Đìu hiu khu chợ xuống cấp, tiềm ẩn nguy cơ chập cháy

Đó là thực trạng đáng lo ngại đang diễn ra tại khu chợ Ngã Tư Sở, quận Đống Đa (Hà Nội), nơi vốn đã từng là một trong những khu chợ truyền thống hạng 1, với quy mô lớn kinh doanh, buôn bán nhộn nhịp, sầm uất thuộc vào hàng bậc nhất Thủ đô.

Cảm nhận đầu tiên của chúng tôi khi bước chân vào trong khu chợ Ngã Tư Sở là hình ảnh lụp xụp, ẩm thấp, thưa vắng với rất nhiều gian hàng bỏ hoang, ki ốt đóng cửa, nhiều kệ bày hàng phủ bụi, hư hỏng.

Khu mái chợ cơi nới mạng nhện giăng kín, được che chắn tạm bợ bằng đủ thứ tôn, gỗ dán, nhựa, hay phủ bạt để tránh mưa nắng, nhưng ngay cả những nguyên liệu này cũng hoen gỉ, ố vàng, đứt gãy, rách nát. Nền chợ ẩm ướt, nhếch nhác, tường bong tróc, lở, mốc meo,...

Chợ Ngã Tư Sở ở thời điểm hiện tại.

Chợ Ngã Tư Sở ở thời điểm hiện tại.

Khu mái chợ cơi nới mạng nhện giăng kín, được che chắn tạm bợ nay cũng xập xệ, rách nát.

Máng nước hoen gỉ bị đứt gãy.

Nhiều gian hàng bỏ hoang, ki ốt đóng cửa,

Tường tróc lở.

Theo tìm hiểu của phóng viên, chợ Ngã Tư Sở là chợ truyền thống hạng 1, được đưa vào sử dụng từ năm 1987 với quy mô hàng ngàn gian hàng. Sau này, thành phố lấy đất xây cầu vượt Ngã Tư Sở (dọc phố Cầu Mới), quy mô chợ thu hẹp lại còn khoảng gần 800 gian hàng.

Giai đoạn 2008 - 2010, thành phố có chủ trương xây dựng lại, nhưng do vướng mắc về việc chưa thống nhất được quy chuẩn và chủ đầu tư chậm thực thi nên dự án bị treo. Từ đó đến nay nhiều hạng mục trong chợ đã xuống cấp khá trầm trọng.

Cùng với đó là sự phát triển rầm rộ của các trung tâm thương mại, siêu thị tiện lợi hay hình thức kinh doanh thương mại điện tử đã khiến cho các chợ truyền thống nói chung hay chợ Ngã Tư Sở nói riêng dần trở nên vắng khách.

Do kinh doanh kém hiệu quả cùng với tình trạng xập xệ, xuống cấp của khu chợ nên nhiều hộ kinh doanh đã chuyển đi hoặc tạm thời đóng cửa hàng, ki ốt. Đến nay chỉ còn khoảng 200 hộ cố gắng cầm cự, trong đó nhiều người không hẳn vì mưu sinh mà vì niềm vui với văn hóa chợ truyền thống.

Một chủ sạp quần áo kinh doanh hơn 30 năm tại đây cho biết: "Chúng tôi giờ cũng nhiều tuổi rồi, biết đi đâu, làm gì. Việc buôn bán khá ế ẩm, khách hàng đa phần là những khách quen. Nhiều lúc ở nhà cũng buồn nên ra chợ cho có chị có em chứ biết làm sao bây giờ".

Hiện chợ còn khoảng 200 hộ kinh doanh chủ yếu các mặt hàng là quần áo, giày dép, đồ mỹ nghệ và gia dụng.

Các tiểu thương trong chợ hiện kinh doanh chủ yếu các mặt hàng là quần áo, giày dép, đồ mỹ nghệ và gia dụng. Đây đều là những thứ dễ bắt cháy, trong khi theo quan sát, hệ thống dây điện ở đây đã cũ kỹ, nhiều năm không được bảo trì, tiềm ẩn nguy cơ chập cháy, đặc biệt trong những ngày hè oi bức như hiện nay.

Điều đáng lo ngại hơn là quanh khu chợ hệ thống chữa cháy khá sơ sài, chỉ có các bình chữa cháy mini, trong đó nhiều bình có dấu hiệu lâu ngày không được bảo quản đã phủ bụi, hoen gỉ.

Hệ thống điện ở đây đã cũ kỹ, nhiều năm không được bảo trì, tiềm ẩn nguy cơ chập cháy, đặc biệt trong những ngày hè oi bức như hiện nay.

Nếu không may xảy ra sự cố chập điện... các gian hàng quần áo kia có lẽ sẽ nhanh chóng bị thiêu rụi.

Dây điện loằng ngoằng, cũ kỹ.

Điều đáng lo ngại hơn là quanh khu chợ hệ thống chữa cháy khá sơ sài, chỉ có các bình chữa cháy mini, trong đó nhiều bình có dấu hiệu lâu ngày không được bảo quản đã phủ bụi, hoen gỉ.

Chia sẻ với PV, ông Vũ Đình Biên - Phụ trách quản lý chợ Ngã Tư Sở (thuộc Ban quản lý chợ quận Đống Đa) đã thừa nhận thực trạng về nguy cơ hỏa hoạn trong khu chợ là thường trực.

Theo ông Biên, chợ xây đã lâu nên các quy chuẩn đảm bảo về PCCC như đường đi lối lại, thiết bị, hệ thống báo cháy tự động… là không đáp ứng được. Hiện còn hàng trăm hộ vẫn đang kinh doanh tại đây, đồng thời khu chợ vẫn đáp ứng nhu cầu cho đông đúc người dân quanh khu vực giáp ranh giữa quận Đống Đa và Thanh Xuân.

Hiện chợ đã bố trí sẵn 3 bể chứa ngầm ở 3 khu vực với các máy bơm cao áp phòng nguy cơ hỏa hoạn.

"Để tiếp tục duy trì hoạt động tạm thời, đảm bảo công tác chữa cháy tại chỗ, chúng tôi đã tăng cường các bình bọt, tăng bể chứa nước với máy bơm cứu hỏa và tăng người. Hiện chúng tôi đã tăng lên 3 bể chứa ở 3 khu vực. Chúng tôi cũng ký hợp đồng huy động những người về hưu, bộ đội xuất ngũ rồi cho đi huấn luyện về công tác PCCC, làm sao đủ nhân lực luôn túc trực cả 3 ca ngày đêm..." - ông Biên nói.

Uống nước đá trong mùa hè - tưởng mát nhưng cực nhiều nguy hại - SKĐS

Phú Linh

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/diu-hiu-khu-cho-xuong-cap-tiem-an-nguy-co-chap-chay-169230602074938623.htm