Đìu hiu chợ truyền thống

Ở vùng nông thôn, chợ truyền thống là nơi buôn bán chủ yếu bởi nhiều lý do như: thói quen tiêu dùng của người dân, không gian rộng rãi, 'thuận mua vừa bán', những đặc tính riêng biệt về văn hóa… Người tiêu dùng có nhu cầu mua món hàng gì từ nhỏ đến lớn đều ghé chợ và thói quen đi chợ được xem là nét văn hóa đặc trưng của phụ nữ Việt Nam. Tuy nhiên vài năm trở lại đây, thói quen ấy đang thay đổi dần, kéo theo lượng khách hàng vào chợ giảm đáng kể.

VẮNG KHÁCH, CHỢ ĐÌU HIU

Khu vực nhà lồng chợ Tân Hưng, xã Tân Hưng, huyện Hớn Quản, số sạp hàng đóng cửa đã chiếm khoảng 80%. Đầu nhà lồng chỉ còn 2 ki-ốt mở cửa. Chủ một ki-ốt nằm vắt vẻo trên võng với chiếc radio phát ra âm thanh rè rè. Thấy chiếc máy quay phim của chúng tôi, ông nói vọng ra: “Chợ không có người đâu. Cô chú quay gì vậy?”. Cả khu chỉ còn vài sạp hàng thịt heo cầm cự buôn bán ở cuối nhà lồng. Tuy nhiên, tình hình buôn bán cũng không khả quan. Mới 8 giờ nhưng các sạp hàng đã vắng khách. “Chợ có người đâu, thứ Bảy, Chủ nhật cũng vắng” - chị Trần Thị Tuyền, tiểu thương bán thịt heo ở chợ Tân Hưng than thở. Trên sạp hàng của chị, thịt heo còn rất nhiều. “Bán ế quá nên nhiều khi 2 người chung 1 con heo mà bán còn không hết” - chị Tuyền cho biết.

Sạp hàng rau ở chợ Tân Hưng, xã Tân Hưng, huyện Hớn Quản vắng người mua

Phía dưới, các sạp hàng rau cũng lác đác người qua lại. “Tình hình này là khó khăn chung, giờ ai cũng bán ít lắm, bán kém hơn trước nhiều” - anh Phan Văn Đầy, tiểu thương bán hàng rau ở chợ Tân Hưng chia sẻ.

Nhà lồng chợ Tân Hưng giờ chỉ còn một vài sạp hàng thịt heo ở cuối chợ

Không riêng chợ Tân Hưng mà nhiều chợ nông thôn khác trên địa bàn tỉnh cũng rơi vào tình trạng tương tự. Chị Bùi Thị Hiền, tiểu thương chợ Bom Bo, xã Bom Bo, huyện Bù Đăng cho biết: Mình là người ngồi lâu nhất ở chợ Bom Bo nhưng cuối cùng cũng phải ra ngoài buôn bán. Cứ ngồi ở trong chợ thì không thể kiếm sống được. Ra ngoài bán thì được hơn”. Chợ Bom Bo giờ chỉ còn các sạp quần áo và hàng tiêu dùng nhỏ lẻ. Khu vực dành cho các sạp hàng thịt, cá, rau củ đã trống trơn, trơ lại sàn xi măng và khung mái sắt.

“HỤT HƠI” TRƯỚC XU HƯỚNG TIÊU DÙNG MỚI

Những năm gần đây, với sự phát triển của hệ thống các siêu thị, đặc biệt là chuỗi cửa hàng tiện lợi ngày càng “phủ sóng” rộng khắp, sức mua của nhiều mặt hàng tại chợ truyền thống giảm mạnh. Trước đây, người tiêu dùng, nhất là những người nội trợ vẫn thường lui tới các chợ để mua hàng thì hiện nay, nhu cầu mua sắm đã dần thay đổi. Các mặt hàng như quần áo, giày dép… ở chợ truyền thống trở nên “hụt hơi” khi phải cạnh tranh với các cửa hàng hiện đại, siêu thị, những hình thức mua hàng qua mạng. Người dân đã không còn xem chợ truyền thống là địa điểm duy nhất để mua sắm. “Cùng là chai nước mắm, mì gói nhưng hàng hóa ở siêu thị rất đa dạng, có nhiều loại để lựa chọn hơn ở quầy tạp hóa, sạp chợ. Siêu thị lại còn thường xuyên có khuyến mãi giảm giá, tặng quà, giao hàng trực tuyến” - bà Dương Hương Huyền, xã Tân Hưng, huyện Hớn Quản cho biết.

Khu vực buôn bán thực phẩm sống ở chợ Bom Bo, huyện Bù Đăng vắng bóng tiểu thương

Bên cạnh đó, sự phát triển của các chợ tự phát là nguyên nhân chính khiến chợ truyền thống rơi vào tình trạng ế ẩm. Người dân chỉ cần tạt qua là mua được thứ mình cần nên việc vào chợ dường như bị lãng quên. “Ghé lề đường là mua được thịt, cá rồi nên đâu ai vào chợ làm gì” - chị Nguyễn Thị Bé, tiểu thương chợ Bom Bo cho biết.

Hiện tình hình kinh tế người dân cũng khó khăn. Họ tiết kiệm trong mua sắm nên hạn chế đi chợ. Phần nữa do người dân chỉ muốn mua bán ở những nơi tiện lợi nên việc tiểu thương “chạy chợ” là không tránh khỏi. Ban Quản lý chợ vẫn tuyên truyền để tiểu thương hạn chế buôn bán ở khu vực lòng đường, vỉa hè; đồng thời phối hợp ngành chức năng lập lại trật tự xung quanh chợ.

Ông HUỲNH TRUNG CẦU, Trưởng Ban quản lý chợ Bom Bo, xã Bom Bo, huyện Bù Đăng

Tiểu thương trong chợ giờ phải chịu nhiều áp lực bủa vây. Áp lực từ sức mua giảm do kinh tế khó khăn, từ sự cạnh tranh của các loại hình kinh doanh bán lẻ hiện đại và xu hướng tiêu dùng mới. Khung cảnh họp chợ nhộn nhịp, tất bật ngày nào giờ trở thành mong ước của tiểu thương. “Chúng tôi mong muốn tất cả hàng cá, hàng thịt… tập trung vào chợ buôn bán. Đã làm chợ thì phải có người họp, người bán - mua. Chợ phải có rau, có thịt, có mọi thứ thì mới thuận tiện, đáp ứng đầy đủ cho người đi chợ. Và như thế, chúng tôi mới bán được hàng” - chị Vũ Thị Hồng, tiểu thương chợ Bom Bo chia sẻ.

Khi ngày càng có nhiều sự lựa chọn mua sắm thì cũng là lúc chợ truyền thống phải bước vào cuộc cạnh tranh khốc liệt với các loại hình kinh doanh khác. Nếu không sớm có biện pháp trong cuộc cạnh tranh này, tình trạng đóng cửa các sạp hàng sẽ còn nhiều hơn khi tình hình kinh tế vẫn đang tiếp tục khó khăn.

Thu Thảo

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/9/143590/diu-hiu-cho-truyen-thong