Đỗ Bích Thúy: 'Với văn chương thì nhà văn luôn tự do nhất'

Đỗ Bích Thúy không phải người dân tộc thiểu số nhưng bằng văn chương chị đã xác lập được chỗ đứng giữa những tộc người miền núi, thấu thị và viết ra để thế giới nhìn thấy cuộc đời họ, thấy sự đa dạng văn hóa và phẩm giá của riêng mỗi tộc người.

Có lẽ cũng vì vậy mà trong hơn 20 năm viết văn, gia tài tác phẩm của Đỗ Bích Thúy có cả những đề tài về phố thị ghi đậm dấu ấn trên văn đàn nhưng người ta vẫn cứ mặc định chị thuộc về miền núi, vẫn xem Tiếng đàn môi sau bờ rào đá (từng chuyển thể thành phim Chuyện của Pao) là đỉnh cao văn nghiệp của chị.

Than đỏ dưới tro tàn - tập tản văn thứ 5 của Đỗ Bích Thúy vừa ra mắt giữa tháng 4.2023 cũng đầy phong vị miền núi, với những ký ức gắn liền với thung lũng nơi chị được sinh ra và lớn lên, trong đó có những bài viết mà chị tiết lộ “khi viết đã chảy nước mắt”.

Dịp này, Người Đô Thị có cuộc trò chuyện với nhà văn Đỗ Bích Thúy.

Nhà văn Đỗ Bích Thúy.

Nhà văn Đỗ Bích Thúy.

Thưa chị, được nhận diện là một nhà văn viết về dân tộc thiểu số và miền núi, chị cảm thấy thế nào?

Tôi sinh ra và lớn lên ở miền núi, trong một ngôi làng của người Tày. Đó là vùng văn hóa đã nuôi dưỡng tôi, tôi lớn lên ở trong nó. Đó là đề tài mà tôi chọn để viết văn, đơn giản vì tôi luôn nhung nhớ miền núi.

Nhưng điều quan trọng hơn, miền núi và dân tộc thiểu số là đề tài hấp dẫn nhưng lại rất ít người viết, tôi lại có lợi thế là hiểu miền núi, hiểu dân tộc thiểu số, nên khi chọn đề tài này tôi thỏa sức ngụp lặn, bày biện, sửa soạn, không phải vừa làm vừa vất vả cân nhắc để tránh giẫm vào dấu chân người đi trước.

Từ bao giờ chị phát hiện con đường của mình là viết về dân tộc thiểu số hay ngay từ đầu chị đã bị dẫn dụ vào đề tài này? Chị vô tình thành công với nó rồi cứ thế trung thành với nó, hay nó dường như là sứ mệnh được gửi gắm đến chị từ một chốn nào ấy?

Thực ra khi viết thì cứ viết thôi. Viết vì say mê, vì không viết thì không chịu nổi chứ đâu có nghĩ viết để thành công, thành danh. Nhưng có điều thế này, sau ba mươi năm viết văn, tôi nhận ra, văn chương cũng như bất kỳ công việc sáng tạo nào, cần có sự chăm chú, nỗ lực hết sức, kiên định và không từ bỏ, cuối cùng thế nào cũng có kết quả. Và kết quả đến đâu thì còn có cả yếu tố may mắn nữa.

Hơn 20 năm viết văn, in 23 đầu sách, thì hầu hết những cuốn đã in tôi đều viết về miền núi. Đấy là vùng đất tôi yêu mến nhất, luôn nhung nhớ và khao khát quay về.

Đỗ Bích Thúy

Tôi nghĩ rằng tôi may mắn vì được sinh ra và lớn lên ở miền núi, may mắn vì được làm việc trong môi trường văn chương chuyên nghiệp, may mắn vì đề tài miền núi được bạn đọc yêu mến…

Chị đã rời núi rừng Hà Giang hơn 20 năm nhưng những bài viết của chị vẫn trở về nơi chốn ấy. Ở tập tản văn mới nhất Than đỏ dưới tro tàn, ngay cả khi chị viết về những vùng đất mới mẻ thì xúc cảm của chị cuối cùng vẫn cứ kết nối với nơi mà chị đã được sinh ra. Có những nhà văn luôn bám chặt vào một vùng đất ngay cả khi họ đã đi muôn phương. Nhưng chị có định sẽ nhấc mình khỏi vùng văn hóa ấy trong một cuốn sách khác?

Thực ra tôi đã từng làm cái việc mà bạn gọi là “nhấc mình” ra khỏi miền núi rồi đấy chứ. Tôi có cuốn tiểu thuyết Cửa hiệu giặt là viết về Hà Nội, từng được trao giải Văn học nghệ thuật thủ đô. Một ít truyện ngắn nữa. Tuy nhiên, hơn 20 năm viết văn, in 23 đầu sách, thì hầu hết những cuốn đã in tôi đều viết về miền núi.

Đấy là vùng đất tôi yêu mến nhất, luôn nhung nhớ và khao khát quay về. Thể xác không quay về được vì cuộc sống đặt lên vai những gánh trách nhiệm thường nhật, nhưng tâm trí thì quay về lúc nào chẳng được. Với văn chương thì nhà văn luôn tự do nhất.

Tạo dựng được thành công, tên tuổi từ đề tài dân tộc, miền núi, nhưng cũng có người cho rằng miền núi, dân tộc thiểu số trong văn của chị vẫn là miền núi trong mắt một người Kinh, một người bên ngoài kể về cộng đồng mình sống cạnh chứ không phải là miền núi thật sự do người của cộng đồng ấy tự kể. Chuyện chị kể vẫn là cái nhìn từ bên ngoài vào, nhưng dù sao nó đã rất thành công khi chị bền bỉ mang tới một cái nhìn đầy tôn trọng với con người, văn hóa của các dân tộc thiểu số. Chị nghĩ sao về những điều này?

Đánh giá về những gì tôi đã viết là quyền của người đọc, tôi không có ý kiến. Nhưng tôi muốn hỏi ngược lại bạn một câu thôi: Nếu tôi không viết về họ thì ai viết? Chúng ta sẽ chờ đợi đến khi nào để có những nhà văn là người dân tộc thiểu số viết về chính họ?

Trước một tác phẩm văn học, hãy công bằng. Hãy bỏ qua xuất thân của một nhà văn mà công bằng với tác phẩm. Giả sử bạn gạch tên tôi khỏi một trong số những cuốn sách của tôi, khi đó bạn có nhận ra rằng tôi là một người Kinh viết về cộng đồng dân tộc Mông không?

Nhà văn Đỗ Bích Thúy và các em nhỏ miền núi.

22 năm ở Hà Nội chị ra mắt 23 cuốn sách, hoàn thành “chỉ tiêu” mỗi năm một cuốn. Tại sao chị lại quan tâm tới chỉ tiêu về số lượng như vậy?

Việc mỗi năm phải in một cuốn sách mà tôi nói đến ấy, thực ra xuất phát từ câu chuyện giữa tôi và nhà văn Nguyễn Khải. Khi ông còn sống, tôi hay viết thư cho ông, rồi ông lại viết cho tôi (khi đó ông sống trong TP.HCM). Ông khuyên tôi: “Hãy viết mỗi ngày. Đừng ngày nào dừng viết. Cả cuộc đời văn chương của cháu có thể viết vài chục nghìn trang. Trong vài chục nghìn trang ấy có vài trăm trang đọc được, trong vài trăm trang ấy lại có vài chục trang bạn đọc nhớ tới, thì như vậy cháu đã thành công rồi”.

Tôi cho rằng phải lao động liên tục liên tục. Phải lao động thì mới có thành quả. Phải viết thì mới có tác phẩm để bạn đọc đánh giá những gì mình viết có đáng để đọc không, chứ không viết hoặc viết ít quá thì bạn đọc lấy gì mà đánh giá.

Viết lách là một công việc nhọc nhằn với bất cứ ai, đặc biệt là phụ nữ. Làm thế nào chị có sức viết khỏe đến thế? Viết nhiều và viết mãi một đề tài, liệu có khi nào chị cảm thấy chưa hài lòng về tác phẩm của mình?

Ai viết văn cũng đều nhọc nhằn cả, chẳng riêng gì phụ nữ. Nhưng tôi là người biết cách thu xếp cuộc sống, công việc. Tôi rất thích câu người ta hay nói: “Muốn thì sẽ làm được, không muốn sẽ có lý do”.

Tôi yêu tất cả mọi cuốn sách của mình, yêu mọi nhân vật mà tôi đã xây dựng. Tôi không yêu thì mong gì bạn đọc yêu cơ chứ.

Đỗ Bích Thúy

Tôi không bao giờ nghĩ rằng tôi có thể viết hết về miền núi, cho dù viết đến lúc chết. Hà Giang của tôi có hơn 20 thành phần dân tộc thiểu số, chỉ riêng vùng văn hóa Mông thôi, một đời viết văn của tôi không đủ.

Còn cái việc hài lòng và không hài lòng, khó nói lắm. Giống như khi bạn sinh ra những đứa con, bạn có bao giờ yêu đứa này và không yêu đứa kia không? Tôi yêu tất cả mọi cuốn sách của mình, yêu mọi nhân vật mà tôi đã xây dựng. Tôi không yêu thì mong gì bạn đọc yêu cơ chứ. Tôi không thể nói mọi cuốn sách mình viết đều hay, nhưng tôi chắc chắn khi viết mỗi cuốn tôi đã đều cố gắng hết sức mình.

Than đỏ dưới tro tàn vừa ra mắt là tập tản văn thứ 5 của chị. Tản văn là thể loại để viết hay được rất khó, trong khi nhiều người lại coi tản văn chỉ là một thứ viết vặt, chưa làm nên tác phẩm. Còn chị, chị nghĩ sao về thể loại này và vì sao chị lại viết nhiều tản văn như vậy?

Việc chọn thể loại căn cứ vào mục đích của nhà văn, muốn viết gì. Thể loại giống như những chiếc áo, cơ thể nào thì mặc áo đó. Có những điều chỉ có thể dùng tản văn để giải quyết, và có những đề tài, câu chuyện, buộc phải dùng thể loại khác. Sự khác biệt lớn nhất ở tản văn là yếu tố phi hư cấu. Đọc tản văn bạn đọc sẽ nhìn ra tác giả rõ nhất.

Tôi viết đến 5 cuốn tản văn rồi, thực ra là trong lòng tôi mong muốn bạn đọc có thể thay đổi cách nhìn về thể loại này. Nó không đơn thuần là những suy tư tản mạn, mây gió hoa lá, nó có thể mang theo những thông điệp nặng ký hơn, nó là những đúc kết có được từ trải nghiệm, nó có thể lấy nước mắt, nó có thể chạm tới trái tim người đọc một cách sâu sắc... Tôi mong muốn như vậy.

Tập tản văn Than đỏ dưới tro tàn với phần mỹ thuật do họa sĩ Lê Thiết Cương thực hiện

Một người phụ nữ đẹp viết văn thì sẽ thế nào, thưa chị? Có phải hứng đủ cả “trời xanh quen thói má hồng đánh ghen” và “chữ tài liền với chữ tai một vần”?

Như đã nói, tôi mong muốn bạn đọc, trong đó bao gồm cả bạn, hãy công bằng khi đọc tác phẩm. Đặt sang một bên người viết là ai: phụ nữ hay nam giới, đẹp hay không đẹp. Thực ra thì ai viết đâu có quan trọng gì. Văn chương là một loại hình công việc, và nhà văn là người làm cái công việc đó, thế thôi. Tôi không cho rằng những khó khăn mà mình phải trải qua trong cuộc sống (ai mà chẳng phải trải qua khó khăn) là do những lý do giời ơi đất hỡi như bạn nói.

Tôi luôn làm việc hết mình, tôi là người lạc quan, tôi kiên định và không từ bỏ, tôi thích sống một cách say mê.

Cảm ơn chị!

Nhà văn Đỗ Bích Thúy sinh năm 1975 ở Hà Giang. Năm 2001, chị chuyển công tác từ Hà Giang về Hà Nội. Trong hơn 20 năm viết văn, Đỗ Bích Thúy đã xuất bản 23 tác phẩm và từng đoạt nhiều giải thưởng văn học: giải nhất cuộc thi sáng tác truyện ngắn của tạp chí Văn nghệ Quân đội năm 1999 - 2000; giải nhất tiểu thuyết Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam năm 2013; giải nhất Văn học nghệ thuật thủ đô năm 2014…

Một số tập truyện ngắn đã xuất bản: Sau những mùa trăng; Tiếng đàn môi sau bờ rào đá (chuyển thể thành phim điện ảnh Chuyện của Pao - giải thưởng Cánh diều vàng 2005); Đàn bà đẹp; Mèo đen... Một số tiểu thuyết: Lặng yên dưới vực sâu (chuyển thể thành phim truyền hình cùng tên); Người yêu ơi; Cửa hiệu giặt là; Cánh chim kiêu hãnh; Bóng của cây sồi; Chúa đất (được Quỹ văn hóa HansaeYes24 Foundation tài trợ dịch và xuất bản tại Hàn Quốc 2022). Một số tập tản văn: Trên căn gác áp mái, Đến độ hoa vàng, Tôi đã trở về trên núi cao, Thương nhau như người thân, Than đỏ dưới tro tàn...

PGS-TS. Phạm Xuân Thạch (nhà nghiên cứu, phê bình văn học):

Đỗ Bích Thúy vượt qua cái nhìn miền núi chậm phát triển và lạc hậu

Có lẽ, vẻ đẹp của Than đỏ dưới tro tàn là vẻ đẹp của một cái nhìn. Không hẳn của một người miền núi và thuộc về miền núi mà của một người sinh ra và lớn lên trong thế giới miền núi và cạnh thế giới của những người miền núi.

Lịch sử đầy những biến động của thế kỷ trước đã dẫn đến những cuộc di dân khổng lồ, làm xáo trộn trạng thái tĩnh lặng của những cư dân trên những vùng non cao và đẩy những khối cư dân thuộc những tộc người rất khác nhau đến sinh sống cạnh nhau. Đỗ Bích Thúy sống với miền núi trong một vị trí như thế. Với chị, thiên nhiên miền núi là một nơi chốn luôn kêu gọi trở về và mang đến một sự an ủi, là không gian mà chị tìm thấy những gì không bao giờ có trong thế giới đô thị của những người nhập cư, giống như cách một đứa con đã trưởng thành trở về Ngôi nhà - của - cha mẹ. Đó là một Thiên nhiên - người Mẹ, Thiên nhiên - Ngôi nhà xưa chứ không phải là một thứ thiên nhiên để chế ngự và khai thác.

Những người miền núi với chị là một thế giới khác mà dẫu có được họ đùm bọc, đón nhận thì với họ, chị vẫn cứ là một người phương xa. Nhưng ít nhất, bằng trái tim nhân hậu và một tâm hồn tinh tế, chị tạo được cái nhìn đầy kính trọng đối với thứ minh triết thâm trầm và lặng thầm của họ. Chị vượt qua được cái nhìn về họ như những cư dân chậm phát triển và lạc hậu chờ đợi một sự thương hại và khai hóa.

Đến cùng, những trang đẹp nhất của tập sách vẫn là những trang từng làm nên chị, làm nên vị trí của chị cạnh Đoàn Hữu Nam, cạnh Cao Duy Sơn, Phạm Duy Nghĩa, cạnh Inrasara, Niê Thanh Mai, và nhiều nhà văn khác: những khu rừng và những vực núi kỳ vĩ, những không gian hoang dại, những bầy ong khổng lồ, những người dân lặng lẽ và dữ dội. Đỗ Bích Thúy nỗ lực vượt khỏi những gì vốn quen thuộc và làm nên chính mình để làm mới sự viết, nhưng với chị, thế giới từng làm nên những gì quan trọng nhất của chị vẫn không dễ vượt ra được. Cái nhìn của Thúy về thế giới miền núi là một cái nhìn, ít nhất, cần thiết khi viết về miền núi trong một thời đại mà con người đã ý thức về sinh thái và đa dạng văn hóa.

Hoàng Hương thực hiện - Ảnh: TLNV

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/do-bich-thuy-voi-van-chuong-thi-nha-van-luon-tu-do-nhat-39353.html