DN cần ý thức việc "thắng trên sân nhà"

"Thắng trên sân nhà cần được coi là bắt buộc, đương nhiên và tự nhiên từ trong ý thức của các doanh nghiệp Việt Nam". Bà Vũ Kim Hạnh - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) nhấn mạnh. >> Cuộc chiến giành lại thị phần tại các đô thị

Ngay khi hàng ngoại giá rẻ tràn vào nước ta, xâm nhập tới mọi ngõ ngách của đời sống, vẫn có những sản phẩm made in Việt Nam đã xây dựng và định vị được thương hiệu trong trí nhớ cũng như thói quen tiêu dùng của số đông người dân. Cafe Trung Nguyên, bút bi Thiên Long, bia Sài Gòn, bia Hà Nội, bánh kẹo Kinh Đô, quần áo may sẵn của các doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex)…, đã trở nên quen thuộc với người tiêu dùng. Gần 20 năm qua, tính từ thời điểm 1990, sự thành công của một loạt thương hiệu Việt đã là ví dụ sinh động minh chứng cho luận điểm: Thắng ngay trên sân nhà, chuyện không khó? Kinh nghiệm từ những thương hiệu đã được khẳng định Nhắc đến chiến thắng của hàng hóa Việt Nam trước những sản phẩm cùng loại từ nước ngoài, nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan không thể quên câu chuyện về bia Vạn Lực. Những năm cuối thập niên 1980, đầu thập niên 1990, bia Vạn Lực theo chân các tiểu thương "tràn" sang nước ta, lập tức được phần đông người dân Việt đón nhận. Thời đó, nhà nhà dùng bia Vạn Lực, người người dùng bia Vạn Lực. Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan nhớ lại: "Đầu tư dây chuyền công nghệ hiện đại, nâng cao chất lượng cho gần sát với thị hiếu của người dân, giảm giá thành và đẩy mạnh khâu phân phối bán lẻ, chỉ một thời gian ngắn, bia chai Hà Nội, bia chai Sài Gòn nhãn hiệu 333 đã chiếm lĩnh được thị trường. Việc tiêu thụ bia Vạn Lực teo tóp, èo uột dần và cuối cùng, đã biến khỏi thị trường Việt Nam". Hệ thống cửa hàng bán lẻ G7 Mart dần được người tiêu dùng quan tâm. Ông Lê Hồng Xanh, Giám đốc điều hành Bia Sài Gòn (Sabeco) bày tỏ: Để giữ vững được vị trí, là loại bia được người tiêu dùng yêu thích bậc nhất, Sabeco đã luôn tung ra chiến lược xây dựng phát triển thương hiệu mới, gắn liền với chiến lược kinh doanh và marketing mạnh mẽ. Hệ thống phân phối được cấu trúc lại trên cơ sở nghiên cứu mô hình hiện đại của các tập đoàn bia hàng đầu thế giới. Việc thành lập 9 công ty cổ phần Sabeco khu vực không những tạo lợi thế về phân phối, đưa thương hiệu Sabeco phủ kín toàn quốc mà còn tạo sự gắn bó giữa các nhà phân phối với Sabeco khi gắn quyền lợi của họ với sự phát triển và gia tăng lợi nhuận kinh doanh mỗi năm của công ty. Một thành công vô giá khi Sabeco đã tạo nên một hệ thống phân phối bền vững với hơn 1.300 nhà phân phối cấp 1 có tiềm lực về tài chính và kinh nghiệm trong khâu bán lẻ trên toàn quốc. Cũng trong thập niên 1990, với dây chuyền công nghệ trị giá trên 750.000 USD nhập từ Nhật, Công ty Kinh Đô non trẻ trong lĩnh vực thực phẩm đã bắt tay sản xuất bánh snack thuần Việt. Lúc đó, snack nhập từ Thái Lan đang là lựa chọn số một của đại đa số khách hàng. Ông Phạm Văn Minh - Phó Tổng Giám đốc Công ty Kinh Đô miền Bắc hồi tưởng: Chính ưu thế giá rẻ, mùi vị đăc trưng, gần với thị hiếu người Việt, lại có chiến lược quảng bá mang dấu ấn trẻ trung, năng động, snack Kinh Đô giành được thị phần đã bị hàng Thái Lan chiếm lĩnh. Kinh Đô có lệ, đã nhập dây chuyền công nghệ là nhập loại "xịn" nhất, hiện đại và đồng bộ nhất. Kinh Đô đã thay đổi thói quen của khách hàng trong tiêu dùng thực phẩm. Từ snack, đến bánh mỳ tươi… một xu hướng mới trong thưởng thức đồ ăn nhanh đã được giới trẻ Việt Nam đón nhận, hưởng ứng. Cho đến bây giờ, Kinh Đô đã thành thương hiệu mạnh, với cả chục sản phẩm khác nhau, phủ sóng toàn quốc và kịp lan ra cả các nước thuộc khu vực Trung Đông, Nam Mỹ… Hàng Việt thắng ngay trên sân nhà, không phải là "điệp vụ bất khả thi", Tổng giám đốc Công ty cổ phần Trung Nguyên Đặng Lê Nguyên Vũ khẳng định. Không chỉ Trung Nguyên, nhiều thương hiệu Việt khác cũng đang tiếp tục thắng trên sân nhà. Không có lý do nào cản trở được điều này, vì không ai hiểu người Việt hơn chính người Việt. Bây giờ, nhắc đến cafe Việt Nam, nhiều người liên tưởng ngay đến Trung Nguyên. Công ty đã xây dựng được hệ thống cửa hàng cafe nhượng quyền mang tên Trung Nguyên ở khắp các tỉnh thành trong nước và vươn ra một số nước khác. Khách hàng mà Trung Nguyên hướng tới, là cộng động những người yêu và đam mê cafe trên toàn thế giới. Trung Nguyên đã thẳng thắn định vị thương hiệu của mình với tiêu chí rất rõ ràng: Cafe là năng lượng của nền kinh tế tri thức. Cafe không chỉ là cafe, mà còn đồng nghĩa với sự sáng tạo, kết nối và gắn liền với văn hóa, nghệ thuật, với tri thức, tinh hoa… Vươn lên để đủ sức cạnh tranh Trước khi sản phẩm cafe nhãn hiệu G7 của Trung Nguyên ra mắt, Nescafe đã gần như chiếm lĩnh toàn bộ thị trường cafe hòa tan của Việt Nam. Vẫn với phương châm "không ai hiểu người Việt như chính người Việt", Trung Nguyên đã tập trung tổng lực cho sản phẩm G7 và chủ động tạo ra cuộc đối đầu với Nescafe. Từ một người khổng lồ đem công thức cafe của chính mình đi rao giảng và áp đặt khắp nơi trên thế giới, lần đầu tiên Nescafe buộc phải tung ra sản phẩm mang thương hiệu địa phương tại Việt Nam khi thị phần liên tục giảm sút. "Thắng trên sân nhà cần được coi là bắt buộc, đương nhiên và tự nhiên từ trong ý thức của các doanh nghiệp Việt Nam". Bà Vũ Kim Hạnh - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) nhấn mạnh. Ông Bùi Duy Đức - Tổng Giám đốc Vissan, một trong những doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh thịt gia súc, thực phẩm chế biến từ thịt và rau, củ, quả (chiếm 15% thị phần cả nước) cho rằng: Những thành công của Vissan trong nhiều năm qua là do công ty luôn hoạt động với phương châm: "Tất cả vì lợi ích người tiêu dùng, cung cấp cho thị trường những sản phẩm luôn đảm bảo các yếu tố: an toàn - chất lượng - vệ sinh - giá cả hợp lý". Các sản phẩm của Vissan được kiểm tra nghiêm ngặt từ khâu nguyên liệu đầu vào cho tới đầu ra. Vissan cũng đã xây dựng và phát triển hệ thống phân phối phủ khắp cả nước, ở TP HCM có 10 cửa hàng lớn (phân phối thịt cho 600 đại lý), 60 cửa hàng giới thiệu sản phẩm, chi nhánh ở Hà Nội, chi nhánh ở Đà Nẵng và hơn 1.000 đại lý trên cả nước. Tại Hà Nội có xưởng chế biến nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường và phù hợp với khẩu vị người tiêu dùng miền Bắc. Ông Nguyễn Hữu Thắng - Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng Công ty Hapro cũng bật mí: Để Hapro ngày càng chiếm lĩnh được hệ thống bán lẻ tại Hà Nội, trong năm 2009, Hapro sẽ xây dựng chuỗi 94 cửa hàng rau và thực phẩm an toàn để cung cấp đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho người dân. Con số này tăng lên thành 250 cửa hàng vào năm 2010. Quay về thị trường nội địa là con đường được hoạch định mới đây của Vinatex. Sản phẩm của các DN trong Vinatex đã có "người môi giới" khá mát tay để tiếp cận khách hàng: Hệ thống siêu thị Vinatex Mart. Sau hơn 7 năm thành lập, với tốc độ phát triển bình quân 60%/năm, dự kiến tới năm 2010, Vinatex Mart sẽ sở hữu chừng 80 cửa hàng, siêu thị, trung tâm thương mại tại hầu hết các tỉnh, thành. Mục tiêu của Vianatex Mart, đơn giản là trở thành Tập đoàn bán lẻ hàng đầu ngành dệt may, đứng trong Top 3 của Hệ thống bán lẻ Việt Nam. Hiện Vinatex có chừng 800 nhà cung ứng gồm 5 ngành hàng chính: Dệt may, thực phẩm, hóa phẩm, hàng gia dụng, lưu niệm và hàng đồ chơi trẻ em. Bà Nguyễn Thị Hồng Hương - Tổng Giám đốc Vinatex Mart lạc quan: Mục tiêu lớn nhất của Vinatex Mart cũng như cả Tập đoàn Vinatex là làm chủ thị trường trong nước, đẩy lùi hàng may mặc và tiêu dùng giá rẻ nhập từ nước ngoài. "85 triệu dân Việt Nam là chỗ dựa vững chắc để chúng tôi đi tới cùng trên hành trình mà mình đã chọn", bà Hương khẳng định. Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh: Kích cầu tiêu dùng hàng nội để kích cầu sản xuất Bộ trưởng Vũ Văn Ninh đang trao đổi với PV Báo CAND. Khẳng định việc thực hiện cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiêu dùng hàng Việt Nam" của Bộ Chính trị là vừa ích nước, vừa lợi nhà; Bộ trưởng Vũ Văn Ninh cho biết những biện pháp cụ thể của ngành Tài chính như sau: "Kinh phí trong ngân sách Nhà nước thì ngành Tài chính sẽ hướng dẫn, quy định các cơ quan, địa phương sử dụng theo hướng khuyến khích dùng hàng Việt Nam. Hàng Việt Nam hiện đã có chất lượng khá cao. Tuy nhiên, chúng ta đã gia nhập WTO nên cũng không thể vi phạm các cam kết về đối xử, phân biệt với hàng ngoại. Hướng dẫn mình cũng không thể bắt buộc được, mà cũng phải vận động. Với xã hội phải tiến hành cuộc vận động lớn, có sự phối hợp của các cơ quan Nhà nước, các tổ chức mặt trận, đoàn thể... Hiện nay thì chương trình của Nhà nước cũng đã có rồi, như việc bố trí thêm kinh phí hỗ trợ quảng bá hàng Việt Nam cả trong và ngoài nước. Chương trình đưa hàng về nông thôn, ngân sách đã tăng kinh phí nhiều. Nhà nước cũng có những chính sách hỗ trợ nông dân, như cho vay mua máy móc cung cụ sản xuất, hỗ trợ cho vay không lãi suất, hỗ trợ về vốn cho người dân tiếp cận được với hàng sản xuất trong nước. Mục tiêu của Chính phủ là gắn vào hai yếu tố: kích cầu tiêu dùng hàng nội để kích cầu sản xuất". Bộ trưởng Vũ Văn Ninh cũng cho biết, ông thường xuyên đọc Báo CAND và hoan nghênh báo chí tham gia tuyên truyền, vận động người dân hưởng ứng cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam. Duy Hiển (thực hiện) Dùng hàng Việt - Trách nhiệm công dân Để các DN Việt Nam thắng lợi trên sân nhà, cần phải dựa vào sức mạnh to lớn có tính cộng hưởng của sự đoàn kết cùng nhận thức, cùng thống nhất hành động giữa các bên: DN sản xuất, DN phân phối - bán lẻ, Chính phủ, các định chế truyền thông - giải trí, và cộng đồng người tiêu dùng. Khi tất cả những thành phần kể trên cùng ý thức rõ được trách nhiệm của họ đối với nền kinh tế, cùng tham gia vào những hoạt động thúc đẩy sự lớn mạnh của nền kinh tế đất nước, thì việc các tập đoàn đa quốc gia, các DN lớn của nước ngoài… tham gia thị trường Việt Nam sẽ không còn là mối đe dọa. (Đặng Lê Nguyên Vũ - Tổng giám đốc Trung Nguyên)

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/vi-vn/kinhte/2009/9/119348.cand