột của sản xuất công nghiệp), đặc biệt là cơ khí chính xác còn lạc hậu so với nhiều nước từ 2 – 3 thế hệ. Các doanh nghiệp cơ khí của Việt Nam hầu hết chưa làm chủ được công nghệ nguồn, thiếu máy móc chuyên dụng phục vụ chuyên môn hóa sản xuất. Hàm lượng giá trị gia tăng nội địa tạo ra trong ngành cơ khí rất hạn chế.

Đặc biệt, các doanh nghiệp cơ khí có thiết bị gia công điều khiển số (PLC, CNC, …) chiếm tỷ trọng nhỏ, khoảng 15% và những thiết bị này chưa phát huy hết tác dụng do tính đồng bộ trong dây chuyền sản xuất chưa cao, vì vậy phần lớn các doanh nghiệp cơ khí chưa sẵn sàng cho việc ứng dụng các thành tựu của Cách mạng công nghiệp 4.0 vào sản xuất nhằm nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm.

Tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam vẫn chưa có các doanh nghiệp cơ khí lớn mang tầm cỡ khu vực và quốc tế đóng vai trò dẫn dắt ngành. Công tác nghiên cứu và phát triển sản phẩm phần lớn phụ thuộc vào các hãng nước ngoài.

Sản phẩm cơ khí Việt Nam chỉ có rất ít thương hiệu trong nước. Các doanh nghiệp cơ khí nội địa phổ biến là quy mô nhỏ, có năng lực cạnh tranh thấp, chưa làm chủ được công nghệ lõi hoàn chỉnh trong lĩnh vực cơ khí. Chất lượng sản phẩm chưa tốt, giá thành sản phẩm cao, tính cạnh tranh của sản phẩm kém, gần như chưa có sản phẩm công nghiệp chủ lực trong ngành cơ khí đủ khả năng cạnh tranh với sản phẩm nhập khẩu.

Xác định rõ thị trường

Từ 2002, Thủ tướng Chính phủ ban hành các chiến lược phát triển ngành cơ khí Việt Nam. Luật Đầu tư năm 2005, 2014 xác định cơ khí chế tạo là một trong những lĩnh vực ưu đãi đầu tư.

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều cơ chế ưu đãi, khuyến khích phát triển ngành cơ khí chế tạo. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định về cơ chế hỗ trợ phát triển sản xuất sản phẩm cơ khí trọng điểm và Danh mục các sản phẩm cơ khí trọng điểm, Danh mục dự án đầu tư sản xuất sản phẩm cơ khí trọng điểm. Đồng thời, có nhiều chính sách khuyến khích phát triển các ngành cơ khí chiến lược như sản xuất, lắp ráp ô tô; sản xuất xe máy; cơ khí phục vụ nông nghiệp; cơ khí cho lĩnh vực năng lượng…; khuyến khích các ngành công nghiệp hỗ trợ cho cơ khí.

Trong thời gian qua, ngành cơ khí trong nước đã có bước phát triển rất quan trọng. Tuy nhiên, như nhìn nhận của Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, ngành cơ khí nước ta đang có dấu hiệu phát triển chậm và còn nhiều hạn chế. Năng lực của ngành cơ khí nước ta còn thấp. Hiện tại, mới chỉ đáp ứng 32% nhu cầu sản phẩm cơ khí trong nước. Còn thiếu nhiều thương hiệu sản phẩm cơ khí trong nước.

Cho ý kiến về vấn đề này, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã nhấn mạnh yêu cầu phải phát triển được một nền công nghiệp cơ khí từng bước hiện đại, làm nền tảng cho các ngành sản xuất công nghiệp-dịch vụ khác.

“Ngành cơ khí là ngành công nghiệp then chốt, là cơ sở, nền tảng, động lực cho sự phát triển công nghiệp của bất cứ quốc gia nào, đặc biệt với đất nước đang trong quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa như Việt Nam”.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng

“Ngành cơ khí Việt Nam phải phát triển với các sản phẩm có chất lượng, chi phí sản xuất thấp, sức cạnh tranh cao để tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu”, Phó Thủ tướng nói.

Để thực hiện mục tiêu này, đòi hỏi phải có sự nỗ lực của tất cả các doanh nghiệp, hiệp hội, các chuyên gia, nhà khoa học. Đặc biệt, cần có sự vào cuộc quyết liệt hơn của Nhà nước, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương trong việc hoàn thiện cơ chế, chính sách ưu đãi hơn, khuyến khích hơn đối với ngành cơ khí nhằm tạo các cơ chế, chính sách ưu đãi hơn, khuyến khích hơn đối với ngành cơ khí nhằm tạo môi trường thuận lợi để huy động nguồn lực phát triển ngành cơ khí Việt Nam trong thời gian tới.

“Cần có sự phân tích khoa học, chính xác về nhu cầu thị trường, chỉ rõ những khoảng trống cho ngành cơ khí phát triển, những lĩnh vực mà ngành cơ khí Việt Nam có thể cạnh tranh được”, Phó Thủ tướng nêu vấn đề.

Đồng thời, cần chỉ rõ những cơ hội và thách thức trong thời gian tới đối với ngành cơ khí Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Từ đó, đề xuất định hướng, giải pháp cụ thể (của Nhà nước, hiệp hội, DN) nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển ngành cơ khí Việt Nam thời gian tới.

“Các giải pháp cần đặc biệt chú trọng tính hiệu quả, khả thi, phù hợp với điều kiện tình hình thực tế”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

BBT

Nguồn DĐDN: https://enternews.vn/dinh-vi-thi-truong-cho-nganh-co-khi-158276.html