Do đâu quy mô tổng tài sản một số ngân hàng giảm sau 3 tháng đầu năm?

Tính đến cuối quý I/2023, một số ngân hàng báo giảm tổng tài sản so với đầu năm. Trong đó, ngân hàng VietABank ghi nhận sự sụt giảm mạnh nhất.

Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Quy mô tổng tài sản các ngân hàng có biến động trái chiều trong quý I/2023 với biên độ không quá lớn. Theo số liệu từ báo cáo tài chính của các ngân hàng, tính đến 31/3/2023, tổng tài sản của 28 ngân hàng (trừ Agribank) đạt khoảng 13,14 triệu tỷ đồng, chỉ tăng nhẹ 2% so với đầu năm. Mức tăng này được cho là khá thấp so với các năm trước đó.

Có tới 9 ngân hàng ghi nhận sụt giảm về tổng tài sản trong 3 tháng đầu năm như BIDV giảm 0,6% đạt 2,1 triệu tỷ đồng; Eximbank giảm 0,6% đạt 183.864 tỷ đồng; VietBank giảm 4% ghi nhận 106.932 tỷ đồng; VietABank giảm tới 10% đạt 94.792 tỷ đồng; Ngân hàng Quốc Dân giảm gần 8% đạt 82.932 tỷ đồng; Bản Việt giảm 0,6% đạt 78.598 tỷ đồng; BaoViet Bank giảm 4% đạt 75.211 tỷ đồng; PG Bank giảm 5% còn 46.475 tỷ đồng và Saigonbank cũng giảm 5% còn 26.285 tỷ đồng.

Tiền gửi tại Ngân hàng Nhà nước (NHNN) giảm mạnh là một trong những nguyên nhân làm tài sản ngân hàng giảm trong 3 tháng qua.

Điển hình tại VietABank, tổng tài sản giảm do tiền gửi tại NHNN giảm 12% xuống còn 1.211 tỷ đồng. Ngoài ra còn do tiền, vàng gửi tại các Tổ chức tín dụng và cho vay các tổ chức tín dụng giảm 69% so với đầu năm, chỉ còn 6.586 tỷ đồng. Tiền mặt, vàng bạc, đá quý cũng giảm 25% so với đầu năm, xuống còn hơn 336 tỷ đồng.

Hay tại BaoViet Bank, tổng tài sản giảm do tiền gửi tại NHNN sụt giảm đến 61% chỉ còn 450 tỷ đồng. Tại Eximbank tiền gửi tại NHNN cũng giảm tới 43% còn 3.197 tỷ đồng;…

Thông thường, tiền gửi của các ngân hàng tại NHNN nằm dưới hai dạng là tiền gửi dự trữ bắt buộc và tiền gửi vượt dự trữ bắt buộc. Trong đó, lượng dự trữ bắt buộc được tính toán dựa trên số tiền mà ngân hàng nhận gửi từ khách hàng.

Do con số này thường xuyên biến động nên có những ngân hàng bị thiếu hoặc thừa dự trữ bắt buộc, tùy theo hoạt động hàng ngày của mỗi ngân hàng. Chính vì vậy, các ngân hàng có thể vay/cho vay lẫn nhau khoản thiếu hụt/dư thừa dự trữ bắt buộc này. Mức dự trữ bắt buộc của các ngân hàng hiện nay chỉ khoảng 3% đối với khoản tiền gửi không kỳ hạn và dưới 1 năm và 1% đối với khoản tiền gửi trên 1 năm.

Tỷ lệ dự trữ bắt buộc được NHNN sử dụng như một công cụ để điều chỉnh cung tiền trong nền kinh tế, đồng thời cũng để đảm bảo tính thanh khoản tại mỗi ngân hàng khi có biến động.

Ở chiều ngược lại, ngân hàng MSB là nhà băng mở rộng quy mô tổng tài sản nhanh nhất với tốc độ tăng 11%, lên mức 235.473 tỷ đồng; tiếp theo là HDBank tăng 10% đạt 458.803 tỷ đồng; Nam A Bank tăng 9,5% đạt 194.371 tỷ đồng.

Xét về số tuyệt đối, ngân hàng BIDV dẫn đầu hệ thống khi đưa quy mô tổng tài sản vượt 2,1 triệu tỷ đồng tính đến cuối quý 1/2023. Ngay sau đó là Vietcombank với gần 1,85 triệu tỷ đồng, tăng 2% và VietinBank hơn 1,82 triệu tỷ đồng, chỉ tăng nhẹ 1%.

Còn ngân hàng MB dẫn đầu ngân hàng tư nhân với 760.761 tỷ đồng tổng tài sản, tăng 4% so với đầu năm. Tiếp đến là Techcombank cũng tăng 4%, lên mức 723.518 tỷ đồng và VPBank tăng 7% đạt 677.624 tỷ đồng.

Những ngân hàng có tổng tài sản giảm trong quý I/2023 (tỷ đồng)

Ở một diễn biến có liên quan, tỷ lệ nợ xấu 3 tháng đầu năm 2023 có xu hướng gia tăng tại đa số ngân hàng, sau khi thời gian cơ cấu thời hạn trả nợ cho khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 hết hiệu lực từ 30/6/2022 và nền kinh tế có khá nhiều biến động trong năm vừa qua. Hiện chỉ còn 6 ngân hàng giữ được tỷ lệ nợ xấu ở dưới mức 1%.

Trong báo cáo ngành ngân hàng công bố hồi đầu tháng 3/2023, chuyên gia của VNDirect đánh giá thị trường bất động sản ảm đạm sẽ tác động tiêu cực lên ngành ngân hàng khi rủi ro tín dụng gia tăng và chất lượng tài sản suy yếu.

Bên cạnh vấn đề của thị trường bất động sản, VNDirect nhận thấy một vấn đề khác liên quan đến việc các doanh nghiệp Việt Nam đang gặp khó khăn về thanh khoản, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Các doanh nghiệp Việt Nam đang phải đối mặt với chi phí lãi vay tăng cao và việc này sẽ gây ảnh hưởng lên khả năng trả nợ của các doanh nghiệp.

Mặt khác, việc tiếp cận vốn của các doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn, khi kênh tín dụng ngân hàng vẫn hạn chế trong khi thị trường trái phiếu doanh nghiệp gần như đã đóng băng. Những khó khăn trong việc tiếp cận vốn của doanh nghiệp và khả năng trả nợ suy giảm sẽ lại là một yếu tố tác động xấu đến chất lượng tài sản của ngân hàng trong năm 2023.

https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Huy Tùng - Hà Phương

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/do-dau-quy-mo-tong-tai-san-mot-so-ngan-hang-giam-sau-3-thang-dau-nam-686287.html