Đỡ đẻ thành công cho sản phụ bị ảo giác, hoang tưởng bị hãm hại

Các bác sĩ của Bệnh viện Phụ sản - Nhi Quảng Nam đã mổ lấy thai cho sản phụ bị tâm thần phân liệt, phát bệnh vào những tháng cuối của thai kỳ.

Theo các bác sĩ, thai phụ năm nay 35 tuổi, mang thai con đầu, thai 38 tuần. Năm 20 tuổi, cô gái được chẩn đoán rối loạn cảm xúc lưỡng cực. Tuy nhiên, bệnh nhân đã điều trị ổn.

Trong thời gian mang thai, bệnh cũ tái phát. Cách đây 2 tháng, bệnh nhân ngủ ít, ăn uống kém, xuất hiện ảo giác, ảo thanh, hoang tưởng bị hại.

Thai phụ vào viện với tình trạng tỉnh táo, huyết áp 120/70 mmHg, mạch 110 lần/phút, cười nói huyên thuyên, cáu gắt, kích thích, hoang tưởng bị hại, tim thai 160 lần/phút, đau bụng từng cơn, khám đã có dấu hiệu chuyển dạ.

Nhận thấy thai phụ có các triệu chứng của loạn thần, khoa Phụ sản hội chẩn liên khoa, liên viện với Bệnh viện Tâm thần Quảng Nam và đưa ra chẩn đoán thai con so, 38 tuần, ngôi đầu chuyển dạ, tim thai suy, tâm thần phân liệt. Ngay lập tức, thai phụ được chuyển mổ lấy thai cấp cứu.

Con của sản phụ được chuyển về hồi sức tại khoa Cấp cứu Hồi ức tích cực - Chống độc và Bệnh lý sơ sinh.

Trong lúc chuyển mổ, thai phụ không hợp tác, la hét, kích thích, vật vã, tim thai dao động 170-180 lần/phút, huyết động không ổn định.

Qua đánh giá nhanh, các bác sĩ phát hiện bệnh nhân thông khí kém và dự đoán đặt nội khí quản khó. Họ đã đặt nội khí quản qua camera, gây mê để phẫu thuật. Trong mổ, bác sĩ phát hiện tử cung go hồi kém, tiến hành hồi sức tăng go tích cực. Sau mổ, mẹ và bé ổn định.

Do không làm chủ được hành vi, sản phụ được tách riêng. Trẻ sơ sinh được chuyển về khoa Cấp cứu Hồi sức tích cực - Chống độc và Bệnh lý sơ sinh chăm sóc toàn diện. Sản phụ được điều trị, chăm sóc hậu phẫu kết hợp uống thuốc hướng tâm thần kinh theo y lệnh của bác sĩ chuyên khoa tâm thần.

Trong quá trình điều trị, sản phụ có hoang tưởng bị hại nên từ chối dùng thuốc. Các y bác sĩ phải động viên chăm sóc, làm các biện pháp tâm lý tích cực để bệnh nhân đồng ý dùng thuốc và ăn uống. Sau mổ 6 ngày, sản phụ dần hồi phục sức khỏe, tinh thần tạm ổn định, giảm nói huyên thuyên và cáu gắt, có thể xuất viện trong vài ngày tới.

Theo bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Hồ Hữu Tường, Bệnh viện Tâm thần Quảng Nam, nguyên nhân xuất hiện rối loạn tâm thần trong thai kỳ do nhiều yếu tố như thay đổi nội tiết tố liên quan thai nhi, sự gia tăng bài tiết một số hormone tuyến yên, buồng trứng… Bệnh nhân cũng có thể gặp các yếu tố tâm lý xã hội như sống một mình, mang thai ngoài ý muốn, khó khăn về kinh tế, vật chất, thiếu sự quan tâm, chia sẻ…

"Rối loạn tâm thần khi mang thai tác động tiêu cực tâm lý và sức khỏe của người mẹ cũng như thai nhi. Các rối loạn tâm thần nặng cần sự phối hợp giữa chuyên khoa phụ sản và tâm thần để điều trị kịp thời cho bệnh nhân. Trong thời kỳ mang thai, thai phụ cần được chồng và gia đình quan tâm, động viên, chia sẻ, nghỉ ngơi, tránh các tác động tiêu cực. Ngoài ra, bản thân thai phụ và gia đình cần trang bị tốt kiến thức tiền sản để có một thai kỳ khỏe mạnh và an toàn", thạc sĩ Phạm Thanh Thảo, Bệnh viện Phụ sản - Nhi Quảng Nam, cho biết thêm.

Hàn Vũ - Nghĩa Bùi / Sức khỏe và Đời sống

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/mo-de-cho-thai-phu-bi-benh-tam-than-post1433353.html