DN cần thông tin gì khi muốn thâm nhập thị trường 6.000 tỷ USD?

Người Ấn Độ rất sùng đạo, khi đến làm việc bang nào phải tìm hiểu kỹ về văn hóa của họ, không chỉ ngôn ngữ nói mà còn ngôn ngữ hình thể, nhiều khi họ lắc đầu lại chính là đồng ý.

Tại hội thảo “Kinh doanh tại Ấn Độ - Những nội dung quan trọng DN Việt Nam cần biết” do Hội HVNCLC tổ chức mới đây, các diễn giả đã có những lưu ý quan trọng cho doanh nghiệp Việt Nam khi muốn thâm nhập thị trường đầy tiềm năng này.

Theo đó, ông Chia Zhi Wei, Giám đốc Growth Impact Group (GIG), với kinh nghiệm 5 năm làm việc tại cơ quan xúc tiến thương mại và công nghiệp ở Singapore và 2 năm làm việc tại Nam Ấn chia sẻ: "Với 28 bang và 8 vùng lãnh thổ cùng, đặc trưng sùng đạo cùng sự đa dạng về văn hóa, ngôn ngữ và những nét đặc thù của từng bang, vùng lãnh thổ... là những thách thức lớn cho bất cứ doanh nghiệp nào muốn tiếp cận kinh doanh tại thị trường Ấn Độ".

Ông Chia Zhi Wei chỉ ra một số lưu ý quan trọng như: người Ấn thích giao tiếp theo phong cách gián tiếp, và họ hay nói chuyện nhỏ; người Ấn thường rất biểu cảm, với các tín hiệu phi ngôn ngữ cũng quan trọng không kém các tín hiệu bằng lời nói, chẳng hạn như sử dụng cử chỉ. Tiếng Anh là ngôn ngữ làm việc được ưa thích. Một điểm khác là người Ấn Độ họ thích mặc cả. Có thể xem “mặc cả” là một phần không thể thiếu trong văn hóa Ấn Độ.

Một lưu ý không kém phần quan trọng khác là thủ tục và nghi thức họp kinh doanh. Việc lập kế hoạch cho các cuộc họp ở Ấn Độ đôi khi có thể ít “hình thức” hơn, việc các cuộc họp bắt đầu và kết thúc muộn có thể là điều bình thường.

Cái bắt tay hay Namaste (cử chỉ lòng bàn tay chạm vào lòng bàn tay) thường được sử dụng trong lời chào kinh doanh. Hệ thống phân cấp rất quan trọng, đặc biệt là khi tương tác với Khu vực công. Các quyết định kinh doanh thường tập trung ở cấp trên.

Đồng ý với những chia sẻ của ông Chia Zhi, bà Nguyễn Thị Thu Hiền, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp (VCCI), cho biết người Ấn Độ rất sùng đạo, khi đến làm việc bang nào phải tìm hiểu kỹ về văn hóa của họ, không chỉ ngôn ngữ nói mà còn ngôn ngữ hình thể, nhiều khi họ lắc đầu lại chính là đồng ý. Chưa hết, doanh nghiệp phải phải xây dựng mối quan hệ, khi họ đã tin là tin 100%, khi đã không tin thì là zero, tức là hoàn toàn không thể làm việc được nữa.

Một điểm khác là cấu trúc phân cấp xã hội. Ấn Độ là nước có sự phân cấp xã hội rất lớn. Ở Việt Nam, người giúp việc có thể ăn cơm với chủ nhưng ở Ấn Độ thì tuyệt đối không.

Theo đánh giá của các chuyên gia, với mức chi tiêu dự kiến sẽ tăng từ 1.500 tỷ USD hiện nay lên mức 6.000 tỷ USD vào năm 2030, Ấn Độ đã và đang trở thành một trong những thị trường xuất khẩu hấp dẫn trên toàn cầu.

Thanh Lâm

Nguồn SGĐT: https://dttc.sggp.org.vn/dn-can-thong-tin-gi-khi-muon-tham-nhap-thi-truong-6000-ty-usd-post114019.html