Đồ ăn 'nhón tay'

Thuở lâu rồi, tôi đọc ở đâu đó câu chuyện về một đoàn thủy thủ người Bồ Đào Nha bị đắm tàu rồi dạt vào một vùng biển miền Trung hồi thế kỷ 18. Đói khát, kiệt sức quá, mấy thủy thủ mới tìm vào làng để xin ăn. Bà con thấy vậy mỗi người đều chạy về nhà cơm đùm cơm nắm mang ra ủng hộ, người manh áo, kẻ cân gạo, ai có gì cho nấy. Mấy thủy thủ ngoại quốc lâu ngày thấy vẫn được giúp đỡ nên cảm động quá ở lại luôn nước Việt. Chẳng biết chuyện thật hay huyền thoại, nhưng nếu quả là có sự ấy thì cũng chẳng có gì lạ.

Minh họa của Choai.

Đi nhiều, gặp nhiều rồi mới thấy người xứ mình cực kỳ hào phóng và hiếu khách, đặc biệt là trong chuyện ăn uống. Đã mời ai thì cỗ bàn ắt phải linh đình, đồ ăn tú hụ mặt bàn, dù là ở chốn túng thiếu hay thuở bao cấp eo hẹp thực phẩm cũng vẫn phải vậy. Nhiều nhà thôn quê nghèo, gia cảnh có mỗi con gà nuôi cải thiện nhưng hễ mà có khách quý thì cũng phải bấm bụng mà làm bữa thịt. Người Việt Nam đã mời nhau là phải mâm cao cỗ đầy, còn phàm không có điều kiện thì thôi đành nhắm mắt “cáo ốm”. Quen với cái văn hóa cỗ bàn linh đình ấy từ tấm bé nên dù đã đi ăn “cỗ Tây” không biết bao lần, tôi chưa khi nào thôi mắc cười về nỗi khác biệt ấy.

Tây có nhiều kiểu tiệc, nhưng cung cách mà người Việt ít quen được nhất là tiệc “Finger Food” (Đồ ăn nhón tay). Finger Food là một kiểu chiêu đãi ưa thích của người phương Tây, với những đồ ăn nhẹ có kích cỡ to nhất là bằng bao diêm để tiện cho việc nhón tay. Trong một số bữa tiệc mà mục đích chính là để giao lưu, đặc biệt giữa những người chưa quen biết nhau thì người ta sẽ sử dụng Finger Food. Các món khai vị và một số món chính sẽ được cắt nhỏ ra sao cho càng đỡ phải cắn nhiều càng tốt: Xúc xích, pho mát – ô liu xiên que, sandwich, bánh nhân thịt, nem cuốn... Lúc ấy ăn uống là phụ, trò chuyện, làm quen nhau là chính, nên việc “nhón tay” trông có vẻ nhẹ nhàng, duyên dáng, đỡ “nhồm nhoàm”. Phần lớn người phương Tây coi Finger Food là để lót dạ cho đỡ đói lòng nên đôi lúc cũng ra nông nỗi “xung đột văn hóa ẩm thực”. Một lần nọ, nhà văn X, giảng viên một trường đại học ở bang Utah, Mỹ đến Hà Nội. Anh muốn mời nhóm tác giả và dịch giả của tuyển tập truyện ngắn Việt Nam mà anh làm chủ biên, sẽ chuẩn bị in ở Mỹ, dự một tiệc tối để cảm ơn. Anh nhờ tôi mời khách và thiết kế địa điểm. Tôi giới thiệu một nhà hàng cực kỳ sang trọng trên đường Xuân Diệu, nhưng thực đơn là do anh X quyết định. Bữa đó chỉ có bia và một số món... nhón tay. Hôm sau nhà văn Nguyễn Đình Tú phàn nàn với tôi “Tiệc tùng kiểu gì mà sau đấy anh với (nhà văn) Phong Điệp phải... đi làm bát phở”. Nghe vậy tôi cười ngất. Vì cũng đã phải ăn phở vô số lần sau mỗi kỳ tiệc Finger Food, tôi đoán hai tá khách hôm ấy thế nào cũng làm cho phở Lý Quốc Sư cháy hàng. Có thanh minh thế nào rằng “Tây họ ăn thế thôi” người ta cũng không tin, lại cứ ngỡ mình bị xem thường, chẳng ra điều được làm khách quý, hoặc tệ hơn là nghĩ Tây sao mà... tiết kiệm. Đặc biệt những người quen ăn cỗ cưới ê hề tám món, chim quay, gà hấp, tôm càng, cá chép, bò lúc lắc, ăn rào rào xong bỏ phong bì đứng lên chào cô dâu chú rể ra về sẽ càng khó tin khi hay chuyện Tây làm đám cưới cũng sử dụng luôn Finger Food cho tiện.

Hồi đầu năm 2016, tôi được mời sang Heerlen, Hà Lan để giảng bài. Sang hôm thứ hai, đích thân hiệu trưởng trân trọng mời tôi, nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn và giám đốc xuất bản Vũ Phương Liên đi ăn tối. Chúng tôi ngồi trong một quán bar xinh xắn trong khu phố cổ. Bữa tối ấy khá khiêm tốn với một đĩa pho mát thái con chì và một đĩa tôm tempura nhỏ xíu chấm mù tạt, kèm theo mỗi người một ly bia. Chúng tôi còn chưa ăn trưa, trời thì rét. Hai người bạn đồng hành của tôi chừng ba mươi phút sau đã trở nên kinh ngạc khi biết đây hoàn toàn không phải món khai vị mà là bữa chính luôn. Người xứ họ quan niệm lần đầu trò chuyện trong bữa tối là để... đơn thuần trò chuyện, ăn uống đầy bụng sẽ cản trở việc nói năng, còn ta thì “có thực mới vực được đạo”. Khổ thế.

Đận sang dự liên hoan thơ ở Kolkata - Ấn Độ, nhóm tác giả Việt Nam cũng được mời đến một trường đại học hàng đầu để giao lưu. Xong xuôi đâu đấy trưởng khoa mời đoàn xuống phòng khách dùng bữa. Bữa là một suất cơm hộp với “nội dung” sơ sài: Ít mì nguội trộn nước sốt thịt, còn nước đun sôi thì đổ từ chai ra. Đã hai giờ chiều rồi nên cả đoàn đành chén hết sạch. Các nhà thơ xong bữa bình luận với nhau rằng người Ấn cũng nghèo nên phải tiết kiệm. Tôi thì “ăn đói” quen rồi nên cũng tự biết ấy là đặc thù văn hóa, chứ chẳng phải họ keo kiệt hay thiếu trân trọng phía bạn. Đến khi đã thân thiết rồi, mời nhau về nhà ăn cơm thì thậm chí còn giản tiện hơn nữa. Lần đầu tiên tôi được một người nước ngoài mời về tư gia dùng bữa là chừng hai chục năm về trước. Bà Marlish Buechi người Thụy Sĩ là một tình nguyện viên ở Việt Nam. Bà theo đạo, sống độc thân và rất quý tôi. Là hàng xóm nên chúng tôi qua lại thường xuyên. Hôm ấy bà mời tôi về nhà ăn tối. Bữa tối chỉ có bánh mì lát, một ít pho mát và bát salad cà chua, dưa chuột, ớt xanh, hành tây thái hạt lựu trộn dầu dấm. Tôi chẳng thể nào quên được người phụ nữ hồn nhiên, phúc hậu có món salad rất ngon ấy. Cả cô bạn Prava người Ấn Độ nữa, sang Việt Nam dạy tiếng Anh và mời đến nhà thưởng thức một bữa chay, duy nhất món cà ri trộn khoai tây, cà chua và súp lơ, với ít cơm trắng. Và anh bạn Dick người Hà Lan, nấu bữa trưa mời ba cô bạn đồng nghiệp Việt Nam bằng một nồi súp có mấy lát thịt bò mỏng, vài lá rau cải, và cả ít gia vị phở mua ở Việt Nam. Tất cả thả chung vào nước dùng. Không bánh mì, chỉ có súp, nhưng vẫn ngon tuyệt.

Trong cuốn “Từ điển Trung Anh cho người đang yêu”, một cuốn sách tôi vô cùng yêu thích của tác giả Quách Tiểu Lộ, nhân vật chính là cô gái người Trung Hoa yêu say đắm một người đàn ông Anh quốc. Sau một năm vô cùng vui vẻ, mọi chuyện trở nên bi kịch khi trong nhà hàng, cuối bữa, ông Tây rút thẻ tín dụng chỉ trả cho suất ăn của mình khiến cô gái Trung Hoa kinh ngạc. Tây thì cũng có người nọ người kia, cũng có rất nhiều người trả tiền ăn cho người yêu quanh năm, nhưng việc yêu nhau nồng nàn nhưng vẫn cưa đôi tiền ăn tiệm là chuyện bình thường. Trong khi ở Việt Nam, dù là ông keo kiệt nhất xứ cũng chẳng bao giờ dám thản nhiên “Ai trả tiền người nấy em nhé.” Có lẽ vì thế chăng mà trong cuốn “Cư xử như đàn bà, suy nghĩ như đàn ông”, Steve Harvey, tác giả đình đám của hàng triệu bản sách đã định nghĩa thế nào là một người đàn ông thực sự yêu bạn. Đấy là khi anh ta tự hào giới thiệu bạn cho tất cả mọi người cùng biết, luôn sẵn sàng bảo vệ bạn và... trả tiền thực phẩm cho bạn.

di li

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/lao-dong-cuoi-tuan/do-an-nhon-tay-606682.ldo