DN chủ động xây dựng thang lương, bảng lương: Cần lộ trình phù hợp

'Cần lộ trình trình và bước đi phù hợp trong việc để DN có quyền chủ động trong quản trị DN liên quan đến việc xây dựng thang lương, bảng lương, tránh gây lúng túng cho DN cũng như bất lợi cho người lao động'. Đây là nội dung được Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam lưu ý trong việc góp ý hoàn thiện Dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi 2012.

Theo ông Lê Đình Quảng - Phó Trưởng Ban Quan hệ lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam: “Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thống nhất việc quy định theo hướng hạn chế sự can thiệp của Nhà nước vào quan hệ của các bên trong thị trường lao động; tạo điều kiện để DN có quyền chủ động trong quản trị DN liên quan đến việc xây dựng thang lương, bảng lương và định mức lao động trong sản xuất kinh doanh... nâng cao sự chủ động thỏa thuận, thương lượng giữa đại diện người lao động và người sử dụng lao động để quyết định thang lương, bảng lương và định mức lao động”.

Tuy nhiên, “cần có lộ trình và bước đi phù hợp, tránh gây khó khăn, lúng túng cho DN cũng như bất lợi cho người lao động. Đồng thời, cần quy định có sự tham gia thỏa đáng của tổ chức đại diện người lao động trong quá trình xây dựng thang lương, bảng lương, chứ không chỉ là “tham khảo ý kiến” có tính chất hình thức như hiện nay, nên là “lấy ý kiến”.

Theo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, cần giữ khái niệm mức lương tối thiểu vùng là mức lương thấp nhất được trả cho người lao động làm công việc giản đơn nhất trong điều kiện lao động bình thường và phải đảm bảo “mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ”. Ảnh minh họa

Theo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, cần giữ khái niệm mức lương tối thiểu vùng là mức lương thấp nhất được trả cho người lao động làm công việc giản đơn nhất trong điều kiện lao động bình thường và phải đảm bảo “mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ”. Ảnh minh họa

Xung quanh vấn đề tiền lương, ý kiến của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng bày tỏ sự thống nhất với việc sửa đổi khái niệm “nhu cầu sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ” thành “mức sống tối thiểu”. Do yếu tố “nhu cầu sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ” khó xác định, gồm cả nhu cầu vật chất, nhu cầu tinh thần. Tuy nhiên, Tổng Liên đoàn đề nghị giữ khái niệm mức lương tối thiểu vùng là mức lương thấp nhất được trả cho người lao động làm công việc giản đơn nhất trong điều kiện lao động bình thường và phải đảm bảo “mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ”.

Ý kiến của cơ quan đại diện cho người lao động cũng đề nghị bỏ căn cứ xác định mức lương tối thiểu vùng là: “khả năng chi trả của DN”, vì đây là yếu tố khó hiểu, khó định lượng, gây khó khăn cho Hội đồng lương quốc gia khi xác định. Mặt khác, năng suất lao động, tốc độ tăng trưởng kinh tế ở khía cạnh nhất định cũng đã thể hiện được “sức sống”, sự phát triển và khả năng chi trả của DN. Đồng thời đề nghị bổ sung vào Dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi quy định giao Chính phủ là cơ quan có trách nhiệm xác định “mức sống tối thiểu” và thời điểm công bố “mức sống tối thiểu” làm căn cứ quan trọng để Hội đồng tiền lương quốc gia xác định mức tiền lương tối thiểu hàng năm.

Một nội dung nữa liên quan đến tiền lương cũng được cơ quan đại diện người lao động đề xuất bổ sung vào dự thảo sửa đổi Luật Lao động. Đó là: Người lao động được nghỉ hưởng nguyên lương từ 1 đến 2 ngày trong năm để học tập, nghiên cứu chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Theo ông Lê Đình Quảng, qua khảo sát của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho thấy, một bộ phận không nhỏ người lao động còn thiếu hiểu biết về chính sách, pháp luật, không nắm được tình hình trong nước, thế giới, thờ ơ trước các vấn đề chính trị - xã hội của đất nước. Từ đó dẫn đến ý thức chấp hành pháp luật, kỷ luật lao động chưa cao, dễ bị các phần tử cơ hội kích động, lôi kéo, gây bất ổn trong quan hệ lao động, ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động và của chính DN.

“Việc đề xuất cho người lao động được nghỉ hưởng nguyên lương để học tập, nghiên cứu chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước nhằm góp phần nâng cao nhận thức chính trị, ý thức pháp luật của người lao động, hạn chế các vi phạm, góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong DN, xây dựng giai cấp công nhân “có giác ngộ giai cấp, bản lĩnh chính trị vững vàng, có tác phong công nghiệp và kỷ luật lao động cao”, ông Lê Đình Quảng nói.

Trên thực tế, nhiều DN cũng đã dành thời gian để tổ chức cho người lao động học tập, nghiên cứu các chủ trương, Nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Hoạt động này mang lợi ích kép, góp phần nâng cao nhận thức cho người lao động, tăng cường năng lực tự bảo vệ trong quan hệ lao động. Đồng thời cũng mang lại lợi ích cho DN. Đó là có diễn đàn cung cấp thông tin cho người lao động, động viên khích lệ họ lao động sáng tạo, hạn chế tranh chấp lao động, ngừng việc tập thể và đình công; góp phần xây dựng giai cấp công nhân, ổn định chính trị - xã hội, đảm bảo an ninh trật tự.

Thanh Hải

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/dn-chu-dong-xay-dung-thang-luong-bang-luong-can-lo-trinh-phu-hop-163272.html