Định vị thương hiệu cho cà phê Sơn La

Cây cà phê Sơn La từ 'sứ mệnh' xóa đói giảm nghèo, giờ đã trở thành cây công nghiệp chủ lực của tỉnh, có vị thế trên thị trường trong nước và quốc tế.

Từ “sứ mệnh” xóa đói, giảm nghèo, cà phê Sơn La đã trở thành cây công nghiệp chủ lực của tỉnh

Từ “sứ mệnh” xóa đói, giảm nghèo, cà phê Sơn La đã trở thành cây công nghiệp chủ lực của tỉnh

Đậm đà hương vị Việt

Với gần 20.000 ha, cho sản lượng 30.000 tấn mỗi năm, Sơn La hiện là vùng trồng cà phê Arabica lớn của cả nước. Cà phê Sơn La được trồng tập trung tại thành phố Sơn La và hai huyện Mai Sơn, Thuận Châu.

Trước đây, sản phẩm cà phê Sơn La chủ yếu được chế biến thô cà phê nhân để xuất khẩu. Tuy nhiên, 5 năm gần đây, nhiều doanh nghiệp (DN) trong nước đã đẩy mạnh đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu ổn định để chế biến, cung cấp cho thị trường nhiều loại sản phẩm như cà phê nguyên chất dùng cho pha máy hiện đại, pha phin truyền thống hay cà phê hòa tan tiện dụng, với nhãn hiệu được người tiêu dùng biết đến như: Cà phê Zabica, cà phê Minh Tiến...

Theo nhận xét của nhiều chuyên gia, cà phê Arabica Sơn La có màu nâu cánh gián, đắng nhẹ, hương vị đậm đặc, thơm ngon không kém gì cà phê Arabica của Bzazil. Sở dĩ, cà phê Sơn La có được danh tiếng như vậy một phần là nhờ địa hình, đất đai, khí hậu của khu vực thích hợp với giống cà phê Arabica.

Nhờ chất lượng tốt nên sản phẩm cà phê của Sơn La được người tiêu dùng trong và ngoài nước rất yêu thích. Chính điều đó đã giúp cây cà phê từ “sứ mệnh” xóa đói giảm nghèo trở thành cây làm giàu cho hơn 16.000 hộ nông dân của tỉnh Sơn La.

Hướng đi bền vững

Sau hiệu quả kinh tế rõ rệt mà cây cà phê mang lại, các cơ quan chức năng tỉnh Sơn La đã định hình phát triển loại nông sản này thành cây công nghiệp chủ lực để chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Theo đó, ngành nông nghiệp tỉnh đã hướng dẫn cho nông dân kỹ thuật chăm bón; khuyến khích DN đầu tư, liên kết để trồng và tiêu thụ cà phê. Đồng thời, tỉnh cũng ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất, phát triển theo hướng bền vững.

Đặc biệt, từ năm 2014 đến nay, tỉnh Sơn La đã thí điểm mô hình tưới nhỏ giọt theo công nghệ Israel cho 7 hộ tại xã Chiềng Ban, huyện Mai Sơn; 35 hộ ở xã Chiềng Cọ, thành phố Sơn La; 2 hộ ở xã Phỏng Lái, huyện Thuận Châu. Kết quả, diện tích cây cà phê được chăm sóc đúng quy trình đã ra hoa và đậu quả tốt, cho năng suất và sản lượng cao hơn những diện tích không áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt Israel.

Cùng với đó, tỉnh đặc biệt quan tâm đến việc đăng ký bảo hộ và quản lý việc sử dụng địa danh “Sơn La” cho sản phẩm cà phê trên thị trường... nhằm nâng cao danh tiếng, quảng bá phát triển sản phẩm, thúc đẩy sản xuất của người dân, thu hút các DN đầu tư, xây dựng chuỗi giá trị mang lại lợi ích kinh tế cho người dân, địa phương và DN.

Sau nhiều nỗ lực, ngày 28/9/2017 cà phê Sơn La đã chính thức được nhận văn bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý. Đây là cơ hội để thương hiệu cà phê Sơn La được nhiều người biết đến, xác định vị thế tại thị trường trong nước.

Việc xây dựng chỉ dẫn địa lý tạo nền tảng vững chắc cho thương hiệu cà phê Sơn La vươn ra thị trường thế giới. Đồng thời, giúp nâng cao giá trị cà phê, đóng góp sự phát triển bền vững cho ngành cà phê trong nước.

Thanh Tâm

Nguồn Công Thương: http://congthuong.vn/dinh-vi-thuong-hieu-cho-ca-phe-son-la-109574.html