Dìu nhau qua bóng tối

Những người khiếm thị đã quy tụ lại, nương tựa vào nhau nơi xóm nghèo, dìu dắt nhau đi qua tháng năm khó khổ. Họ không chỉ sống cho bản thân, cho hôm nay mà còn phấn đấu vì tương lai của những đứa trẻ.

Những người khiếm thị hát cho nhau nghe

Những người khiếm thị hát cho nhau nghe

Vật lộn mưu sinh

Gần chục năm nay, dãy phòng trọ nằm cuối con hẻm Y Som Niê (phường Tân Lập, TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) đã trở thành làng quê thứ hai của nhiều cặp vợ chồng mù mưu sinh bằng nghề bán dạo những món hàng nhỏ nhặt như tăm, bông, chổi quét nhà. Vừa về tới phòng trọ, chị Lưu Thị Thương (người khiếm thị, quê ở huyện Krông Năng) gọi ngay chị Nông Thị Lan- người duy nhất sáng mắt ở dãy trọ để nhờ kiểm đếm tiền. Nghe chị Lan nói toàn những tờ 5, 10 nghìn đồng, chị Thương thất thần than “lại bị lừa”.

Chị Lan kể với tôi: Sáng nay có người mua hộp tăm giá 10 nghìn đồng. Họ bảo đưa tờ 50 nghìn đồng rồi hối thối gấp, chị không kịp so tiền (người mù phân biệt mệnh giá đồng tiền bằng cách đo độ ngắn-dài của tờ tiền) nên đã thối lại 40 nghìn đồng. Vậy là công sức đi bán cả buổi sáng của chị đã bị lừa hết.

Chồng chị Lan- anh Nông Văn Chi đưa cho vợ ly nước động viên, và tiếp lời: Đây đâu phải lần đầu bị mất tiền oan. Có nhiều khách mua hàng còn cho luôn tiền thừa, nhưng cũng lắm kẻ xấu lừa lấy sạch những đồng tiền mồ hôi của người mù lòa. Những lúc vậy, người khiếm thị như chúng tôi chỉ biết khóc tủi.

Lấy nhau gần 10 năm, cũng ngần ấy thời gian anh Chi, chị Thương cùng nhau vật lộn với gánh mưu sinh thường nhật. Hai người đều bị mù lại không có nghề nghiệp, chỉ biết dắt nhau đi bán dạo những gói tăm, bông, miếng chà nồi. Đi hết các chợ nội thành, anh chị dắt nhau xuống các huyện Krông Năng, Krông Pắk, Cư Kuin, M’đrắk thậm chí ngược đường hàng trăm cây số sang tỉnh Đắk Nông. Trừ những ngày mưa dầm, còn lại cứ 4 giờ sáng, anh chị đã đón chuyến xe buýt đầu tiên xuống huyện cho kịp buổi họp chợ. Trưa đến, cả hai lại lật đật tìm xe trở về nhà.

Anh Hàm, chị Thu dìu nhau đi bán hàng rong

Với người mù, gian truân nhất là hành trình tìm trạm đón xe buýt. Chị Thương kể: Khổ nhất là mùa mưa, bán không được hàng mà đón xe về cũng không xong. Có lần khi chị đang mang bầu 7 tháng, hai vợ chồng sang chợ Gia Nghĩa (Đắk Nông) bán hàng mong kiếm ít tiền trang trải chi phí sinh nở. Trời mưa, khách thưa, anh chị bị ế hàng nên phải đón xe về sớm. 10 giờ, anh chị ra trạm xe buýt nhưng tới hơn 1 giờ chiều mới đón được xe. Trời mưa hai vợ chồng ướt sũng, chị lại vác bụng bầu vượt mặt đứng mỏi cả chân. May gặp người tốt dẫn anh chị đến đúng trạm đón xe về.

Nghề bán hàng rong bấp bênh, ngày may lắm mới kiếm được hơn 100 nghìn đồng trong khi cuộc sống nhiều thứ phải chi như tiền thuê phòng, tiền mua gạo mắm muối, bệnh tật... Hai vợ chồng chị nuôi nhau đã khó, có thêm em bé càng thiếu thốn hơn. Sinh con được 40 ngày, chị Thương địu con trên lưng cùng chồng tiếp tục đi bán hàng rong. Bây giờ con trai chị đã lên lớp 2, trừ ngày đi học, còn lại thứ Bảy, Chủ nhật, anh chị cho con theo để có đôi mắt dẫn đường. “Thương con lắm, nhưng hoàn cảnh mình thế này phải chấp nhận thôi. Vợ chồng mình cố gắng làm lụng lo cho con khỏe mạnh, học hành như người ta, chứ đời mình coi như xong rồi đó”, anh Chi chia sẻ.

Tựa nhau mà sống

9 năm trước, chuyến xe chở người khiếm thị từ huyện Krông Năng lên Trung tâm Bảo trợ xã hội Đắk Lắk (TP Buôn Ma Thuột) học chữ nổi Braille đã tạo cơ hội cho anh Vi Văn Hàm và chị Hoàng Thị Thu biết nhau. Người sáng yêu bằng con mắt, người mù yêu bằng cảm giác, anh Hàm mến giọng nói ấm áp của chị Thu ngay lần trò chuyện trên xe nhưng không dám thổ lộ. Thời gian tại trung tâm giúp anh hiểu hơn về chị nên quyết định mượn những lá thư tay thay lời muốn nói.

Sau hơn 2 tháng học chữ nổi ngắn ngủi, cả hai đã về chung một nhà vào năm 2012. Đám cưới được tổ chức đơn sơ với sự chúc phúc của họ hàng hai bên, sau đó anh chị dắt nhau lên lại TP Buôn Ma Thuột thuê trọ hành nghề đi bán dạo kiếm sống. Trời lấy đi ánh sáng, nhưng bù lại cho cả hai năng khiếu âm nhạc. Ngày qua ngày, anh chị dìu nhau đi hết huyện này đến chợ khác mang lời ca của mình chào mời khách mua hàng. Niềm vui nhân lên khi chị Thu lần lượt sinh được hai người con “Ngày chuyển dạ, mình đau một nhưng lo mười. Lo con sinh ra có đủ tay đủ chân và có bị mù lòa như mình không và thật mừng là con khỏe mạnh”, chị Thu nhớ lại giây phút thiêng liêng làm mẹ.

Trước đây, hai anh chị đều mù nên chẳng bao giờ dùng tới bóng đèn, nay có con nhỏ, ngọn điện đã thắp sáng đêm tối. Thứ ánh sáng đó như tín hiệu vui thắp lên tia hy vọng tương lai tươi sáng cho đôi vợ chồng khiếm thị. Các con chính là niềm vui che đắp đi những mặc cảm trong cuộc sống, giúp anh chị có thêm động lực để mưu sinh. Điều chị Thu thấy thiệt thòi nhất là không tự mình đưa con đến trường hay dạy con cái chữ bước vào đời.

Trong 5 cặp vợ chồng sống ở dãy trọ, chỉ có chị Nông Thị Lan vợ anh Trương Văn Phương là sáng mắt. Kể về mối duyên này, chị Lan cho hay: Trước khi đến với anh, chị đã có một đời chồng, hai đứa con. Năm 2014 chị gặp anh khi đang làm nhân viên nấu ăn phục vụ cho Hội người mù ở huyện Cư Jút (Đắk Nông). Anh Phương tuy khiếm thị nhưng rất siêng năng, có tài ăn nói và biết quan tâm người khác. Khi ngỏ lời về chung một nhà, anh ái ngại bảo “Lấy anh, em sẽ khổ lắm đấy” khiến chị càng muốn ghé vai, cùng gánh chung nỗi vất vả với anh.

Gạt bỏ mọi lời đàm tiếu, đôi bạn đưa nhau về ra mắt họ hàng rồi qua TP Buôn Ma Thuột thuê trọ kiếm sống.“Áp lực trong cuộc sống đôi lúc khiến vợ chồng bất hòa. Nhưng mỗi người bớt nói đi một câu, hiểu cho nhau một tí là qua chuyện. Hoàn cảnh mình thế này thì phải nương tựa vào nhau mà sống và lo cho các con”, chị Nông Thị Lan tâm sự.

Ngày trước, dãy trọ đường Y Som Niê (phường Tân Lập) chỉ có vài người mù cư ngụ. Sau này đi làm, gặp nhiều anh em đồng cảnh ngộ, mọi người rủ nhau đến đây định cư. Dần dần nơi đây trở thành xóm định cư của 5-6 cặp đôi khiếm thị. Mỗi người một hoàn cảnh, số phận khác nhau đoàn tụ về đây để có cuộc sống bình yên.

Chúng tôi rời xóm mù khi hoàng hôn sẫm núi. Đây là thời điểm những người khiếm thị ngồi lại hát cho nhau nghe những bài ca vui nhộn xua đi mệt nhọc sau chuyến đi bán hàng rong đẫm mồ hôi. Dẫu cuộc sống của họ còn đang khó khăn, vất vả, nhưng ai cũng lạc quan bởi họ không chỉ sống cho bản thân, cho hôm nay mà vì ngày mai của những đứa trẻ.

Ông Nguyễn Thế Đức, chủ tịch Hội Người mù TP Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) cho biết, hội có 106 người khiếm thị. Những năm qua, Hội tổ chức cho hội viên đi học nghề, trong đó xoa bóp bấm huyệt là nghề mũi nhọn. Đến năm 2019, hội đã có 10 cơ sở Massage do hội viên làm chủ, tạo việc làm ổn định cho 35 người. Số hội viên còn lại phần lớn là dưới huyện lên, không có điều kiện nên theo nghề bán hàng rong. Họ thường thuê trọ gần nhau để dễ bề hỗ trợ, giúp đỡ nhau khi cần. Đường Y Som Niê là nơi nhiều người mù chọn cư trú nhất.

Huỳnh Thủy

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/xa-hoi/diu-nhau-qua-bong-toi-1498934.tpo