Dở dang dự án kè biển 180 tỷ đồng

Giữa năm 2016, xã Quảng Thái, huyện Quảng Xương được UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt đầu tư Dự án đê, kè biển có chiều dài hơn 3,3km với tổng vốn đầu tư 181,3 tỷ đồng. Mục tiêu của dự án đặt ra nhằm đáp ứng yêu cầu phòng chống lụt bão, hạn chế thiệt hại do thiên tai gây ra, bảo vệ an toàn tính mạng và tài sản người dân, giảm thiểu tình trạng nước biển xâm thực...

Dang dở dự án đê, kè biển Quảng Thái.

Vậy nhưng, sau 2 năm khởi động, công trình này vẫn ngổn ngang vật liệu xây dựng khiến nhân dân bất bình và lo lắng khi mùa bão đang tới gần.

300 hộ dân bị đe dọa

Công trình nêu trên được UBND tỉnh Thanh Hóa giao cho Sở NN&PTNT làm chủ đầu tư, trực tiếp nhận ủy thác quản lý dự án là Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn Thanh Hóa.

Thời gian thi công giới hạn trong 36 tháng. Tuy nhiên, kể từ khi khởi công vào cuối năm 2016 đến nay, Dự án mới xây dựng được khoảng 400m đê, kè thuộc khu vực thôn 1, xã Quảng Thái. Nghiêm trọng hơn, chủ đầu tư đã cho dừng thi công dự án suốt nhiều tháng nay.

Người dân xã Quảng Thái cho hay, thời điểm bắt đầu triển khai dự án, nhà thầu huy động đội ngũ kỹ sư, công nhân, kéo máy móc, vật liệu về triển khai khá khẩn trương, rầm rộ.

Theo quan sát của chúng tôi, khu vực triển khai dự án là rừng phi lao có chức năng chắn gió, cát, phòng hộ ven biển, phòng chống lụt bão rất có hiệu quả. Song, để triển khai dự án, cánh rừng này bị chặt hạ. Mặt nền là cồn cát cũng được hạ xuống gần 1m để cho tương đương bằng với mặt đường.

Bà con thấy không khí xây dựng với tốc độ cao như vậy, họ rất mừng, nhưng sau đó thì mọi việc lại diễn ra theo chiều hướng tiêu cực.

Đặc biệt, từ Tết Nguyên đán 2018 đến nay, Dự án dừng triển khai trong sự im lặng của chủ đầu tư. Các loại máy móc, thiết bị phủ bạt, phơi nắng mưa dẫn đến hoen gỉ. Mặt nền bị xói lở, thậm chí nhiều ống cống bê tông đúc sẵn trôi tuột xuống bãi cát.

Ông Phạm Trung Tuấn - Phó chủ tịch UBND xã Quảng Thái thừa nhận: Việc dự án thi công chậm trễ đang làm ảnh hưởng đến đời sống của người dân địa phương. Cảnh quan bờ biển bị biến dạng, ngư dân gặp khó khăn trong việc neo đậu tàu thuyền, ảnh hưởng lớn đến nghề đánh bắt trên biển.

Ông Tuấn tỏ ra lo lắng: “Mùa mưa bão sắp đến, chính quyền địa phương và người dân thấy bất an do công trình vẫn đang trong tình trạng dang dở. Nếu có một cơn bão mạnh cấp 11 thì tính mạng, nhà cửa, tài sản của hơn 300 hộ dân ở sát bờ biển sẽ bị đe dọa”.

Xin tạm dừng thi công

Đại diện Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn Thanh Hóa thừa nhận: Dự án đang bị chậm trễ, khối lượng thi công mới ước đạt 20% so với tổng khối lượng phải thực hiện. Tính tới thời điểm này, công trình trị giá 181,3 tỷ đồng, trong đó riêng phần xây lắp hết 121 tỷ đồng mới được cấp vốn 29,495 tỷ đồng.

Hơn thế, năm 2017, 2018, công trình này không được ghi vốn dẫn tới việc nhà thầu phải tạm ngừng thi công dự án. Việc này dẫn tới hệ lụy, không đáp ứng yêu cầu phòng chống lụt bão và ngăn chặn hiện tượng xâm thực bờ biển khi thủy triều dâng cao.

Để tạo điều kiện cho các đơn vị quay trở lại thực hiện việc xây lắp, đẩy nhanh tiến độ, chủ đầu tư đã phối hợp với UBND huyện Quảng Xương, các xã Quảng Thái, Quảng Lưu nhằm giải quyết khó khăn, vướng mắc phát sinh, thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng.

Nhưng thực tế, đến hết tháng 3/2018, các nhà thầu cũng chỉ đang sản xuất cấu kiện bê tông đúc sẵn các loại, thi công nền đường, hạ ống buy và lát cấu kiện bê tông mái kè phía biển trong tình trạng cầm chừng.

Phía TCty CP đầu tư xây dựng Minh Tuấn đảm nhận triển khai thi công nền đường, cấp phối đá dăm loại I, II. Nhưng tựu trung tổng khối lượng đã thi công của nhà thầu vẫn không thay đổi, mới chỉ đạt 20%.

Đối với Cty CP đầu tư xây dựng và thương mại Huy Hoàn, do gặp khó khăn về mặt bằng nên phải đến tháng 9-2017, doanh nghiệp này mới triển khai phần việc của mình. Hiện nay, hai doanh nghiệp nêu trên đã xin tạm dừng thi công vì chưa có tiền.

Riêng Cty TNHH đầu tư xây dựng thương mại Bắc Nam hiện chưa triển khai gói trúng thầu do chưa được bàn giao mặt bằng. Điều đáng lo lắng hơn, đối với Dự án này nếu tiếp tục thi công sẽ trái với quy định của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản chỉ đạo điều hành của UBND tỉnh Thanh Hóa về việc tránh gây nợ đọng trong xây dựng cơ bản.

Và để tiếp tục triển khai dự án thì việc di dời tái định cư cần nguồn kinh phí lớn, trong khi chủ đầu tư gặp bế tắc về nguồn vốn nên mọi việc đang án binh bất động. Nhưng nếu không thi công thì không thể hoàn thành dự án theo kế hoạch đề ra, không đáp ứng yêu cầu phòng chống lụt bão, khó khăn trong việc ngăn chặn hiện tượng nước biển xâm thực làm sạt lở đất liền. Và chẳng nhẽ tiền của Nhà nước đã bỏ ra hơn 29,4 tỷ đồng sẽ để mặc cho thiên nhiên hủy hoại?

Anh Tuấn

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/chung-toi-len-tieng/do-dang-du-an-ke-bien-180-ty-dong-tintuc404551