Dìu nhau vượt qua mưa lũ

Mưa lớn, nước lũ bủa vây tứ phía, đường dây nóng liên tục đổ chuông báo cuộc gọi cầu cứu khẩn cấp. Mặc hiểm nguy rình rập, những cán bộ, chiến sĩ công an, quân đội và dân phòng... lao vào trong biển nước để giúp đỡ người dân.

Những ngày qua, người dân cả nước cùng hướng về Thừa Thiên Huế từng phút để cập nhật tình hình mưa lũ. Hình ảnh nước dâng tận nóc nhà, các chiến sĩ công an, quân đội, dân phòng... bất chấp hiểm nguy rình rập dầm mình trong mưa lũ để di dời, ứng cứu người dân làm nhiều người xúc động.

Lực lượng chức năng tiếp cận, đưa trường hợp bệnh nặng ở xã Phú Dương, TP Huế đi cấp cứu.

Mặc dù trước đó chính quyền địa phương tiến hành rà soát, chủ động phương án di dời người dân vùng thấp trũng đến nơi an toàn. Tuy nhiên, thiên tai không ai lường trước được, nước bất ngờ lên nhanh làm người dân không kịp trở tay phải cầu cứu khẩn cấp tới đường dây nóng để nhờ sự hỗ trợ.

Nhiều ca bệnh nặng, thai phụ, các cụ già, trẻ nhỏ được lực lượng chức năng dầm mình trong mưa lũ tiếp cận để đưa tới bệnh viện, lên chỗ cao tránh lũ. Sáng 15/11, ngôi nhà của chị H.T.L. (đang mang thai) và hai con nhỏ (trú phường An Cựu, TP Huế) bị nước lũ bủa vây tứ phía, hết sức nguy hiểm. Ngay khi tiếp nhận thông tin, Công an phường An Cựu vượt lũ đến nhà đưa cả mấy mẹ con đến nơi an toàn.

Công an phường An Cựu cho biết, đơn vị phân công 3 tổ ứng cứu, trực chốt các khu vực thấp trũng để sẵn sàng hỗ trợ di dời, sơ tán, giúp đỡ người dân. Ngày 15/11, đơn vị ứng cứu đưa 19 trường hợp ra khỏi vùng ngập sâu, trong đó nhiều trẻ em, người già neo đơn, phụ nữ mang thai và sinh viên nữ ở trọ.

Nhiều cụ già, trẻ nhỏ được lực lượng công an hỗ trợ tới nơi an toàn tránh lũ.

Không chỉ ở phường An Cựu, rất nhiều người dân đã được lực lượng chức năng ứng cứu kịp thời. Trung tá Lại Thế Linh, Phó đội trưởng Đội CSGT-TT Công an TP Huế cho biết, tối 15/11, ông L.V.M. (trú tại thôn La Khê, xã Phú Dương) lên cơn đau tim đột ngột cần phải đi cấp cứu. Tuy nhiên do đường bị ngập, gia đình gọi tới đường dây nóng nhờ hỗ trợ.

"Ngay khi tiếp nhận thông tin, Đội CSGT-TT chỉ đạo lực lượng nhanh chóng về hỗ trợ đưa người đi cấp cứu. Bất chấp mưa gió, nước bủa vây, trong đêm tối, các cán bộ, chiến sĩ tiếp cận, đưa ông M. lên bệnh viện kịp thời", Trung tá Lại Thế Linh nói.

Lãnh đạo Công an tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, trước diễn biến của mưa lũ, triển khai phương châm "4 tại chỗ", công an tỉnh chỉ đạo công an các địa phương huy động lực lượng, phương tiện, sẵn sàng ứng phó với các tình huống. Phối hợp di dời người, tài sản, nhất là các hộ neo đơn, người già, thai sản đến nơi an toàn. Đồng thời, hỗ trợ chỗ ở tạm thời, lương thực thực phẩm cho người dân đi sơ tán và những hộ gặp khó khăn.

Xuyên đêm ứng cứu người dân.

Ông Phan Thiên Định, Bí thư Thành ủy Huế cho biết, lũ lớn chia cắt thành phố nhiều vùng nhỏ, nguy hiểm nhất là hỗ trợ xử lý các trường hợp cấp cứu và thai sản. Đối với thai sản, lực lượng ở cơ sở có kinh nghiệm nhiều nên những trường hợp có thai lớn tháng tuổi đều được vận động tập trung về cơ sở y tế để có thể hỗ trợ ngay khi cần.

Tuy nhiên, cũng không ít người không chịu tuân thủ, đến khi trở dạ lại "cầu cứu" chính quyền. Ở những vùng ngập sâu, để vận chuyển một thai phụ trong đêm tối, cần cả chục người đẩy thuyền, chỉ cần một chút rủi ro, sơ suất, hy sinh, mất mát là khó tránh khỏi.

Nhiều người bệnh nặng được lực lượng công an vượt lũ đưa đi cấp cứu.

Trong khi đó, cấp cứu lại gian nan hơn, có nhiều trường hợp không thể xử lý tại chỗ, bắt buộc phải chuyển lên tuyến trên. "Chính quyền các địa phương chủ động liên kết nhau để hỗ trợ đưa người dân băng qua những vùng nguy hiểm. Những vùng quá xa xôi, cách trở chỉ còn cách sử dụng ca nô của công an để băng đồng, băng sông đưa bà con về bệnh viện", Bí thư Thành ủy Huế nói.

Lãnh đạo Thành ủy Huế cho biết, tỉnh có tổng đài 19001075, người dân khó khăn, cần hỗ trợ, ứng cứu sẽ điện vào đó, thông tin được chuyển vào group chung, chính quyền địa phương chủ động nhận tin và giải quyết.

"Mưa lụt càng to, tin càng nhiều, anh em cơ sở càng vất vả, hiểm nguy, lặn lội đến từng nhà để giải quyết. Niềm vui là mang lại an toàn cho người dân, nhưng cũng không ít nỗi buồn khi đến nơi ứng cứu lại nhận được những yêu cầu đề nghị rất "trời ơi đất hỡi" kiểu như chở đi sạc điện thoại... Mùa mưa lũ, lực lượng sở vất vả rất nhiều, mong mọi người hiểu nhằm chia sẻ, động viên, cũng như tuân thủ các khuyến cáo của chính quyền, như là một cách giúp cho họ vơi đi nỗi nhọc nhằn, nguy hiểm", lãnh đạo Thành ủy Huế chia sẻ.

Đưa các thai phụ đến nơi tránh lũ.

Theo Lãnh đạo Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) tỉnh Thừa Thiên Huế, dự báo cả đợt lượng mưa phổ biến từ 250-500mm, có nơi 800mm, thế nhưng ngày 14/11, trong vòng 24h lượng mưa ở huyện Nam Đông lên đến 800mm, bằng với cả đợt.

"Mặc dù những ngày trước đã chủ động phương án để hạ mực nước các hồ chứa, nhưng mưa lớn cực đoan dẫn đến lượng nước rất lớn. Dự báo có không khí lạnh tăng cường do đó sẽ còn mưa đến ngày 17, sau ngày 18 có khả năng thời tiết mới tốt hơn", lãnh đạo Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT-TKCN nói.

Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Thừa Thiên Huế thông tin, mưa lớn kèm nước sông dâng cao khiến toàn TP Huế có 80% tuyến đường của 36 phường, xã đã bị ngập. Tại các huyện, thị xã khác tình trạng ngập lụt cũng xảy ra ở nhiều nơi. Toàn tỉnh có hơn 14.800 nhà dân bị ngập, sơ tán gần 900 hộ với gần 2.300 nhân khẩu đến nơi an toàn.

Để ứng phó với mưa lũ, học sinh ở vùng ngập lụt ở Thừa Thiên Huế tiếp tục nghỉ học vào các ngày 16-17/11. Đối với một số địa bàn nước rút hoặc không thuộc vùng ngập lụt, lãnh đạo các đơn vị được giao nhiệm vụ tự đánh giá mức độ an toàn để quyết định thông báo và tổ chức cho học sinh đi học trở lại.

Cảnh báo về lũ lớn nhất năm nay ở Thừa Thiên Huế và Quảng Nam.

Hoàng Dũng

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/diu-nhau-vuot-qua-mua-lu-169231116072600929.htm