Đồ chơi dịp Trung thu: Hàng 'Made in Việt Nam' lên ngôi

Những năm trước đây vào dịp Tết Trung thu các mặt hàng đồ chơi cho trẻ em có phần lép vế. Nhưng năm nay, phần lớn người tiêu dùng đã có nhận thức rõ ràng hơn về việc lựa chọn những mặt hàng đồ chơi trẻ em có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng và có tem hợp chuẩn.

Trung thu 2018, hàng “Made in Việt Nam” lên ngôi. Ảnh: ĐT

Trung thu 2018, hàng “Made in Việt Nam” lên ngôi. Ảnh: ĐT

Hàng Việt lên ngôi

Chỉ còn ít ngày nữa sẽ là Tết Trung thu, đây là một trong những lễ hội truyền thống phục vụ thiếu nhi. Do đó, các mặt hàng trong dịp Tết Trung thu nhất là các loại đồ chơi phục vụ thiếu nhi đã và đang trở nên nhộn nhịp hơn bao giờ hết. Tại Hà Nội, có rất nhiều khu phố bán đồ chơi trẻ em tập trung với số lượng lớn như phố Lương Văn Can, Hàng Mã (Hoàn Kiếm), Tô Hiệu (Cầu Giấy)…

Qua tìm hiểu thị trường đồ chơi trẻ em Trung thu năm nay, phần lớn các mặt hàng đồ chơi đã được cải tiến nhiều về mẫu mã và xuất hiện thêm nhiều loại sản phẩm mới. Một số loại đồ chơi truyền thống được yêu thích như: Đèn lồng, đèn ông sao, đầu lân, mặt nạ… được cách tân đổi mới về màu sắc, kiểu cách, nhưng vẫn giữ được nét truyền thống hương vị Việt.

Bên cạnh đó, các mặt hàng đồ chơi truyền thống, các mặt hàng của một số nước như: Trung Quốc, Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc… cũng được bày bán nhưng ít được người tiêu dùng lựa chọn.

Các mặt hàng được sản xuất tại các làng nghề truyền thống ngày càng xuất hiện nhiều, kể cả tại các siêu thị và trung tâm thương mại.

Trong đó các mặt thủ công làm bằng các chất liệu tự nhiên như tre, gỗ đang ngày càng được ưa chuộng vì giá bán phù hợp với túi tiền, cụ thể: Đèn ông sao 15.000-30.000đ/chiếc tùy loại và kích cỡ; các loại trống cầm tay có giá từ khoảng 15.000-70.000đ/chiếc; đầu lân từ khoảng 130.000-220.000đ/chiếc; mặt nạ các loại dao động từ 20.000-50.000đ/chiếc; đèn lồng nhựa từ 50.000-350.000đ/chiếc…

Lý giải về việc trở lại với đồ chơi truyền thống, nhiều phụ huynh cho biết do muốn hướng con em mình về với những nét văn hóa truyền thống Việt và hiện có rất nhiều thông tin việc đồ chơi nhập lậu từ TQ về chất lượng không tốt. Đặc biệt một số sản phẩm có tính chất bạo lực và không bảo đảm sức khỏe của trẻ.

Theo chị Thiều Minh Thủy (Mỹ Đình, Hà Nội) đồ chơi truyền thống không được bắt mắt như đồ TQ nhưng mang nhiều nét truyền thống và tính giáo dục của người Việt, gắn với tuổi thơ của bao thế hệ. Cùng đó, hiện nhiều Cty trong nước đã đầu tư công nghệ, thay đổi mẫu mã, cải tiến các loại đồ chơi làm từ gỗ như bảng tính, bộ xếp hình, tàu hỏa… với chất lượng tốt, mẫu mã đẹp bắt mắt và giá thành hợp lý. Do vậy chị quyết định chọn đồ chơi truyền thống cho con.

Vì sức khỏe con trẻ

Tại những quầy bày bán đồ chơi tại các nhà sách, trung tâm thương mại tại Hà Nội, đồ mang thương hiệu “Made in Việt Nam” đang soán ngôi và nhiều nơi chỉ bán các sản phẩm có xuất xứ Việt Nam. Hầu hết các sản phẩm có màu sắc tươi sáng, chi tiết sắc nét và đều được gắn dấu hợp quy CR - dấu thể hiện sản phẩm hợp chuẩn, hợp quy, được kiểm tra an toàn trước khi lưu thông trên thị trường.

Thực tế cho thấy trong những năm gần đây, nhiều DN đồ chơi Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong việc cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm các loại đồ chơi trẻ em. Đưa ra thị trường những sản phẩm phù hợp thị hiếu người tiêu dùng với mức giá phù hợp. Cùng với đó, các sản phẩm đều được pha chế phẩm màu theo đúng quy chuẩn an toàn và không có tạp chất. Điều này đã làm người tiêu dùng yên tâm và quay trở lại với các sản phẩm Việt.

Tuy nhiên, hiện trên thị trường vẫn còn một số cửa hàng kinh doanh đồ chơi trẻ em không thực hiện đầy đủ những quy định về nhãn sản phẩm cũng như nguồn gốc xuất xứ. Thậm chí, nhiều sản phẩm còn không có bao bì gói mà để trần, một số loại thậm chí đã cũ, sỉn màu, tem nhãn của sản phẩm có dấu hiệu bong tróc.... Cùng đó, nhiều mặt hàng đồ chơi trẻ em bạo lực vẫn được bày bán công khai, như đao, kiếm, súng, các loại mặt nạ ma...

Theo Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa (Tổng cục TCĐLCL, Bộ KHCN) Trần Quốc Tuấn, mặc dù cơ quan chức năng đã có nhiều biện pháp ngăn chặn các mặt hàng đồ chơi trẻ em không nguồn gốc xuất xứ, không nhãn mác hoặc đồ chơi bạo lực lưu thông ra ngoài thị trường nhưng nhiều chủ cửa hàng kinh doanh đồ chơi trẻ em lại chưa ý thức đầy đủ về tác hại của hành vi nêu trên.

Nhưng do một số người vì lợi nhuận đã bất chấp kinh doanh các mặt hàng bị pháp luật cấm, có nguy cơ gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người tiêu dùng. “Người tiêu dùng nhất là các phụ huynh có con nhỏ nên cân nhắc kỹ khi mua đồ chơi cho trẻ nhỏ. Để đảm bảo an toàn, chỉ nên mua các sản phẩm đồ chơi trẻ em có nguồn gốc xuất xứ, nhãn mác đầy đủ và không cho trẻ nhỏ tiếp xúc với đồ chơi bạo lực” - ông Tuấn khuyến cáo.

Đặng Tiến

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/thi-truong/do-choi-dip-trung-thu-hang-made-in-viet-nam-len-ngoi-631709.ldo