Đỡ đầu các xã có tỷ lệ hộ nghèo cao: Chú trọng chất lượng giảm nghèo

'Chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau' là phương châm hành động của các cơ quan, đơn vị từ tỉnh đến cơ sở trong công tác đỡ đầu hộ nghèo. Sự giúp đỡ hiệu quả từ nguồn lực này đang và sẽ còn phát huy tác dụng lâu dài cho cả hai phía - hộ nghèo được đỡ đầu và cả đơn vị nhận đỡ đầu.

Đoàn viên, thanh niên, hội viên Hội Nông dân xã Tân Phúc (Lang Chánh) tham gia làm đường liên thôn.

Nhằm mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn toàn tỉnh, nhất là tại các xã có tỷ lệ hộ nghèo trên 30%, ngày 27-5-2016 Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVIII đã ban hành Quyết định số 289/QĐ-TU về việc phê duyệt chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2016-2020, trong đó phân công các sở, ban, ngành, đoàn thể giúp đỡ các xã có tỷ lệ hộ nghèo cao. Ngay sau khi được phân công nhiệm vụ, các sở, ngành, đơn vị đã tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của hộ nghèo để có những giải pháp cụ thể, tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực nông, lâm nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, hỗ trợ tạo sinh kế, tăng thu nhập cho hộ nghèo. Công tác giúp đỡ, đỡ đầu cũng được các đơn vị đặc biệt chú trọng tới tính thiết thực và hiệu quả, trong đó, tập trung làm tốt công tác tuyên truyền, lồng ghép, huy động các nguồn lực triển khai tập huấn, đào tạo nghề, hỗ trợ phát triển sản xuất, xây dựng hạ tầng, chăm lo cho người nghèo gắn với các phong trào thi đua chung sức xây dựng nông thôn mới. Cụ thể, từ đầu năm 2016 đến nay, chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững theo phương pháp tiếp cận nghèo đa chiều tại các huyện, xã có tỷ lệ hộ nghèo cao đã thu được kết quả quan trọng, đạt và vượt so với mục tiêu đề ra, tỷ lệ hộ nghèo bình quân giảm 2,56%/năm; thu nhập hộ nghèo tăng 1,74 lần; cơ sở hạ tầng thiết yếu không ngừng tăng cường; chỉ số thiếu hụt tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản đều giảm, đời sống hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số không ngừng được cải thiện cả về sinh kế và khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội. Có được kết quả trên là do hầu hết các sở, ngành, huyện đều đã có hướng dẫn, chỉ đạo ban hành kế hoạch, làm cơ sở để các xã có tỷ lệ hộ nghèo cao xây dựng kế hoạch thực hiện chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững giai đoạn 2016-2020. Việc rà soát, lựa chọn đối tượng thụ hưởng chính sách cơ bản được thực hiện công bằng, công khai, dân chủ, đúng đối tượng, được thực hiện từ cơ sở. Các hoạt động phát triển sản xuất, nhân rộng mô hình giảm nghèo cơ bản đáp ứng, phù hợp với nhu cầu, điều kiện lợi thế của vùng, trình độ sản xuất của hộ nghèo. Nhiều huyện, xã đã có cách làm hay, phù hợp; nhiều hộ nghèo đã có ý thức vươn lên thoát nghèo khi nhận được sự hỗ trợ của các sở, ban, ngành, địa phương...

Được phân công giúp đỡ, đỡ đầu 2 xã có tỷ lệ hộ nghèo cao là Quang Chiểu và Mường Chanh (Mường Lát), từ năm 2016 đến nay Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đã phối hợp với các địa phương tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của bà con và xây dựng kế hoạch triển khai giúp đỡ. Cụ thể, trong 3 năm qua, bộ đội biên phòng đã hỗ trợ bà con 300 tấn xi măng để làm đường bê tông, xây mới 36 nhà vệ sinh; hỗ trợ xây dựng mô hình điểm về phát triển chăn nuôi tại Đồn Biên phòng Quang Chiểu; củng cố mô hình chăn nuôi bò, dệt thổ cẩm; hỗ trợ bà con tập huấn kiến thức về phòng cháy, chữa cháy rừng và tặng 30 suất quà trị giá 60 triệu đồng cho hộ nghèo, hộ chính sách khó khăn xã Mường Chanh. Bên cạnh đó, bộ đội biên phòng còn huy động sự đóng góp của cán bộ, chiến sĩ nhận đỡ đầu 4 cháu (mỗi xã 2 cháu) thuộc hộ nghèo đến khi các cháu học xong THPT và hỗ trợ xây dựng mái ấm tình thương cho 5 hộ nghèo. Do thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, đến nay xã Quang Chiểu đã thoát khỏi danh sách cần được hỗ trợ; tỷ lệ hộ nghèo tại xã Mường Chanh cũng giảm đáng kể. Tại xã Quang Chiểu, nếu như năm 2016, có 795 hộ nghèo (chiếm tỷ lệ 69,61%) thì đến nay hộ nghèo trên địa bàn xã chỉ còn 349 hộ. Còn tại xã Mường Chanh, năm 2016 có 537 hộ nghèo, đến nay giảm còn 358 hộ. Cũng nằm trong kế hoạch được phân công, đỡ đầu 2 xã Tam Thanh, Sơn Hà (Quan Sơn), năm 2016, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh đã hỗ trợ xây 2 nhà mái ấm tình thương, trao 231 suất quà cho phụ nữ nghèo trị giá 155 triệu đồng. Thông qua nhiều hình thức hỗ trợ, hội đã giúp 25 hộ phụ nữ thoát nghèo (xã Tam Thanh 14 hộ, Sơn Hà 11 hộ). Đến nay, tổng dư nợ vốn ủy thác Ngân hàng Chính sách xã hội xã Tam Thanh là hơn 5 tỷ đồng; xã Sơn Hà trên 5,2 tỷ đồng. Ngoài ra, Tỉnh hội cũng đã thành lập 2 mô hình câu lạc bộ “gia đình 5 không, 3 sạch”, 1 câu lạc bộ “làm vườn rau sạch”; hỗ trợ thành lập các mô hình chăn nuôi ở xã Sơn Hà; vận động hỗ trợ cho các hộ nghèo ở xã Tam Thanh thành lập 12 tổ tiết kiệm cho 13 hội viên vay vốn... Do làm tốt công tác giảm nghèo nên 2 xã Tam Thanh và Sơn Hà cũng đã ra khỏi danh sách xã có tỷ lệ hộ nghèo trên 30%.

Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo Chương trình Mục tiêu quốc gia (CTMTQG) về giảm nghèo bền vững tỉnh, hầu hết các cơ quan, đơn vị tổ chức nhiều hoạt động thiết thực và hiệu quả. Các nội dung giúp đỡ bám sát theo chương trình giảm nghèo của tỉnh như phối hợp với chính quyền địa phương rà soát, bổ sung, xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, tổ chức nhiều hoạt động giúp đỡ các xã phát triển sản xuất, hạ tầng, các lĩnh vực văn hóa - xã hội, củng cố, xây dựng hệ thống chính trị cơ sở... Thống kê sơ bộ từ năm 2016 đến nay, tổng vốn huy động trực tiếp thực hiện chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững đạt khoảng 22.209 tỷ đồng. Trong đó vốn từ CTMTQG về giảm nghèo bền vững là 2.119 tỷ đồng; vốn lồng ghép từ CTMTQG xây dựng nông thôn mới là 2.958,9 tỷ đồng; kinh phí ngân sách Trung ương là 2.438,9 tỷ đồng; ngân sách tỉnh là 520 tỷ đồng... Ngoài ra, thông qua các chương trình, dự án đầu tư, phát triển kinh tế – xã hội đã góp phần phát triển sản xuất, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần người dân các xã đặc biệt khó khăn. Bên cạnh đó, để giảm nghèo bền vững, tỉnh cũng khuyến khích các đơn vị nhận đỡ đầu lồng ghép giúp đỡ hộ nghèo bằng việc triển khai thực hiện các mô hình phù hợp như: Mô hình chăn nuôi trâu, bò tại Bình Lương (Như Xuân); mô hình chăn nuôi lợn cỏ, lợn móng cái tại xã Tân Phúc (Lang Chánh); mô hình trồng măng tại xã Na Mèo (Quan Sơn)... Tuy tỷ lệ hộ nghèo được đỡ đầu chưa hoàn toàn thoát nghèo, nhưng đây là tín hiệu lạc quan để việc phân công các ban, ngành đỡ đầu cho hộ nghèo phát huy hiệu quả hơn trong thời gian tới.

Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Minh Hành, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh khẳng định: Việc phân công các ngành, đơn vị về giúp đỡ hộ nghèo ở địa phương không chỉ góp sức cho công tác giảm nghèo của tỉnh mà còn có ý nghĩa trong việc đưa cán bộ đến gần dân, sát dân, hiểu đời sống người dân hơn. Từ đó, việc xây dựng các chính sách liên quan đến người dân cũng phù hợp và thiết thực hơn. Vì vậy, tỷ lệ xã nghèo giảm nhanh theo từng năm, nếu như năm 2016 toàn tỉnh có 100 xã có tỷ lệ hộ nghèo trên 30%, thì đến nay chỉ còn 7 xã (6 xã thuộc huyện Mường Lát và 1 xã thuộc huyện Như Xuân). Với mục tiêu, năm 2020 không còn xã có tỷ lệ hộ nghèo trên 30%, Ban chỉ đạo CTMTQG giảm nghèo bền vững tỉnh đề nghị các sở, ban, ngành, địa phương thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp để giảm nghèo bền vững, hạn chế tái nghèo, cải thiện đời sống, tăng thu nhập, tạo điều kiện cho người nghèo, hộ nghèo tiếp cận thuận lợi các dịch vụ xã hội cơ bản.

Trần Hằng

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/doi-song-xa-hoi/do-dau-cac-xa-co-ty-le-ho-ngheo-cao-chu-trong-chat-luong-giam-ngheo/110186.htm