DNNN đầu tư ra nước ngoài: Cạnh tranh hay mất vốn?

Từ những bài học đã trải qua, chuyên gia lo ngại DNNN đầu tư ra nước ngoài sẽ chỉ làm mất thêm vốn nhà nước.

Tại một buổi tọa đàm về cải cách doanh nghiệp nhà nước (DNNN) mới đây, có ý kiến cho rằng các tổng công ty và tập đoàn kinh tế hoạt động không hiệu quả thậm chí dẫn đến đổ vỡ là do không có những cơ chế thúc đẩy cạnh tranh.

Để thúc đẩy cạnh tranh mạnh mẽ hơn, một trong những việc cần làm được một chuyên gia kinh tế chỉ ra, đó là cần buộc các DNNN đầu tư ra nước ngoài nhằm cạnh tranh với những đối thủ của họ trên thị trường quốc tế. Nếu doanh nghiệp hoạt động được, xuất khẩu được sang các thị trường như EU, Nhật Bản, Mỹ… chứng tỏ doanh nghiệp đã thành công, có đủ năng lực cạnh tranh.

Vị chuyên gia cũng dẫn trường hợp của Trung Quốc cho thấy họ đã thành công trong việc ép các tập đoàn đẩy mạnh đầu tư ra nước ngoài, trong khi Việt Nam chưa làm được như vậy.

Trao đổi về việc đầu tư ra nước ngoài của DNNN, chuyên gia kinh tế Bùi Ngọc Sơn (Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính trị thế giới) bày tỏ lo ngại DNNN đầu tư ra nước ngoài sẽ chỉ làm mất thêm vốn của Nhà nước bởi thực tế đã chứng minh, DNNN ở đâu cũng hoạt động không hiệu quả.

Ngay đối với Trung Quốc, đến nay chưa có số liệu nào cho thấy họ thành công hay làm được những gì nhưng theo quan sát, các DNNN của Trung Quốc chủ yếu đầu tư ra nước ngoài nhờ vào chiến lược Vành đai và Con đường và cách họ hoạt động ở đó không phải như một doanh nghiệp bình thường. Chẳng hạn, họ đưa lao động Trung Quốc đi làm là chính, chứ không phải ra nước ngoài thuê mướn lao động ở địa phương.

Bảng công bố đầu tư dự án muối mỏ kali tại Lào của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem).

Bảng công bố đầu tư dự án muối mỏ kali tại Lào của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem).

"Hoạt động này chỉ là mới đầu, chưa có gì để khẳng định DNNN Trung Quốc sẽ thành công theo kiểu ấy", chuyên gia kinh tế Bùi Ngọc Sơn nói.

Bên cạnh đó, vị chuyên gia cũng chỉ ra rằng, DNNN Trung Quốc đi lên và kiếm được lợi nhuận là nhờ việc dùng quyền lực nhà nước, kể cả quyền lực không đúng đắn hay dựa vào doanh nghiệp tư nhân.

Tiền kiếm được ở nước ngoài được chuyển về nước, chi sang cho DNNN và theo ông Bùi Ngọc Sơn, đó là sự lãng phí tài nguyên của quốc gia.

Đối với hoạt động đầu tư ra nước ngoài của DNNN Việt Nam, những con số trong báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội về thực hiện chính sách, pháp luật quản lý, sử dụng vốn, tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa DNNN trong giai đoạn 2011-2016 cũng đã chứng minh hoạt động ấy là không hiệu quả.

Cụ thể, đến hết năm 2016, các DNNN mang hơn 7 tỷ USD đi đầu tư ở nước ngoài nhưng mới chỉ có 4/18 DNNN có phát sinh số tiền thu hồi vốn đầu tư từ các dự án đầu tư tại nước ngoài. Số tiền thu hồi vốn là trên 1,5 tỷ USD, bằng 22% vốn đầu tư thực hiện.

Báo cáo cho thấy có tới 25,5% dự án báo lỗ năm 2016; 29% dự án lỗ lũy kế tính đến hết 2016; đáng lưu ý là có gần một nửa dự án không có báo cáo về doanh thu - lợi nhuận.

Ngoài ra, theo báo cáo, lợi nhuận được chia cho phía Việt Nam không đáng kể. Năm 2016 chỉ được chia 145 triệu USD - tương đương 2% tổng vốn đầu tư ra nước ngoài.

Đến hết năm 2016, có trên 7 tỷ USD đầu tư cho dự án ở nước ngoài nhưng còn hơn 5,5 tỷ USD chưa thu hồi.

Một số dự án của các tập đoàn nhà nước thất bại ở nước ngoài có thể kể đến như dự án Junin 2 tại Venezuela do Tổng công ty Thăm dò và khai thác dầu khí - PVEP (Tập đoàn Dầu khí Việt Nam) là chủ đầu tư (40% vốn) cùng với Tổng công ty dầu khí Venezuela triển khai. Dự án có tổng mức đầu tư là hơn 1,8 tỷ USD cho giai đoạn 1 từ 2010-2015, bao gồm cả phần hơn 500 triệu USD phí hoa hồng tham gia dự án.

PVEP đã rót tới hơn 400 triệu USD vào dự án. Thế nhưng, dự án đã tạm dừng triển khai theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo ngày 2/12/2013 của Văn phòng Chính phủ. Hàng nghìn tỷ đổ vào dự án mà chưa kịp thu được giọt dầu nào.

Tương tự, từ năm 2015, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) cũng rót hàng nghìn tỷ đầu tư bên Lào cho dự án khai thác và chế biến muối mỏ Kali với tổng mức đầu tư 522 triệu USD, trong đó, vốn tự có của Vinachem là 105 triệu USD.

Song, đến nay dự án đã đã phải dừng lại sau khi xét thấy hiệu quả của dự án không đạt được như báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đưa ra và Bộ Công thương đang cố gắng thu hồi ở mức cao nhất số vốn đầu tư đã bỏ vào dự án.

Từ những bài học trên, chuyên gia Bùi Ngọc Sơn khẳng định, đối với DNNN, nếu không tách quản lý ra khỏi sở hữu thì đó là ổ tham nhũng vì người quản lý ở DNNN đang quản lý cái không phải của họ, họ được cấp trên cử xuống, được thuê quản lý nhưng không phải theo kiểu thị trường - làm không được thì sa thải.

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/kinh-te/doanh-nghiep/dnnn-dau-tu-ra-nuoc-ngoai-canh-tranh-hay-mat-von-3378766/