Disney thành lập lực lượng đặc nhiệm nghiên cứu và phát triển AI

Mới đây, Walt Disney đã thành lập lực lượng đặc nhiệm chuyên nghiên cứu phát triển dự án trí tuệ nhân tạo với mong muốn triển khai toàn tập đoàn. Động thái này vấp phải nhiều ý kiến trái chiều từ các nhà văn và diễn viên Hollywood…

Hiệp hội Nhà văn Hoa Kỳ và Hiệp hội Diễn viên điện ảnh biểu tình bên ngoài Disney Studios ở Burbank, California, vào ngày 18/07/2023.

Ra mắt vào đầu năm nay, trước khi cuộc đình công của các biên kịch Hollywood nổ ra, lực lượng chuyên trách của Walt Disney đang tìm cách phát triển ứng dụng AI nội bộ và xây dựng quan hệ đối tác với nhiều công ty khởi nghiệp, theo CNBC.

Để biến mục tiêu thành sự thật, Disney đang tìm kiếm 11 vị trí ứng viên có chuyên môn cao về trí tuệ nhân tạo hoặc học máy.

Các vị trí phân bổ đa dạng ở nhiều phòng ban từ Walt Disney Studios đến công viên giải trí, nhóm kỹ thuật, Walt Disney Imagineering, truyền hình Disney và bộ phận quảng cáo, đều đang tìm cách xây dựng một hệ thống quảng cáo thông minh vận hành bởi AI "thế hệ tiếp theo".

Phát ngôn viên của Disney từ chối bình luận thêm.

Theo nguồn tin cho biết, một nhân viên giấu tên ủng hộ việc các công ty truyền thông truyền thống như Disney ứng dụng AI để phát triển kinh doanh, nếu không, chính hãng sẽ bị tụt lại phía sau.

Người này coi AI là một công cụ giúp kiểm soát chi phí sản xuất phim và truyền hình tăng vọt, có thể lên tới 300 triệu USD cho một bộ phim lớn như Indiana Jones hay Nàng tiên cá. Ngân sách sản xuất đòi hỏi doanh thu phòng vé phải lớn tương đương chỉ để đủ hòa vốn.

Đối với hoạt động kinh doanh công viên, AI có thể tăng cường hỗ trợ khách hàng hoặc tạo ra nhiều tương tác mới lạ, một cựu nhân viên tại Disney Imagineer cho hay.

Imagineer trước đây đã ra mắt Dự án Kiwi sử dụng kỹ thuật học máy tạo ra Baby Groot - một robot nhỏ có thể di chuyển tự do, bắt chước hành động và tính cách của nhân vật trong "Guardians of the Galaxy". Học máy giúp robot có thể nhận ra và điều hướng đối tượng trong môi trường xung quanh. Ngày nào đó, Baby Groot sẽ có thể tương tác với khách hàng một cách trôi chảy, cựu nhân viên Imagineer nói.

AI đã trở thành chủ đề nóng ở Hollywood, nơi các nhà văn và diễn viên coi là một mối đe dọa hiện hữu đối với cơ hội việc làm trong ngành. Đây là vấn đề trọng tâm trong các cuộc đàm phán hợp đồng giữa doanh nghiệp và thành viên Hiệp hội Diễn viên điện ảnh và Hiệp hội Nhà văn Hoa Kỳ, là nguyên nhân gián tiếp dẫn tới cả hai Hiệp hội đều đình công.

Disney tỏ ra khá thận trọng với cuộc thảo luận về AI trước công chúng. Các giám sát hiệu ứng hình ảnh từng làm việc trong bộ phim "Indiana Jones" đã nhấn mạnh công sức lao động vất vả của hơn 100 nghệ sĩ. Hơn nữa, hãng đã rất “đau đầu” để tìm ra cách "giảm tuổi" của Harrison Ford với mong muốn nam diễn viên có thể xuất hiện như chính mình lúc còn trẻ trong bộ phim.

TÀU HƠI NƯỚC WILLIE

Thực tế, Disney đã rất đầu tư đổi mới công nghệ từ những ngày đầu thành lập. Năm 1928, công ty ra mắt "Steamboat Willie" (Tàu hơi nước Willie) - bộ phim hoạt hình đầu tiên có nhạc nền đồng bộ. Hiện phim đang nắm giữ hơn 4.000 bằng sáng chế ứng dụng trong các công viên giải trí, phim ảnh và hàng hóa.

Giám đốc điều hành Disney Bob Iger coi việc nắm bắt công nghệ là một trong ba ưu tiên cấp thiết khi ông lần đầu tiên được bổ nhiệm giữ chức CEO vào năm 2005.

Ba năm sau, công ty đã công bố sáng kiến nghiên cứu và phát triển công nghệ với nhiều trường đại học hàng đầu thế giới, tài trợ cho các phòng thí nghiệm tại Viện Công nghệ Liên bang Thụy Sĩ ở Zurich và Đại học Carnegie Mellon ở Pittsburgh, Pennsylvania. Tuy nhiên sau đó, công ty đã cho đóng cửa phòng thí nghiệm Pittsburgh vào năm 2018.

Nhóm nghiên cứu Disney tại Hoa Kỳ đã phát triển một công nghệ thực tế hỗn hợp có tên "Magic Bench", cho phép người dùng chia sẻ không gian với một nhân vật ảo trên màn hình mà không cần thông qua thiết bị chuyên dụng.

Tại Thụy Sĩ, Disney Research tập trung phát triển AI, học máy và điện toán trực quan. Hãng đã dành cả thập kỷ để tạo ra "con người kỹ thuật số" Medusa mà theo mô tả là "không thể phân biệt được" với các đối tác diễn viên hoặc nhân vật giả tượng.

Theo nguồn tin thân cận, công nghệ này được sử dụng để tăng cường hiệu ứng kỹ thuật số chứ không thay thế các vai diễn con người.

Hệ thống có ghi lại tần suất Medusa được sử dụng để tái tạo khuôn mặt các diễn viên mà không cần thông qua kỹ thuật chụp chuyển động truyền thống. Theo đó, công nghệ này đã được sử dụng trong hơn 40 bộ phim, bao gồm cả Black Panther: Wakanda Forever của Marvel Entertainment.

Ông Hao Li, Giám đốc điều hành và đồng sáng lập Pinscreen, cựu trưởng nhóm nghiên cứu tại Industrial Light & Magic của Disney cho biết đã làm việc trên nhiều tài liệu nghiên cứu và phòng thí nghiệm của Disney khi học tại Zurich từ năm 2006 đến 2010. Ông khẳng định: "Nghiên cứu AI tại Disney đã có từ rất lâu và tất cả xoay quanh vấn đề được thảo luận gần đây: AI có thể thực sự đang giúp chúng ta làm phim hay robot bên trong các công viên giải trí có thể nói chuyện với khách tham quan được hay không?".

Disney Imagineering năm ngoái đã tiết lộ sáng kiến đầu tiên trong lĩnh vực trải nghiệm nhân vật do AI điều khiển là máy bay không người lái cabin D3-09, đặt tại khách sạn Star Wars Galactic Starcruiser. Sản phẩm có thể trả lời các câu hỏi trên màn hình video và đối đáp dựa trên cuộc trò chuyện với khách hàng.

Bảo Ngọc

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/disney-thanh-lap-luc-luong-dac-nhiem-nghien-cuu-va-phat-trien-ai.htm